Xứ sở sương mù đẹp nhất Việt Nam bị “băm nát”, du khách chán nản
Không còn vẻ đẹp hoang sơ, hồn nhiên của một nơi từng được mệnh danh là “thiên đường du lịch”; Sa Pa giờ đây ngổn ngang vật liệu xây dựng với những quả đồi bị băm nát để phục vụ xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng khiến du khách ghé thăm đều lắc đầu chán ngán.
Sa Pa, một thị trấn nhỏ thuộc vùng cao Tây Bắc, mang vẻ đẹp lãng mạn với mây phủ sương mờ quanh năm, khí hậu trong lành và mát mẻ. Kể từ khi tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai được hoàn thành năm 2014, việc đến Sapa của du khách cũng trở nên dễ dàng hơn. Cũng từ đó, hàng loạt dự án bất động sản, khu nghỉ dưỡng được các nhà đầu tư khắp nơi đổ về khiến diện mạo của Sa Pa thay đổi một cách nhanh chóng.
Những ngày này, khi du khách đặt chân đến Sa Pa, họ lại bị choáng váng, không phải bởi vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc hay sự hồn hậu của người dân tộc bản địa mà thay vào đó Sa Pa lại ngổn ngang với sắt, đá, vật liệu xây dựng và những chiếc cần cầu cao vút tới mây xanh, lẫn trong không gian là tiếng máy cắt, khoan, đục vang lên không ngừng nghỉ suốt ngày đêm.
Thị trấn Sa Pa nhìn từ đường xuống bản Cát Cát giờ đây dày đặc các công trình xây dựng phủ kín khắp các sườn đồi.
Những ngọn núi xanh ngát trải dài hết tầm mắt nay nhường chỗ cho những đại công trường xây dựng hoạt động suốt ngày đêm.
Sa Pa ngổn ngang những công trình xây dựng khắp từ chân núi lên tới đỉnh cao chót vót.
Không chỉ có công trình khách sạn, khu nghỉ dưỡng của những tập đoàn lớn mà nhiều nhà đầu tư nhỏ cũng bắt đầu đổ để đào núi, xây nhà khắp các tuyến đường ven thị trấn.
Những ngôi nhà truyền thống của đồng bào dân tộc bản địa, những thửa ruộng bậc thang dần bị lấn lướt bởi các công trình cao tầng bê tông cốt thép mọc lên san sát ngay giữa trung tâm thị trấn.
Sa Pa trong ký ức của nhiều người mang vẻ đẹp hoang sơ, thanh bình bao nhiêu thì nay ngay cả khi nhắm mắt lại người ta vẫn nghe thấy tiếng máy đục, máy khoan vang lên khắp ngày đêm, trong không khí mùi của khói bụi, mùi xăng dầu xộc vào mũi khét lẹt.
Sa Pa với kiến trúc là sự kết hợp của những mái nhà người Mông, người Dao bên sườn núi, kiến trúc thời Pháp thuộc với những khu biệt thự nho nhỏ cùng bờ kè đá giờ gần như đã biến mất, thay vào đó là những lối kiến trúc lai căng, mỗi nơi một kiểu, sặc sỡ loè loẹt, hoặc nham nhở không thể định nghĩa.
Theo báo cáo của tỉnh Lào Cai, số xe ô tô đi qua Sa Pa mỗi ngày khoảng 5.000 - 8.000 chiếc. Các phương tiện kể cả xe tải đều phải đi qua trung tâm thị trấn thường xuyên gây ách tắc. Chưa nói đến các xe trọng tải lớn ngày đêm cày xới khiến mặt đường tại đây xuống cấp nghiêm trọng.
Tháng 6/2017, dự án sửa chữa mặt đường nội thị thị trấn Sapa được khởi công với tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào tháng 7/2018 với các hạng mục tuyến đường đang bị lún, rạn nứt, hư hại tại trung tâm thị trấn như đường Xuân Viên, Thạch Sơn, Ngũ Chỉ Sơn…
Tuy nhiên, từ nay đến khi dự án hoàn thành thì người dân Sa Pa và du khách vẫn phải hàng ngày sống chung với những “con đường đau khổ” ngập trong bùn đất và khói bụi.
Những con đường lầy lội, cắt xẻ lung tung, máy xúc chạy rầm rập suốt ngày đêm trên đường phố Sa Pa khiến du khách chán ngán.
Người dân tộc bản địa tại Sa Pa từ trẻ tới già lâu nay đã bị cuốn theo nhịp sống hối hả của một thị trấn đang bị đô thị hoá một cách nhanh chóng. Công việc của họ ngày ngày gùi theo những món đồ lưu niệm lên chợ để bán cho khách du lịch chứ không còn đi nương, đi rẫy như trước đây nữa.
Hoặc vào rừng sâu, kiếm những giống lan rừng quý hiếm, rồi lại gùi ngược về thị trấn để bán cho du khách.
Dù là ngày thường nhưng khá nhiều trẻ em dân tộc bản địa ở Sa Pa không đến trường mà mối quan tâm của chúng là lên chợ, đeo bám khách du lịch và cố gắng bán được thật nhiều hàng càng tốt.
Một du khách phát tờ tiền mệnh giá 100.000 đồng cho đám trẻ nhỏ người dân tộc ở Sa Pa sau khi chụp ảnh chúng. Sự dễ dãi của du khách dần dần tạo nên thói quen vòi vĩnh, đeo bám cho những đứa trẻ nơi đây.
Những đứa trẻ dân tộc bản địa đã từ lâu không còn đến trường nữa, chúng theo cha mẹ lang thang từ sáng tới tối mịt nơi trung tâm thị trấn. Chúng nói sành sỏi tiếng dân tộc và tiếng Anh bồi nhưng rất khó khăn để giao tiếp bằng tiếng Quốc ngữ.
Hai nữ du khách nước ngoài đến với Sa Pa tỏ ra khá thất vọng bởi những gì họ được chứng kiến tại nơi đây khác quá xa so với hình ảnh mô tả trên mạng internet về một Sa Pa hoang sơ, mù sương, lãng mạn. Hai nữ du khách cũng cho biết, họ hầu như không có kế hoạch quay trở lại Sa Pa thêm một lần nữa.
Chỉ 1 năm trước đây, thị trấn Sa Pa vẫn còn nguyên vẻ đẹp thanh bình, hoang sơ.
Một góc Sa Pa nhìn từ trên cao với những bản làng của người dân tộc bản địa với nằm xen kẽ giữa những thửa ruộng bậc thang.
Những con đường trong thị trấn Sa Pa khi chưa bị xe trọng tải lớn cày xới.
Những con số khủng khiếp về lượt du khách ghé thăm Sa Pa như 2 triệu khách vào năm 2020; 5,2 triệu khách vào năm 2030 khiến nhiều người lo lắng bởi một thị trấn nhỏ phải gồng mình gánh số lượng người bằng 2/3 dân số Hà Nội sẽ để lại hệ quả khủng khiếp về cảnh quan, cũng như môi trường.
Theo số liệu báo cáo của tỉnh Lào Cai, năm 2014, Sa Pa đón 826.120 lượt khách và tăng lên 1,2 triệu lượt khách vào năm 2015 và đạt đến 1,5 triệu lượt khách vào năm 2016. Sa Pa cũng phấn đấu vào năm 2020 đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu du lịch quốc gia, đón 2 triệu lượt khách. Năm 2030 trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc gia đón khoảng 5,2 triệu lượt khách. |
Những người sống lâu năm ở Sa Pa giờ đây cảm thấy vô cùng thất vọng bởi thị trấn như đang bị băm nát.