Xử tử đại tướng, Kim Jong-un muốn “thể hiện quyền lực”?
Gần đây, ông Hyon đã bày tỏ những lời phàn nàn đối với ông Kim Jong-un và nhiều lần không chấp hành mệnh lệnh của nhà lãnh đạo tối cao.
Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên bị xử bắn vì “ngủ gật”?
Ngày 13.5, Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) thông báo trước Quốc hội nước này rằng Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên đã bị xử tử bằng súng máy phòng không với các tội danh “bất trung”.
Theo báo cáo của NIS, đại tướng Hyon Yong-chol đã bị xử bắn vào ngày 30.4 vừa qua sau khi “bất tuân thượng lệnh” của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và bị bắt gặp ngủ gật trong một cuộc họp có sự tham dự của nhà lãnh đạo trẻ tuổi này.
Tình báo Hàn Quốc cho hay ông Hyon bị xử tử bằng súng máy phòng không tại trường bắn thuộc Khu Huấn luyện Quân sự Kanggon, cách thủ đô Bình Nhưỡng khoảng 22 km, dưới sự chứng kiến của hàng trăm người. Đây được coi là một biện pháp răn đe của ông Kim Jong-un để cho mọi người thấy tội bất trung sẽ bị trừng trị khủng khiếp đến mức nào.
Theo Ủy ban Nhân quyền Triều Tiên có trụ sở ở Mỹ, trường bắn này là nơi Triều Tiên thực hiện các vụ xử tử bằng súng phòng không 4 nòng ZPU-4 có tầm bắn tới 8.000 mét. Các nạn nhân đứng cách những khẩu súng này chỉ khoảng 30 mét, và sức công phá mà nó gây ra cho cơ thể nạn nhân là vô cùng khủng khiếp.
Báo cáo của NIS chỉ ra rằng mặc dù là một nhân vật thân cận của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, song trong thời gian gần đây, ông Hyon đã bày tỏ những lời phàn nàn đối với ông Kim và nhiều lần không chấp hành mệnh lệnh của nhà lãnh đạo tối cao.
Trong một bài phân tích đăng trên BBC, chuyên gia Triều Tiên Michael Madden cho rằng vụ xử tử này nhiều khả năng là một cuộc “phô diễn quyền lực và sức mạnh” của nhà lãnh đạo Kim Jong-un trước các tướng lĩnh quân đội, đặc biệt là những người có ý đồ chống đối.
Ông Madden cho rằng việc thanh trừng Bộ trưởng Quốc phòng cũng là một dấu hiệu cho thấy ông Kim Jong-un vẫn là người đưa ra những quyết định quan trọng nhất ở Triều Tiên, nhưng đồng thời nó cũng thể hiện rằng ông Kim đang cảm thấy “bất an”.
Mặc dù chưa rõ quyết định xử tử ông Hyon là một “trò chơi quyền lực” hay đơn giản là một hành động loại trừ ẩn họa, song ông Madden chỉ ra rằng một nhà lãnh đạo tự tin vào quyền lực của mình sẽ không đưa ra một quyết định thanh trừng như vậy, bởi nó sẽ gây ra nguy cơ bất ổn ngay trong nội bộ quân đội và giới lãnh đạo Triều Tiên.
Lần cuối cùng ông Hyon xuất hiện trước công chúng là khi ông phát biểu trong một hội nghị an ninh được tổ chức ở Moscow, Nga hồi tháng Tư vừa qua. NIS cho hay ông này đã bị bắt giữ sau khi ngủ gật trong một cuộc họp do ông Kim Jong-un chủ trì, và bị xử tử 3 ngày sau đó mà không trải qua bất cứ quy trình pháp lý nào.
Hồi cuối tháng trước, tình báo Hàn Quốc cũng thông báo rằng chỉ trong 5 tháng đầu năm, ông Kim Jong-un đã ra lệnh xử tử tổng cộng 15 quan chức cấp cao vì dám thách thức quyền lực của ông. Tổng cộng khoảng 70 quan chức đã bị xử tử hình kể từ khi ông Kim lên nắm quyền.
Ông Madden nhận định: “Nội tình chính trị Triều Tiên trong những ngày này rất căng thẳng. Nhiều quan chức cấp cao và cấp trung có vẻ như không còn thể hiện sự kính trọng đối với ông Kim Jong-un”.
Chuyên gia này nói tiếp: “Hiện chưa có mối đe dọa rõ ràng nào với quyền lực của ông Kim hay sự ổn định của Triều Tiên, nhưng nếu tình hình này tiếp diễn vào năm sau, chúng ta cần phải nghiêm túc xem xét kế hoạch khẩn cấp cho bán đảo Triều Tiên”.
Kể từ khi lên nắm quyền đến nay, ông Kim đã 4 lần thay đổi vị trí bộ trưởng quốc phòng, trong khi cha ông là cố Chủ tịch Kim Jong-il chỉ thay thế 3 bộ trưởng quốc phòng trong gần 20 năm cầm quyền.
Tình báo Hàn Quốc cũng báo cáo trước Quốc hội rằng một quan chức khác của Triều Tiên là ông Ma Won-chun, kiến trúc sư trưởng về cơ sở hạ tầng, cũng đã bị thanh trừng trong thời gian gần đây.
Ông Ma từng là phó giám đốc Cục Tài chính và Kế toán bí mật của Đảng Lao động Triều Tiên, và cho tới thời gian gần đây vẫn là người nắm giữ tài chính của Triều Tiên. Ông này thường có mặt trong các bức ảnh với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, nhưng đã không còn xuất hiện trước công chúng kể từ tháng 11 năm ngoái đến nay.