Xuất hiện dải nước "lạ" màu đỏ tại cảng Sơn Dương - Vũng Áng
Sáng 17/2, thông tin từ một số cán bộ đang làm việc tại Công ty Formosa Hà Tĩnh cho biết, tại cảng Sơn Dương xuất hiện dải nước màu đỏ ở ven bờ.
Ngư dân chúng tôi gọi là “mé nước”
Theo đó, vào lúc 10h sáng 17/2, tại khu vực D cầu cảng dịch vụ cảng Sơn Dương (thuộc Công ty Công ty Formosa Hà Tĩnh) xuất hiện một dải nước màu đỏ dài khoảng 50m tấp vào chân bờ kè cảng.
Dải nước màu đỏ xuất hiện tại khu vực D cầu cảng dịch vụ thuộc cảng Sơn Dương (Formosa Hà Tĩnh) vào ngày 17/2
Một nhân viên làm việc tại Công ty Formosa cho hay: “Ngay sau khi xuất hiện, Phòng thí nghiệm của công ty đã phối hợp với Viện Khoa học công nghệ tiến hành lấy mẫu để đi phân tích.”
Cũng theo nhân viên này, dải nước màu đỏ không chỉ xuất hiện tại đây mà còn xuất hiện ngoài bờ kè chắn sóng cảng Sơn Dương.
Sáng 18/2, có mặt tại khu vực cảng Sơn Dương, PV Infonet ghi nhận không còn nhìn thấy dải nước màu đỏ nữa.
Theo một số công nhân đang làm việc tại cầu cảng Sơn Dương thì sau khi xuất hiện, dải nước màu đỏ này đã biến mất hoàn toàn, vào sáng 18/2.
Liên quan đến sự việc trên, theo một số hộ dân kinh doanh hải sản tại khu vực cảng Vũng Áng thông tin, dải nước màu đỏ này vào sáng 17/2 cũng xuất hiện tại khu vực này.
Chủ bè nổi mực nhảy Hậu Thìn (cảng Vũng Áng) thông tin, vào sáng 17/2, tại đây cũng xuất hiện dải nước màu đỏ nhạt. Sau khi xuất hiện, khi nước thủy triều lên, dải nước bị cuốn trôi và biến mất.
Cũng theo chủ bè nổi Hậu Thìn, việc xuất hiện dải nước màu đỏ như thế này là thường xuyên. Hiện tượng này ngư dân gọi là “mé nước”.
“Năm nào cũng có, việc xuất hiện “mé nước” không ảnh hưởng gì, ngược lại nó còn dự báo một mùa biển trúng đậm cho ngư dân.” - Ông Thìn nói.
Đến sáng 18/2 dải nước màu đỏ tại khu vực này đã biến mất hoàn toàn. Theo một số ngư dân có kinh nghiệm thì đây là hiện tượng “mé nước” mỗi năm diễn ra vài lần trong năm.
Trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Hồng Minh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thuộc Ban Quản lý KKT Hà Tĩnh cho biết: “Dải nước màu đỏ này cách đây một tháng đã xuất hiện tại khu vực cảng Vũng Áng rồi. Lúc đó, người dân họ cũng nói việc này là bình thường không ảnh hưởng gì tới môi trường”.
“Hiện, chúng tôi đã phối hợp với Viện Công nghệ môi trường lấy mẫu đi xét nghiệm để tìm nguyên nhân xuất hiện hiện tượng này”, ông Nguyễn Hồng Minh cho biết.
Đã có kết quả phân tích mẫu của dải nước màu đỏ xuất hiện trước đó
Trước đó, như PV Infonet đã từng thông tin, vào ngày 19/1 tại khu vực cảng Vũng Áng cũng xuất hiện một dải nước màu đỏ.
Sau khi xuất hiện một thời gian ngắn thì dải nước này tự nhiên biến mất.
Dải nước màu đỏ xuất hiện tại cảng Vũng Áng ngày 19/1
Sau một ngày xuất hiện thì màu đỏ nhạt dần rồi biến mất
Ngày 19/2, trao đổi với Infonet, một lãnh đạo Ban quản lý KKT Hà Tĩnh thông tin, đã có kết quả xét nghiệm dải nước màu đỏ xuất hiện ngày 19/1 tại vùng biển Vũng Áng do Viện Công nghệ và môi trường gửi cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh.
“Kết quả này phản ánh nước biển tại khu vực các bè nổi đang bị ô nhiễm hữu cơ.
Điều này là bình thường vì khu vực này các bè vệ sinh xả thải ra biển, hơn nữa khu vực này nước ít luân chuyển nên bị ô nhiễm hữu cơ”. Vị này khẳng định.
Kết quả phân tích 21 thông số của nước biển lấy ngày 19/01/2017 và so sánh với QCVN 10-MT:2015/BTNMT như sau: - 04/04 mẫu có thông số Amoni (NH4+) vượt quy chuẩn từ 4,52 đến 91,5 lần. Trong đó mẫu có nước màu đỏ vượt 91,5 lần, mẫu nước không có màu đỏ (cách bờ 650 m) vượt 4,52 lần. - 01/04 mẫu (mẫu lấy gần bờ có màu đỏ): thông số Mangan (Mn) vượt quy chuẩn 1,66 lần; thông số Sắt (Fe) vượt 2,8 lần. - Các thông số khác tại các vị trí lấy mẫu đều đạt quy chuẩn. Ngày 25/01/2017, Viện CNMT, Sở TN&MT, Ban quản lý KKT tỉnh đã tiếp tục lấy 04 mẫu nước biển tại khu vực cảng Vũng Áng (nước biển khi thời điểm bình thường) để phân tích đánh giá đối chứng. Kết quả quan trắc đợt ngày 28 Tết cả 04 mẫu thì thông số Amoni đều vượt từ 1,2 - 2 lần. Các thông số còn lại đều đạt chuẩn. Như vậy, nước biển tại khu vực các bè nổi đang bị ô nhiễm hữu cơ. Điều này là bình thường vì khu vực này các bè vệ sinh xả thải ra biển, khu vực này nước ít luân chuyển nên bị ô nhiễm hữu cơ. So với kết quả quan trắc đợt ngày 19/01/2017 thì nước biển đã ổn định trở lại bình thường. |