Xuân Bắc kể chuyện tê giác bị hành hình
“Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến những bộ xương của những cá thể tê giác đã chết, tất cả còn lại chỉ là da và xương. Những chiếc sừng đã bị bọn săn trộm lấy đi bằng cách bổ nhiều nhát rìu vào đầu chúng, trông rất thương tâm”, Nghệ sĩ hài Xuân Bắc kể lại trong buổi họp báo tại Hà Nội ngày hôm nay (20/9).
Nghệ sĩ hài Xuân Bắc cũng nhấn mạnh: “Chúng ta đừng để bị lừa và cũng đừng lãng phí tiền của chính mình chỉ vì những kẻ buôn lậu hám lợi. Chúng ta cần phải dừng lại trước khi mọi việc trở nên quá muộn đối với loài tê giác.”
Xuân Bắc chia sẻ về chuyến đi vừa qua của mình
Trao đổi với PV Khampha.vn nghệ sĩ Xuân Bắc cho biết, một trong những việc trước mắt anh có thể thực hiện ngay trên cương vị Đại sứ bảo vệ tê giác là dùng hình ảnh của mình để kêu gọi mọi người hạn chế sử dụng sừng tê giác. "Trong thời gian tới, tôi sẽ làm những công việc cụ thể là những chương trình kịch truyền thông để nói rõ hơn về công dụng không có thật của sừng tê giác, về cách bảo vệ tê giác, tôi nghĩ sẽ mang lại hiệu quả", Xuân Bắc chia sẻ về kế hoạch của mình.
Nghệ sĩ đa tài này cũng mong rằng thông qua những trải nghiệm cụ thể từ thông điệp anh truyền tải, mọi người sẽ rút ra được kinh nghiệm: thứ nhất là không phải ai cũng đủ tiền mua sừng tê giác với giá trị chợ đen như hiện nay (60 ngàn USD/chiếc). Thứ hai, những người có đủ tiền mua sừng tê giác cũng khó có thể mua được sừng tê giác xịn. "Qua chuyến đi vừa rồi, tôi biết được đa phần các loại sừng hiện nay được làm giả một cách tinh vi, hoặc còn được tiêm thuốc độc. Hy vọng rằng dần dần mọi người sẽ nhận ra được sự thật và không bị huyễn hoặc nữa. Sừng tê giác không thể hiện đẳng cấp, cũng không phải là thần dược”
Trong thời gian làm việc tại Nam Phi, nghệ sĩ Xuân Bắc cùng đoàn Việt Nam đã tới thăm Vườn quốc gia Kruger, nơi có 90% số lượng tê giác còn lại trên thế giới. Nam Phi hiện là nơi cung cấp nguồn sừng tê giác chính cho các thị trường tiêu thụ hiện nay, các thành viên của đoàn đã được tận mắt chứng kiến hậu quả của việc buôn bán sừng tê giác xuyên quốc gia.
Đoàn đại biểu đứng cạnh xác 1 con tê giác vừa bị săn trộm tại Nam Phi (Nguồn: ENV)
Đại biểu Quốc hội Võ Tuấn Nhân cho biết: “Tại Vườn quốc gia Kruger, chúng tôi đã nhìn thấy một cảnh tượng thật khủng khiếp, xác một cá thể tê giác đã bị bắn chết hơn một tuần để lấy sừng. Các bạn Nam Phi cho biết: Từ tháng 1 đến nay, đã có 635 cá thể tê giác Nam Phi bị săn bắn để lấy sừng – và gần 2/3 trong số đó bị giết hại ngay tại Vườn quốc gia Kruger này.”
Nhu cầu về sừng tê giác ngày càng tăng là mối đe dọa chính đối với tê giác Nam Phi. Việt Nam hiện bị coi là một trong những thị trường lớn trên thế giới về tiêu thụ sừng tê giác, nơi mà rất nhiều người vẫn còn tin vào những đồn thổi về khả năng chữa bệnh thần kì của sừng tê giác hay coi đó là cách thể hiện đẳng cấp xã hội.
Bằng màu cờ sắc áo, Xuân Bắc mong muốn Việt Nam ra khỏi những nước tiêu thụ sừng tê nhiều nhất thế giới (Nguồn ENV)
“Tôi hy vọng chuyến đi thực tế lần này đã giúp đoàn đại biểu Việt Nam có được cái nhìn tổng quan về những ảnh hưởng nghiêm trọng mà Nam Phi đang phải đối mặt. Việc giết hại tê giác chỉ chấm dứt khi nhu cầu về sừng tê giác tại những thị trường tiêu thụ lớn như Việt Nam chấm dứt. Chúng tôi tin tưởng câu chuyện của các thành viên trong đoàn đại biểu Việt Nam sẽ thực sự tạo nên khác biệt”, ông Andrew Paterson, Giám đốc Quỹ Bảo tồn Tê giác cho biết.
Những chú tê giác hiếm hoi còn sót lại trong rừng quốc gia Kruger – Nam Phi (Nguồn ENV)
Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục môi trường (ENV) cũng đồng quan điểm rằng chuyến đi này là cơ hội quý báu giúp nâng cao nhận thức cho người dân Việt Nam. Bà Dung cho biết thêm: “Đoàn đại biểu trở về Việt Nam đúng dịp kỷ niệm Ngày Tê giác thế giới, ngày 22/9. Thật tuyệt vời khi các thành viên trong đoàn đi lần này đều là những những người có ảnh hưởng trong xã hội và khi trở về, họ sẽ truyền tải thông điệp rằng sừng tê giác không giúp thể hiện đẳng cấp xã hội cũng như không phải là thần dược.”
Ngày 8 tháng 9 năm 2013, đoàn đại biểu Việt Nam gồm đại biểu quốc hội, nhà báo, nghệ sỹ và cán bộ cảnh sát môi trường sẽ lên đường sang Nam Phi trong chuyến thăm và làm việc tại quốc gia này về vấn đề buôn bán sừng tê giác xuyên quốc gia. Chuyến đi do Quỹ bảo tồn Tê giác (Rhinose Foundation) và Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đồng tổ chức. Trong bối cảnh Việt Nam hiện bị coi là thị trường lớn thứ hai trên thế giới chỉ đứng sau Trung Quốc về tiêu thụ sừng tê giác, nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác ở Việt Nam đã và đang là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nạn săn bắt và giết hại tê giác ở Nam Phi. Đoàn đại biểu Việt Nam sang thăm và làm việc tại Nam Phi lần này gồm: Đại biểu Quốc hội Võ Tuấn Nhân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội; thượng tá Nguyễn Việt Tiến - Phó phòng Cảnh sát Môi trường Tp. Hà Nội; Nghệ sĩ Xuân Bắc cùng nhà báo và đại diện Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV). |