Xử phạt vượt đèn vàng, người dân lúng túng

Theo Nghị định 46/2016 của Chính phủ, từ ngày 1/8 sẽ xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông vượt đèn vàng. Việc này khiến nhiều người dân không khỏi lúng túng.

Xử phạt vượt đèn vàng, người dân lúng túng - 1

Đèn vàng hiển thị trong tích tắc, người điều khiển phương tiện có thể dừng đột ngột, tiềm ẩn tai nạn. Ảnh: Minh Đức

Lúng túng

Từ 1/8, Nghị định 46/2016 của Chính phủ sẽ thay thế các Nghị định 171 và 107 của Chính phủ. Cụ thể, người điều khiển phương tiện giao thông vượt đèn vàng sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đối với xe mô tô, xe gắn máy… và 2.000.000 đồng đối với ô tô.

Liên quan đến việc xử phạt đèn vàng, anh Nguyễn Văn Tùng, tài xế xe tải ở chợ Sắt, TP Hải Phòng thắc mắc: Khi điều khiển phương tiện giao thông trên nhiều tuyến đường như cao tốc, quốc lộ 10…, thường gặp cụm đèn vàng nhấp nháy, nếu xử phạt ở trường hợp này, tài xế sẽ phải dừng phương tiện?

Anh Trần Văn Nguyên ở Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) thắc mắc, hiện tại nhiều mố cầu có gắn đèn vàng, ngoài ra tại nhiều ngã ba, ngã tư trên địa bàn TP Hà Nội, khi về khuya tín hiệu đèn giao thông chuyển sang màu vàng ở chế độ nhấp nháy. Anh Nguyên đặt câu hỏi: Trường hợp này tài xế có được điều khiển phương tiện cho đi tiếp hay dừng lại?

Ở khía cạnh khác, anh Phạm Hoàng Dương ở Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội) cho rằng, theo quy định mới, mức xử phạt giữa phương tiện vượt đèn vàng và đèn đỏ như nhau là không công bằng. Theo anh Dương, trường hợp vượt đèn vàng thường là xe lỡ trớn, không cố ý, đặc biệt là các ngã tư không bố trí hệ thống đèn tín hiệu giao thông đếm ngược. “Vì thế, phương tiện vượt đèn vàng chỉ nên xử phạt ở mức 50% so với phương tiện vượt đèn đỏ” - anh Dương nói.

Dễ bị phạt do lỡ trớn

“Trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông dừng đột ngột trước đèn vàng để tránh bị xử phạt sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người lưu thông phía sau. Chính vì thế, cơ quan chức năng cần điều chỉnh lại mức phạt đối trường hợp phương tiện vượt đèn vàng”.     

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn

Trao đổi với Tiền Phong, luật sư Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng Văn phòng Luật sư Trường Lộc cho biết: Theo quy định của Luật Giao thông Đường bộ năm 2008; Nghị định 171/2013 và 107/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: Tại Điểm L Khoản 3 Điều 5: Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.

Tại Điểm O Khoản 3 Điều 6: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe gắn máy không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, trừ hành vi vượt đèn đỏ. Nếu người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vượt đèn vàng (khi đèn vàng sáng chưa đi qua vạch kẻ sơn) thì bị phạt 500.000 đồng đối với xe ô tô và 150.000 đồng đối với xe mô tô, xe gắn máy.

Tuy nhiên, theo quy định mới tại Nghị định 46/2016 của Chính phủ người điều khiển phương tiện giao thông vượt đèn vàng sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đối với xe mô tô, xe gắn máy… và 2.000.000 đồng đối với ô tô, tương tự với mức xử phạt vượt đèn đỏ.

Về việc này, luật sư Tuấn cho rằng, theo Nghị định 46/2016, quy định mức phạt “cào bằng” giữa đèn vàng và đèn đỏ là chưa phù hợp với Luật Giao thông Đường bộ. Thêm vào đó, quy định hiện nay trong nội thị đối với xe máy, ô tô con… được lưu thông với tốc độ tối đa là 60km/h. Với tốc độ này, nếu không bố trí đèn tín hiệu giao thông đếm ngược dễ dẫn tới tình trạng vượt đèn vàng, như một kiểu “mắc bẫy”.

CSGT nói gì?

Trao đổi với PV Tiền Phong, trung tá Huỳnh Tuấn Nam – Đội trưởng Đội Chỉ huy giao thông và Điều khiển tín hiệu đèn giao thông cho biết: Đối với hệ thống tín hiệu đèn giao thông có 3 màu, màu xanh được đi, màu đỏ phải dừng lại và màu vàng là cảnh báo các phương tiện phải giảm tốc độ, quan sát. 

Trung tá Nam dẫn chứng, tại Điểm 3 Điều 10 Luật Giao thông Đường bộ năm 2008 ban hành ghi rõ: Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp. 

Có thể hiểu, khi đèn tín hiệu chuyển từ xanh sang vàng, nếu người tham gia giao thông đã điều khiển phương tiện đi qua vạch sơn thì có quyền đi tiếp, còn nếu chưa đi qua vạch sơn thì buộc phải dừng lại. Trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.

“Chính vì thế, nhiều tuyến phố trên địa bàn thủ đô Hà Nội, khi về khuya lưu lượng người tham gia giao thông vắng vẻ, hệ thống đèn tín hiệu giao thông sẽ chuyển sang màu vàng ở chế độ nhấp nháy. Đối với các khu vực có nhiều phương tiện lưu thông như đường vành đai, thì vẫn để chế độ đèn 3 màu. 

Tại một số tuyến đường như cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, hoặc tại các mố cầu có lắp hệ thống tín hiệu đèn giao thông màu vàng nhằm cảnh báo cho người tham gia giao thông về khả năng có người phương tiện cắt ngang hoặc cảnh báo có chướng ngại vật chia làn đường” - trung tá Nam nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Đức (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN