Xuất hiện loạt chữ ký giống nhau trong danh sách nhận hỗ trợ, phường nói gì?
Đại diện Sở LĐ-TB&XH TP HCM đã chất vấn một số phường thuộc quận Tân Bình về việc danh sách ký nhận các gói hỗ trợ xuất hiện loạt chữ ký giống nhau, thậm chí không ký mà chỉ đánh dấu cộng.
Trưa 5-11, Phó Giám Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP HCM Nguyễn Văn Lâm đã dẫn đầu đoàn công tác thực hiện kiểm tra tình hình chi các gói hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn quận Tân Bình. Buổi làm việc nằm trong đợt tổng kiểm tra công tác thực hiện các chính sách an sinh xã hội của TP HCM.
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện UBND quận Tân Bình cho biết địa phương đã chi gần 30 tỉ đồng cho 19.986 lao động tự do là đối tượng thuộc gói hỗ trợ đợt 1 (tỉ lệ thực hiện 100%). Đợt 2, quận Tân Bình đã chi hơn 74 tỉ đồng cho 34.548 người có hoàn cảnh thật sự khó khăn (tỉ lệ thực hiện 99,66%) và hơn 95 tỉ đồng cho 63.574 hộ nghèo, cận nghèo và hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (tỉ lệ100%).
Đợt 3, địa phương đã chi 305,996 tỉ đồng cho 305.996 người có hoàn cảnh thật sự khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh (tỉ lệ 95,15%).
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH dẫn đầu đoàn kiểm tra tình hình chi các gói hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn quận Tân Bình ngày 5-11.
Theo đó, ở đợt chi hỗ trợ đợt 3, quận Tân Bình còn 15.759 người (gần 5%) chưa được nhận hỗ trợ so với danh sách đã được UBND quận phê duyệt.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình Lê Thị Thu Sương cho biết quá trình thực hiện gói hỗ trợ đợt 3 có rất nhiều áp lực, cụ thể là việc xác định người thật sự khó khăn. Bên cạnh đó, số lượng đối tượng nhận hỗ trợ quá lớn, cũng là nguyên nhân địa phương chưa hoàn tất gói hỗ trợ này theo chỉ đạo chung của thành phố.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình cho biết trong gần 5% trên còn bao gồm những người không có mặt tại địa phương, người đi cách ly điều trị bệnh.
Quận kiến nghị được tiếp tục chi đến hết 2 ngày cuối tuần này, sau đó sẽ lập danh sách cụ thể từng nhóm đối tượng báo cáo về Sở LĐ-TB&XH để trình UBND TP.
Đối với lao động tự do do về quê nên chưa nhận hỗ trợ đợt 1, 2, quận kiến nghị giữ lại danh sách để tiếp tục chi khi người dân trở lại địa phương hết ngày 30-12. Sau đó sẽ quyết toán và báo cáo để xin ý kiến chỉ đạo tiếp theo của UBND TP.
Đại diện Sở LĐ-TB&XH TP HCM đánh giá cao việc làm thủ tục, hồ sơ các gói chi hỗ trợ, cũng như việc phối hợp cùng lực lượng công an để thực hiện ở cả 3 đợt hỗ trợ. Tuy nhiên, trong danh sách ký nhận hỗ trợ do các phường gửi lên cần làm rõ một số vấn đề. Cụ thể, phường 13 xuất hiện 1 loạt chữ ký giống nhau trong danh sách ký nhận. Một số danh sách của phường 1 không có chỉ ký mà chỉ đánh dấu cộng.
Trả lời trước đoàn kiểm tra, đại diện UBND phường 13 lý giải nguyên nhân có loạt chữ ký giống nhau trong danh sách ký nhận hỗ trợ do đối tượng nhận hỗ trợ nhập viện, ở khu phong tỏa, phụ nữ đi sinh… nên được người nhà ký thay.
Về việc không ký mà chỉ "làm dấu" trong danh sách ký nhận, đại diện UBND phường 1 cho biết nguyên nhân do nhiều đối tượng nhận hỗ trợ không biết chữ hoặc đang đi cách ly nên được người nhà nhận thay
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH chỉ đạo các phường liên quan cần xác minh, lập hồ sơ về những trường hợp ký thay, nhận thay để bổ sung vào hồ sơ về các gói hỗ trợ của quận.
"Đối với những danh sách ký nhận chưa rõ ràng phải làm văn bản chứ không phải lăn tay, viết thêm vào là đủ. Phải thành lập đoàn có cảnh sát khu vực, tổ dân phố, đại diện UBND phường xuống các hộ chưa ký, ký thay để xác minh, lập biên bản. Biên bản đó sẽ minh chứng cho danh sách này.
Về việc ký thay cũng phải lập hồ sơ, không cấm ký thay nhưng phải xác minh người ký đó là ai. Đề nghị trưởng phòng LĐ-TB&XH làm việc với các địa phương có hồ sơ như vậy, tổ chức thực hiện và báo cáo lại" – ông Nguyễn Văn Lâm yêu cầu.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH ghi nhận nỗ lực của UBND quận Tân Bình trong công tác phòng, chống dịch cũng như chăm lo đời sống người dân trong thời gian đợt dịch thứ 4 bùng phát. Theo đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Tân Bình đã đồng lòng chống dịch, nhanh chóng có sự chuyển hóa vùng dịch từ đỏ sang cam, sang xanh. Mặt khác, quận còn chủ động ứng nguồn ngân sách để kịp thời chi trả hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho người dân. Chủ động rà soát đối tượng trùng, sai không đúng quy định để chi hỗ trợ.
"Đề nghị mặt trận, các đoàn thể, UBND quận phải kiên quyết thu hồi những trường hợp chi sai đối tượng. Xử lý nghiêm minh các trường hợp có dấu hiệu trục lợi chính sách" – lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH nhấn mạnh.
"Phải chi đúng đối tượng" Liên quan gói hỗ trợ đợt 3, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP HCM giải thích "người có hoàn cảnh thật sự khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19" là những người gặp khó khăn trong đợt phong tỏa vì dịch bệnh. Ông Lâm lưu ý, trong hơn 15.000 người chưa nhận được hỗ trợ đợt 3, quận Tân Bình cũng phải đảm bảo là các đối tượng thật sự khó khăn. "Mình không tiếc cho người dân nhưng phải chi đúng đối tượng" - ông Lâm nhấn mạnh. |
Từ 0h ngày 6/11, tỉnh Bắc Giang quyết định tạm dừng nhiều hoạt động để thực hiện phòng chống dịch COVID-19 đang tái...
Nguồn: [Link nguồn]