Xúc động chuyện 2 cụ ông canh "giấc ngủ" cho liệt sĩ ở Bình Định

Sự kiện: Tin nóng

Hàng ngày, họ lặng lẽ bên những phần mộ của các liệt sĩ, bên gian thờ của những người có công với nước để chăm lo hương khói, lau chùi, quét dọn. Công việc tuy chỉ có một mình, nhưng họ vẫn luôn cảm thấy ấm lòng.

 Muốn vào khu văn hóa báo hiếu của cụ Phạm Văn Ba (89 tuổi, ở thôn Trà Thung, xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ) phải đi vòng qua con đường đất đỏ ngoằn ngoèo, nhỏ xíu ở cuối thôn Trà Thung.

 Đến nơi, cánh cổng khu văn hóa mở toang, đập vào mắt chúng tôi là dòng chữ: "Cây có cội, sông có nguồn, con người phải biết tôn kính tổ tiên". Cụ Ba bảo, sáng nào cụ cũng dậy sớm đi bộ gần 1 cây số từ nhà đến khu văn hóa do chính mình lập nên này để hương khói, quét dọn sạch sẽ nơi yên nghỉ của tổ tiên và những chiến sĩ có công với đất nước được cụ tìm kiếm đưa về đây.

Theo quan sát của chúng tôi, chính giữa khuôn viên khu văn hóa báo hiếu là tháp tưởng niệm. Xung quanh đó là hơn 30 ngôi mộ, có những ngôi mộ đá rêu phong của tổ tiên họ Phạm, có những ngôi mộ xây bằng xi măng của những anh hùng liệt sĩ. 

Trong đó có 2 ngôi mộ gió của liệt sĩ, còn lại là mộ của những người có công với cách mạng. Đi qua từng ngôi mộ, cụ Ba đều giải thích cho chúng tôi nắm rõ về cuộc đời mỗi người. Dù tuổi đã cao nhưng đôi mắt tinh anh và giọng trong veo, cụ Ba như một người "thuyết minh viên" thâm niên.

"Quá trình tìm kiếm hài cốt ông bà tổ tiên cũng như những anh hùng liệt sĩ về quy tụ ở đây gian nan lắm. Có những người, tôi tìm rất nhanh nhưng có những người tìm đến mấy tháng mới đưa về được. Tôi đưa ông bà tổ tiên cùng các anh hùng liệt sĩ về đây đoàn tụ, rồi mình còn sống ngày nào thì nhang khói ngày đó, chứ mỗi người một nơi làm sao mình báo hiếu, báo ơn được", cụ Ba giải thích.

Xúc động chuyện 2 cụ ông canh "giấc ngủ" cho liệt sĩ ở Bình Định - 1

Một góc khu văn hóa báo hiếu của cụ Ba.

Cùng với những gian thờ ông bà tổ tiên, ở trung tâm khu văn hóa báo hiếu, cụ Ba lập bàn thờ Bác Hồ và bia tri ân 18 đời Vua Hùng. Ngay bên trái là bàn thờ cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Bên phải là bàn thờ cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp. "Đó là những người mà tôi vô cùng kính phục, họ làm được những điều không tưởng, có những người được cả thế giới vinh danh. Tôi mong muốn con cháu đời đời tạc ghi công ơn của những bậc anh hùng vĩ đại này", cụ Ba tâm sự.

Trong khu văn hóa này, một diện tích khiêm tốn khoảng vài chục mét vuông, cụ Ba đã bài trí những tấm bia tóm tắt tiểu sử những người đã mất và những câu đối ý, đối vần với những xúc cảm và gửi gắm những tình cảm cho con cháu. "Đi nhiều nơi, tìm hiểu nhiều điều trong cuộc sống, điều mà tôi quan tâm nhiều nhất là lịch sử, cội nguồn, những giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc. Gắn bó cả đời cho sự nghiệp giáo dục, tôi mong muốn khu văn hóa báo hiếu này sẽ là một mô hình giáo dục đạo đức cho học sinh", cụ Ba tâm sự.

Khi còn làm trong ngành giáo dục, cụ Ba đã có ý nghĩ sẽ làm việc gì đó để cho con cháu sau này. Nhưng mãi đến tháng 4-1998, cụ mới khởi công xây dựng khu văn hóa báo hiếu. Khoản lương hưu hàng tháng của cụ phần lớn đổ vào công trình này. Một mình cặm cụi, mãi đến năm 2015, cụ mới hoàn thành khu văn hóa báo hiếu này.

Xúc động chuyện 2 cụ ông canh "giấc ngủ" cho liệt sĩ ở Bình Định - 2

Bia tri ân 18 đời Hùng Vương trong khu văn hóa báo hiếu.

2. Hơn 25 năm qua, cụ Nguyễn Văn Liễu (75 tuổi, ở khu vực Tây Phương Danh, phường Đập Đá, thị xã An Nhơn) đã tự nguyện chăm sóc Di tích lịch sử Mộ tập thể liệt sĩ nằm sát đường lộ đi qua phường Đập Đá. Đây là ngôi mộ tập thể chôn 154 đồng chí, đồng đội của cụ.

Cụ Liễu bảo, năm 20 tuổi, cụ viết đơn tình nguyện tham gia vào Tiểu đoàn 50 (đơn vị chủ lực của Tỉnh đội Bình Định), chiến đấu tại địa phương. Đơn vị của cụ Liễu nhiều lần kề vai, sát cánh chiến đấu cùng Sư đoàn 3 Sao Vàng nên khi nhắc đến ngôi mộ tập thể này, cụ Liễu kể rành rọt. 

Theo đó, trên đường hành quân vào giải phóng toàn tỉnh Bình Định, khi đến An Nhơn vào ngày 22 tháng Chạp năm Mậu Thân 1968, Tiểu đoàn 6 (thuộc Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng) gặp phải quân địch. Dù lực lượng và hỏa lực của kẻ thù rất mạnh, gồm 2 trung đoàn bộ binh, 1 trung đoàn Mãnh Hổ (Đại Hàn), 3 tiểu đoàn của ngụy quân, nhưng các chiến sĩ của Tiểu đoàn 6 vẫn chiến đấu anh dũng, kiên cường, tiêu diệt nhiều xe tăng, máy bay trực thăng, gây tổn thất nặng nề cho quân địch.

"Mất mát quá nhiều khiến địch điên cuồng, tiến hành cuộc càn quét, rải bom trên quy mô lớn. Ngày 29 tháng Chạp năm Mậu Thân, địch kết thúc cuộc càn quét, 154 chiến sĩ Tiểu đoàn 6, trong đó có 151 người có quê quán ở các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa… và 3 người con quê Bình Định đã hy sinh. Kẻ thù đã dồn xác các chiến sĩ hy sinh trong trận chiến chôn chung trong một mộ ở đây", giọng cụ Liễu trầm xuống.

Sau ngày giành được độc lập, thống nhất đất nước, để ghi nhớ công ơn của 154 liệt sĩ; người thân cùng người dân địa phương thường đến ngôi mộ chôn tập thể này để thắp hương tưởng niệm. Năm 1993, Nhà nước đầu tư sửa chữa ngôi mộ tập thể. Sau khi hoàn thành, cụ Liễu đã tự nguyện xin được chăm sóc.

"Thấy nhiều trường hợp là người thân của các liệt sĩ phải 3 - 4 năm mới có dịp khăn gói, lặn lội từ ngoài Bắc vào đây thăm viếng, tôi thương lắm. Rồi chợt nghĩ, dù các đồng chí không cùng Tiểu đoàn nhưng đã kề vai sát cánh với nhau, bản thân mình là cựu chiến binh, cũng phải làm một việc gì đó có nghĩa để đền đáp ân tình, công lao đối với những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống nên tôi tự nguyện xin chăm sóc nơi này. Năm 2003, ngôi mộ tập thể được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Rồi đến năm 2015, ngôi mộ được sửa chữa, cải tạo với quy mô lớn và rất khang trang. Tôi mừng lắm!", cụ Liễu bộc bạch.

Mỗi ngày cụ Liễu đều đặn đến đây quét dọn nhà tưởng niệm, tưới, tỉa cành, chăm sóc cây cảnh, lau chùi các bia mộ, nhang khói và thắp đèn chiếu sáng trong khuôn viên. Có một điều cụ cảm thấy vui là vợ, con đều ủng hộ và cảm thấy tự hào về việc làm của cụ. Cứ mỗi lần đến ngày rằm, mùng 1, các ngày Tết, lễ trọng đại của đất nước, khi có người đến viếng, cụ còn đảm trách luôn nhiệm vụ đón tiếp và "thuyết minh viên" về di tích này; đồng thời bố trí chỗ ở trong nhà lưu trú cho khách nếu họ có nhu cầu ở lại qua đêm.

Đối với cụ Liễu, công việc này là niềm vui, động lực sống của bản thân. Nhiều đêm khó ngủ, cụ đến từng bia mộ, ngồi tâm sự với các liệt sĩ như người thân của gia đình mình. Có những hôm cụ còn thức trắng đêm để kể cho các đồng đội nghe về niềm vui, nỗi buồn của cuộc sống. 

"Tôi vốn xuất thân là một người lính và nhiều đồng đội của tôi yên nghỉ ở nơi đây. Với tôi đây là nhà của mình. Cứ hễ có việc phải đi đâu xa là tâm can tôi không yên, lúc nào cũng chỉ muốn trở về bên cạnh các anh sớm, để các anh ấy biết rằng luôn có người đồng đội già bên cạnh", cụ Liễu tâm sự.

Xúc động chuyện 2 cụ ông canh "giấc ngủ" cho liệt sĩ ở Bình Định - 3

Hơn 25 năm qua, cụ Liễu tình nguyện canh "giấc ngủ" cho đồng đội.

3. Hơn 25 năm chăm lo "giấc ngủ" cho các liệt sĩ, cụ Liễu không nhớ mình đã khóc bao nhiêu lần khi chứng kiến những cuộc trùng phùng giữa các cựu chiến binh với người nằm dưới nấm mồ, cuộc đoàn tụ giữa thân nhân với người liệt sĩ. 

Giở từng trang "Sổ vàng", cụ bùi ngùi chỉ cho chúng tôi biết rõ họ tên, đơn vị công tác của những người đã từng ghé qua đây. Và, dù tuổi đã cao, đôi chân đã mỏi, đôi mắt đã mờ dần nhưng cụ Liễu không tính đến chuyện nghỉ ngơi, bàn giao công việc chăm sóc ngôi mộ tập thể cho người khác mà khẳng định: "Tôi đã gắn bó với công việc này hơn 25 năm rồi và hơn ai hết, tôi là người hiểu rõ từng bia mộ được khắc ghi ở đây. Còn sức thì tôi cứ làm".

Còn với cụ Ba, ước nguyện của cụ bây giờ là con cháu, bao thế hệ trẻ của đất nước phải biết đến cội nguồn dân tộc, biết tôn kính những người đã hy sinh xương máu giành độc lập dân tộc để có cuộc sống ấm no, hòa bình như ngày hôm nay. 

"Khu văn hóa báo hiếu này luôn rộng cửa đón tất cả mọi người từ già trẻ, gái trai, từ người nông dân chân lấm tay bùn đến cán bộ ở khắp nơi về ghé thăm, thắp hương tỏ lòng thành kính với những người đã mất, những người có công với đất nước. Có thể nói, đến giờ này tôi đã hoàn thành tâm nguyện của đời mình. Bây giờ tôi có nhắm mắt cũng an lòng" cụ Ba tâm sự.

Khi chúng tôi ra về, cụ Ba và cụ Liễu đều tiếp tục bắt tay vào công việc thường ngày là quét dọn, canh giấc ngủ dài cho những người có công với đất nước, cho đồng chí đồng đội với một niềm vui, niềm hạnh phúc đơn sơ. Nụ cười của họ làm chúng tôi không khỏi dâng trào niềm cảm xúc và lòng tự hào, khâm phục. 

Kỳ lạ cuộc đời dị nhân canh mỏ vàng trên dãy Tản Viên

Sau gần 30 năm canh giữ mỏ vàng, giờ đây mộng đổi đời với ông Thân chỉ là quá khứ. Gã giang hồ khét tiếng giờ đã...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhuận Phan ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN