Xuất hiện vết nứt ở khu vực bạt đồi, lấn hồ xây nhà không phép
Tại khu vực bạt đồi, lấn hồ thủy điện, xây nhà nuôi yến không phép ở TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã xuất hiện vết nứt kéo dài.
Ngày 19-8, trao đổi với PLO, một lãnh đạo UBND xã Đắk Rmoan, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông xác nhận đến nay ông Trần Văn Phúc (giám đốc một doanh nghiệp khai thác đá) vẫn chưa khắc phục hậu quả việc san gạt đất đồi trái phép, xây nhà nuôi yến ở địa phương này.
Xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài tại công trình vi phạm ở xã Đắk Rmoan. Ảnh: VŨ LONG
“UBND xã đã ba lần làm việc và yêu cầu ông Phúc thực hiện đúng quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng đến nay ông này vẫn chưa chấp hành”- vị lãnh đạo xã thông tin.
Ghi nhận thực tế của PV chiều 18-8 cho thấy hầu như công trình vi phạm trên vẫn tồn tại bình thường, chưa có dấu hiệu tháo dỡ. Tại khu vực gần nhà nuôi yến, xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài.
Theo một số người dân địa phương, khu vực này vốn trồng nhiều loại cây khác nhau, có tác dụng giữ đất. Tuy nhiên, hầu hết cây xanh đã bị chặt phá, biến mất. Đất đồi bị bạt, san gạt nhưng không có biện pháp gia cố. Đây có thể là nguyên nhân xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài. Những vết nứt này có nguy cơ gây sạt lở, sụt lún nghiêm trọng.
Khu vực lấn chiếm, hủy hoại đất do ông Phúc gây ra. Ảnh chụp hồi tháng 2-2023
Như PLO đã nhiều lần phản ánh, ông Trần Văn Phúc đã tự ý bạt đồi, san gạt, lấn chiếm hồ thủy điện xây nhà nuôi yến trái phép.
Sau khi báo phản ánh, tháng 2-2023, UBND xã Đắk Rmoan ban hành hai quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trần Văn Phúc tổng cộng 8 triệu đồng về các hành vi xây dựng căn nhà kiên cố trên diện tích 100 m2 đất nông nghiệp; hủy hoại đất làm biến dạng địa hình trên diện tích 300 m2 đất nông nghiệp.
Khu vực xây dựng nhà nuôi yến trái phép: Ảnh chụp hồi tháng 2-2023
Đồng thời, UBND xã Đắk Rmoan yêu cầu ông Phúc phải khôi phục hiện trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm trong vòng 15 ngày. Nếu ông Phúc không chấp hành, không tự nguyện khắc phục thì Nhà nước sẽ thực hiện thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai và bị cưỡng chế.
Nguồn: [Link nguồn]
Mưa lớn kéo dài và hoạt động của con người là 2 tác động lớn nhất khiến tình hình sạt lở, nguy cơ tai biến địa chất tại khu vực Tây Nguyên và khu vực miền núi phía Bắc...