Xuyên rừng ngắm "bảo vật" của Vườn quốc gia Cát Tiên
Trong hành trình đi xuyên qua Vườn quốc gia Cát Tiên đến Bàu Sấu, lần đầu tiên chúng tôi được ngắm nhìn những đại thụ, động vật của khu rừng quý này.
Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên với diện tích 71.187,9ha, nằm trên địa bàn 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước. Nơi đây có khoảng 1.730 loài động vật và 1.655 loài thực vật. VQG này được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, Khu Ramsar quốc tế và Khu di tích quốc gia đặc biệt.
Trong dịp hiếm hoi đi cùng các chuyên gia Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) công tác tại VQG, chúng tôi may mắn được tham gia vào hành trình xuyên rừng đến khu Ramsar Bàu Sấu.
Hành trình bắt đầu bằng xe bán tải chạy theo con đường bê tông dài khoảng 9 km dọc sông Đồng Nai. Theo người hướng dẫn đoàn, những ngày cuối năm, nhiều khu vực rừng cây đang thay lá rất đẹp. Nếu nhìn từ trên cao, một vạt rừng hiện ra đầy màu sắc, đẹp như tranh vẽ. Ảnh: VQG Cát Tiên
Tới điểm tập kết, người tham gia bắt đầu đi xuyên rừng với hành trình khoảng 5 km, yêu cầu phải có sức khỏe tốt. Dọc đường, cả đoàn nghe tiếng chim thú râm rang không khi nào ngớt, đại thụ hàng chục, hàng trăm năm tuổi không đếm sao cho hết được. Mỗi cây mang một vẻ đẹp kì vĩ khác nhau.
Trong đó thu hút sự quan tâm của chúng tôi là cây Tung khổng lồ, mà theo người hướng dẫn là đã khoảng 500 tuổi nằm ở lối vào rừng khoảng 2,5 km. Gốc cây có bộ rễ bạnh vè nổi lớn trên mặt đất, có đoạn cao gần 2 m.
Để vượt qua 5 km xuyên rừng mất khoảng 1 giờ. Ven lối mòn xuyên rừng có nhiều cây cổ thụ khác với dáng đứng vững chãi với hệ thống dây leo chằn chịt. Tiếng động vật kêu hú chuyền cành, chim hót líu lo khắp mọi nơi. Nếu không có con đường mòn và vài bảng chỉ dẫn ven đường, những người như chúng tôi sẽ bị lạc vào muôn trùng cây cối, khó xác định được phương hướng.
Một cây gõ đỏ quý hiếm, thân cây phải nhiều người ôm mới xuể, là "báu vật" trong VQG Cát Tiên. Gõ đỏ thường phát triển chậm nên gỗ chắc chắn, giá trị kinh tế cao. Đây là loại gỗ quý hiếm được liệt kê trong sách đỏ Việt Nam.
Liên kết giữa các cây là nhiều loại dây leo lớn.. Tuy là "dây" nhưng nhiều dây có thân to hơn bắp chân người lớn với hình dáng vặn xoắn kì lạ.
Rất nhiều cây khác, chủ yếu là cây bằng lăng dù có thân mục ruỗng tận gốc nhưng vẫn xum xuê, phát triển mạnh. Đây là một trong những nơi trú ngụ của các loại động vật rừng nhỏ.
VQG Cát Tiên cũng nổi tiếng phong phú với hàng trăm loại nấm. Ảnh: VQG Cát Tiên
VQG Cát Tiên cũng nổi tiếng với loài vượn vàng má đen cực kỳ tinh khôn chỉ có ở bán đảo Đông Dương. Tại VQG hiện có khoảng 500 cá thể sống trong tự nhiên. Việc nhìn thấy được loài vật này trong những chuyến xuyên rừng phải nhờ vào "vận may" vì chúng di chuyển rất nhanh ở phía trên cao. Theo VQG, loài linh trưởng không có đuôi này, hầu như không di chuyển xuống mặt đất mà chỉ sống trên cây suốt cả cuộc đời. Chúng sống theo mô hình gia đình gồm vượn cha, mẹ và con. Ảnh: VQG Cát Tiên
Khu rừng "báu vật" của Việt Nam cũng là nơi lý tưởng của loài bò tót hoang dã, đặc biệt là khu vực Bàu Sấu. Bò tót là loài động vật có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, xếp vào nhóm động vật quý hiếm loại 1B, bảo tồn ở mức sắp nguy cấp. Ảnh: VQG Cát Tiên
VQG Cát Tiên cũng là nơi có đến 351 loài chim, trong đó có nhiều loài quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam. Trong chuyến xuyên rừng, âm thanh lúc nào cũng vang lên là tiếng hót của nhiều loài chim. Ảnh: VQG Cát Tiên
Đi cùng đoàn chúng tôi là các nhân viên thuộc Đội tuần tra bảo vệ rừng. Đội cũng là nhân tố chính trong việc phát hiện và gỡ bỏ các loại bẫy thú trong rừng, cấp cứu động vật dính bẫy.
"Có nhiều loại bẫy tương ứng với nhiều loại thú rừng. Để phát hiện được rất khó khăn vì bẫy được ngụy trang. Việc cứu hộ thú hoang dính bẫy cũng khá nguy hiểm nhưng chúng tôi luôn cố gắng rà soát để gỡ hết, đảm bảo an toàn cho thú rừng" - một thành viên của đội cho biết.
Sau hơn 1 giờ vừa đi vừa ngắm, chúng tôi đã đến gần được Bàu Sấu. Hành trình 1km còn lại tưởng chừng dài vô tận vì nơi này không có sóng điện thoại, không có bản đồ, chỉ biết đi theo lối mòn có sẵn. Một vài người quyết định dừng lại ở khu vực cây Tung đại thụ vì cảm thấy không "kham" nổi đoạn đường đi tiếp và quay trở ra.
Không phụ lòng người cố gắng, Khu Ramsar Bàu Sáu cuối cùng cũng hiện ra trước mắt đoàn đi xuyên rừng. Bàu Sấu được Ban Thư ký Công ước Ramsar tại Thụy Sĩ công nhận là khu Ramsar thứ hai ở Việt Nam, là Khu Ramsar thứ 1.499 trên thế giới. Bàu rộng 13.759 ha, trong đó 5.360 ha đất ngập nước theo mùa và 151 ha đất ngập nước quanh năm. Ảnh: VQG Cát Tiên
Bàu Sấu có tên như thế khi gắn liền với loài cá sấu nước ngọt, hay tên chính thức là cá sấu Xiêm.
Từng có thời gian loài cá sấu này đối diện nguy cơ tiệt chủng nhưng sau hàng chục năm bảo tồn, loài động vật này đang phát triển trở lại ở Bàu Sấu. Ảnh: VQG Cát Tiên
Trên đường trở về, tôi gặp được hai du khách đến từ New Zealand là Antoine và Rafael. Hai vị du khách chia sẻ cảm thấy rất ấn tượng với cung đường xuyên rừng này, cảm nhận được quyết tâm bảo vệ "kho báu" quý giá là hệ sinh thái rừng và động thực vật. "Chúng tôi sẽ trở lại nhiều lần với cung đường này nữa" - Rafael nói chắc chắn.
Vào ban đêm, du khách đến với Vườn có thể trải nghiệm cung đường bằng xe bán tải để ngắm các loài thú đi ăn đêm của vườn.
Nguồn: [Link nguồn]
Quá trình hoàn thành đặt bẫy và thu 85 điểm bẫy ảnh nhằm phục vụ hoạt động giám sát đa dạng sinh học, Vườn Quốc gia Vũ Quang đã ghi nhận 58 loài động...