Xúc xích Trung Quốc: Nhiều ẩn họa!
Thay vì sử dụng trong vòng từ ba-sáu tháng, xúc xích Trung Quốc được bày bán ở chợ Đồng Xuân có hạn dùng tới gần chục năm! Ít ai biết, đây chính là sản phẩm được bày bán rất nhiều ở các quầy hàng xúc xích lưu động hiện nay.
Để chục năm vẫn... dùng tốt!
Trở thành món ăn quen thuộc, xúc xích nướng được bày bán tràn lan trên các vỉa hè, khu chợ và bên cạnh trường học. Tại đường Láng (Ba Đình, Hà Nội), các quầy xúc xích xếp thành dãy dài trên vỉa hè với giá từ 12 - 17 ngàn đồng/chiếc, không hề thấp hơn so với xúc xích được bày bán trong các cửa hàng, siêu thị. Tuy nhiên, ở các quầy hàng này, xúc xích bày bán đều không có nhãn mác, màu sắc của sản phẩm cũng đậm hơn nhiều so với thông thường. Sau thời gian dài lân la và ngỏ ý muốn kinh doanh mặt hàng này ở quê, chúng tôi được một chủ hàng thành thật “chỉ dẫn”: “Giá của mấy hãng xúc xích nổi tiếng cao lắm, nhập về vừa khó bán lại vừa không có lời. Tốt nhất là lên chợ Đồng Xuân mà mua”.
Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến cửa hàng thực phẩm D.A., nằm ở mé chợ Đồng Xuân, giáp với đường Cao Thắng. Nghe chúng tôi hỏi mua xúc xích, nhân viên cửa hàng tên N. tỏ vẻ gắt gỏng: “Mua về ăn hay mua về bán?”. Phải đến khi chúng tôi nói sắp mở cửa hàng, cô này mới nhiệt tình tư vấn. Theo đó, xúc xích ở đây được đóng trong hai loại túi nhỏ và túi lớn, tất cả đều xuất xứ từ Trung Quốc (ảnh trên). Loại túi nhỏ nặng 2,1kg, gồm 30 cây xúc xích, có giá 180.000đ. Tính ra, mỗi cây xúc xích chỉ 6.000đ. Tuy nhiên, nhân viên cửa hàng tư vấn chúng tôi nên lấy loại túi to nặng 2,5kg, gồm 47 cây xúc xích với giá 250.000đ. “Loại xúc xích này nhỏ hơn chút đỉnh nhưng chỉ hơn 5.000đ/chiếc, bọn em bán chạy lắm”, N. nói. Khi chúng tôi muốn trực tiếp xem hàng để dễ bề quyết định, N. ngần ngại: “Bọn em không để hàng ở đây mà cất vào kho ở Long Biên, nếu có nhu cầu mua, bọn em mới xuất hàng”. Phải nói khó với N. và hứa hẹn mua với số lượng lớn, khoảng 15 phút sau, một nam nhân viên của cửa hàng mới mang mẫu đến cho chúng tôi.
Quả đúng như lời giới thiệu ban đầu của N., bao bì gói xúc xích chỉ có duy nhất tiếng Trung Quốc, không dán nhãn nhập khẩu. Bề mặt của xúc xích bị phủ một lớp đá trắng dày và cứng. Không có ngày, tháng sản xuất, phải khó khăn lắm, chúng tôi mới tìm được hạn sử dụng được in nhòe nhoẹt phía sau bao bì là 28/1/2019 (?!). Trong khi đó, hầu hết các loại xúc xích thông thường chỉ có thời hạn sử dụng trong vòng ba tháng. Ngỡ ngàng trước mặt hàng thực phẩm “siêu thời hạn”, chúng tôi thêm một lần nữa choáng váng vì lời giải thích của nhân viên: “Hàng này để thoải mái, cả chục năm vẫn... dùng tốt”.
Nguy cơ ung thư cao
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ, TS Nguyễn Duy Thịnh, Giám đốc Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội bất ngờ trước thông tin xúc xích có thể bảo quản trong vòng gần chục năm: “Ngoại trừ sử dụng phương pháp chiếu xạ với cường độ cực mạnh, khó có thể để thực phẩm với thời gian dài như thế”. Ông Thịnh cho biết, thông thường, thực phẩm dù sử dụng chất bảo quản cũng chỉ có thời hạn phổ biến là ba-sáu tháng, tối đa là hai năm. Muốn bảo quản lâu, sản phẩm đòi hỏi phải đảm bảo thanh trùng tốt, bao bì kín được hút chân không. Các chất bảo quản sử dụng phổ biến trong xúc xích là kali sorbate và nitrit (hay còn gọi là săm-pết). Trong đó, săm-pết vừa có tính năng bảo quản, vừa làm tươi, đỏ màu xúc xích. Tuy nhiên, ông Thịnh cảnh báo, nếu sử dụng quá liều, săm-pết sẽ phản ứng với axit amin có trong thịt để tạo ra samin, chất gây ung thư.
Xúc xích để... chục năm vẫn dùng tốt
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Lâm - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, xúc xích là dạng nhũ tương của hỗn hợp thịt, mỡ, nước. Vì vậy để liên kết các thành phần thực phẩm, việc sử dụng các chất phụ gia thực phẩm là không thể thiếu. Các chất này còn giúp xúc xích xốp, chống vón và bảo quản khỏi sự thâm nhập của vi sinh vật. Phụ gia thông thường trong xúc xích bao gồm: chất tạo màu tổng hợp erythrosine, chất tạo vị và chống oxy hóa acid ascorbic (vitamin C), chất sát khuẩn natri nitrite (muối diêm) và bột ngọt. Liều lượng sử dụng chất phụ gia theo quy định từ 0,4 - 0,6% trên trọng lượng chất khô. Nếu sử dụng vượt quá ngưỡng này, nguy cơ tác động tới sức khỏe con người rất lớn.
Phụ gia thường bị lạm dụng nhất trong quá trình sản xuất là chất tạo màu. Theo bà Lâm, chất tạo màu thông thường chỉ dùng để thay thế màu sắc bị mất trong quá trình sản xuất. Đây là loại hóa chất có hại cho con người và được Bộ Y tế quy định sử dụng với nồng độ rất thấp. TS Nguyễn Duy Thịnh cũng khẳng định, để có màu đỏ như những loại xúc xích bày bán ở vỉa hè hiện nay, chắc chắn phải sử dụng tới phẩm màu. Khi bị lạm dụng, chất này không chỉ có nguy cơ gây ung thư như đã thường xuyên được cảnh báo mà còn là tác nhân của nhiều chứng bệnh khác ở trẻ nhỏ như rối loạn hệ thần kinh và tiêu hóa, gây ra trạng thái kích động, cười đùa ngoài tầm kiểm soát.