Xuyên núi làm “kỳ quan mới” nơi đất Mỏ

Sự kiện: Tin nóng

Đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả - “kỳ quan mới” của Quảng Ninh không chỉ giảm áp lực tuyến QL18A mà còn tạo ra cơ hội lớn cho 2 thành phố này.

Đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả với hầm xuyên núi được ví như “kỳ quan mới” của Quảng Ninh.

Con đường mở ra không chỉ giảm tải áp lực cho tuyến QL18A từ TP Hạ Long sang TP Cẩm Phả mà còn tạo ra cơ hội lớn cho 2 thành phố này.

Dự án hầm xuyên núi vinh dự được đón Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu đến thăm quan trong ngày khánh thành

Dự án hầm xuyên núi vinh dự được đón Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu đến thăm quan trong ngày khánh thành

Bài toán “vượt núi hay đào hầm?”

Chạy xe bon bon trên con đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, hạ kính cho gió biển lùa vào mát rượi, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh Đinh Văn Doãn nhớ lại, để có con đường đẹp như mơ này là quá trình khó khăn. Trong đó, khởi đầu là quyết định làm đường hầm xuyên núi đoạn qua địa bàn phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả.

Ban đầu, khi khảo sát, các đơn vị chức năng tính toán xẻ núi làm đường tại khu vực này. Tuy nhiên, việc làm hầm xuyên núi sẽ giảm thiểu tác động đến môi trường, giữ gìn cảnh quan vịnh Hạ Long và Bái Tử Long...

“Chốt đào hầm rồi thì lại bước vào nỗi lo mới. Để đào được hầm xuyên núi thì phải có khảo sát, tính toán, thiết kế cụ thể ra sao, đơn vị nào thực hiện thi công”, ông Doãn kể.

Vậy là bất kể ngày hay đêm, trời nắng hay trời mưa, ngày triều cường hay nước cạn, đội ngũ cán bộ kỹ thuật, đơn vị tư vấn đã trèo núi, vượt đèo băng qua đầm lầy để đo vẽ, tính toán tỷ mỷ từng triền núi, mỏm đá.

Có những người dính mưa cảm nặng, xước xát chân tay, mình mẩy vẫn kiên trì bám trụ hiện trường để nghiên cứu địa chất, địa hình núi đá.

Động lực lớn nhất đối với họ là ở bên kia dãy núi đá vốn có một đường hầm xuyên núi dài chừng vài trăm mét, đảm bảo cho 2 xe cơ giới hạng nhỏ lưu thông.

Đường hầm này được các đơn vị quân đội triển khai từ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, phục vụ nhu cầu vận tải từ đất liền ra khu vực cảng Vũng Bầu của Hải quân.

Từ những kinh nghiệm của tiền nhân trong việc đào hầm xuyên núi này, đội ngũ cán bộ đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý về địa chất cũng như phương án thi công trong lòng núi đá và bổ sung thêm các giải pháp phù hợp, khoa học hơn.

Và rồi, đường hầm xuyên núi có thiết kế dài 235m, với 2 ống hầm, mỗi ống 3 làn xe được triển khai từ tháng 3/2021.

Đây là đường hầm xuyên núi lớn nhất Quảng Ninh đến thời điểm này và cũng là một trong những đường hầm xuyên núi có nền đường lớn nhất Việt Nam. Công trình do Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả chịu trách nhiệm thi công.

“Quá trình triển khai, việc đào đường hầm gặp rất nhiều trở ngại do điều kiện núi đá có nhiều điểm xung yếu. Thời khắc thông hai ống hầm, ai nấy đều vui mừng, nghẹn ngào vì đảm bảo được tiến độ, an toàn tuyệt đối”, ông Doãn xúc động.

Thi công xuyên đại dịch

Cửa hầm xuyên núi phía TP Hạ Long (Chụp tháng 6/2021). Ảnh: Đỗ Phương

Cửa hầm xuyên núi phía TP Hạ Long (Chụp tháng 6/2021). Ảnh: Đỗ Phương

Tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả có chiều dài hơn 18,6km quy mô 6 làn xe, tổng đầu tư lên tới 2.290 tỷ đồng, đang là một tuyến đường du lịch ven biển hiện đại, đẹp nhất Việt Nam vì có sự kết hợp của núi - biển - cảnh quan đặc sắc.

Không chỉ kết nối 2 thành phố trung tâm của tỉnh là Hạ Long - Cẩm Phả, tuyến đường còn kết nối 2 di sản Vịnh Hạ Long - Bái Tử Long, góp phần khai thác hợp lý các tiềm năng về đất đai, thương mại, du lịch, dịch vụ, hình thành nhiều cảng bến và khu đô thị dọc theo tuyến.

Nhưng ít người biết được, để có tuyến đường bao biển đẹp như mơ ấy, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan chuyên môn đã phải lao tâm, khổ tứ, tính toán chi li từng đồng vốn, từng chi tiết kỹ thuật như thế nào.

Bởi lẽ đây là dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách, nếu không được tính toán, triển khai đồng bộ, sau này phải chỉnh sửa, nâng cấp, không chỉ tốn kém thêm ngân sách mà còn làm gián đoạn giao thông khi phải tiếp tục thi công.

Theo ông Doãn, dự án có điểm đầu tuyến tại đường bao biển Cột 8 thuộc phường Hồng Hà, TP Hạ Long; điểm cuối tại cảng Km6, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả.

Theo quyết định ban đầu của UBND tỉnh Quảng Ninh (phê duyệt ngày 31/10/2018), quy mô dự án là 4 làn xe với nền đường rộng 18m; mặt đường 4 làn xe rộng 15m.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng nhận thấy, thiết kế như vậy sẽ không đảm bảo được nhu cầu thực tế khi lượng phương tiện gia tăng nhanh. Do đó, dự án đã 2 lần đề xuất điều chỉnh, để quy mô dự án tăng lên 6 làn xe.

Dự án đường bao biển Hạ Long- Cẩm Phả nhìn từ trên cao (Chụp tháng 9-2021). Ảnh: Đỗ Phương

Dự án đường bao biển Hạ Long- Cẩm Phả nhìn từ trên cao (Chụp tháng 9-2021). Ảnh: Đỗ Phương

Thiết kế là như vậy, nhưng quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn. Trên tuyến có không ít vị trí bị chiếm dụng là đất quốc phòng, mà muốn lấy được đất quốc phòng phải trải qua nhiều công đoạn, quy trình.

Trong khi đó, việc vận động nhân dân hiểu, thực hiện các chính sách về đền bù cũng không phải là việc một sớm, một chiều.

“Thiết kế có, mặt bằng được giải phóng xong đã khó, quá trình thi công tuyến đường lại là giai đoạn cực kỳ gian nan, nhiều thử thách”, ông Phạm Như Quyền, Phó giám đốc điều hành dự án, thuộc Công ty CP Đầu tư Thịnh Phát - đơn vị thi công chính tuyến đường, nhớ lại.

Tuyến đường đi qua nhiều khu vực địa chất, địa mạo phức tạp, gặp hang caster, khu vực đầm lầy phải xử lý kỹ thuật, đoạn qua biển ảnh hưởng bởi thủy triều...

Đáng lo nhất trong quá trình thực hiện dự án đúng vào thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khiến việc vận chuyển máy móc, thiết bị, bố trí nhân công của nhà thầu khó khăn.

Thời điểm thi công, thời tiết mưa nhiều cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến thi công nền đường. Rất nhiều đoạn tuyến nhà thầu tranh thủ thời tiết để thi công xong nền đã phải đào bỏ, phơi đất để thi công lại…

“Điều may mắn nhất đối với đơn vị thi công là quá trình triển khai dự án, toàn công trường không có trường hợp nào F0, F1”, ông Quyền kể.

Ông Đinh Văn Doãn thông tin thêm, dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với quyết tâm cao, chủ đầu tư đã quyết tâm cùng với các đơn vị thi công và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thi công 3 ca, 4 kíp. Nhờ đó, đến ngày 1/1/2022, tuyến đường đã cơ bản hoàn thành…

Tại lễ khánh thành cầu Tình Yêu, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả ngày 26/1/2022, tỉnh Quảng Ninh đã vinh dự được đón Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành trung ương về dự.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc tỉnh Quảng Ninh ngày càng hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông trên thực tế cho thấy đột phá chiến lược về hạ tầng đã và đang được tỉnh triển khai hiệu quả, góp phần hiện thực hóa chủ trương lớn của Đảng trong suốt 3 nhiệm kỳ qua về thực hiện đột phá hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông.

“Kết cấu hạ tầng của Quảng Ninh phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, với hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại đã gỡ nút thắt để phát triển kinh tế “xanh” bền vững”, Thủ tướng đánh giá.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Minh ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN