Xử phạt “ô tô không đeo bình chữa cháy”: Đâu là cơ sở?
Thông tư 57/2015/TT-BCA (Thông tư 57) của Bộ Công an hướng dẫn về trang bị phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ hiện nay đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều về tính pháp lý và tính thực tiễn.
Trả lời câu hỏi của PV về tính pháp lý của Thông tư 57, tại buổi họp báo của Bộ Tư pháp ngày 31/12, ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng chưa có căn cứ cho rằng Thông tư này trái với quy định của pháp luật.
Ông Đồng Ngọc Ba lý giải, Thông tư 57 do Bộ trưởng Bộ Công an ký duyệt có nội dung hướng dẫn về trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Qua kiểm tra bước đầu dưới góc độ pháp lý, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nhận thấy Thông tư 57 được căn cứ vào 2 luật liên quan trực tiếp là Luật Phòng cháy và chữa cháy, Luật Giao thông đường bộ 2008 và Nghị định 79/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy.
“Qua xem xét toàn diện nội dung, chưa có căn cứ cho rằng thông tư này trái với quy định của pháp luật, kể cả yêu cầu trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy trên phương tiện đường bộ. Bộ Công an có thẩm quyền quy định liên quan đến tiêu chuẩn, điều kiện, định mức về phòng cháy chữa cháy trên phương tiện xe cơ giới đường bộ”- ông Đồng Văn Ba khẳng định.
Thông tư 57/2015/TT-BCA của Bộ Công an hướng dẫn về trang bị phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Tuy nhiên, về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Tp Hà Nội) lại có ý kiến hoàn toàn trái ngược với ý kiến của ông Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, Thông tư 57 ban hành căn cứ Luật phòng cháy và chữa cháy năm 2001, sửa đổi bổ sung năm 2013; Luật giao thông đường bộ năm 2008; Nghị định số 104/2009/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2009 quy định danh mục hàng nguy hiểm và vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy; Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an. Tuy về mặt pháp luật, Bộ Công an có trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi cả nước nhưng đây là việc quản lý trên diện rộng như đối với các dự án, công trình,… còn với phương tiện cơ giới đã có Luật giao thông đường bộ điều chỉnh.
Theo luật sư Cường, tại Khoản 5 Điều 53 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định: “Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới được phép tham gia giao thông, trừ xe cơ giới của quân đội, công an sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh.” Do đó, theo Điều luật này, Bộ trưởng GTVT sẽ là người ký ban hành các tiêu chuẩn chứ không phải lãnh đạo Bộ Công an. Những vấn đề yêu cầu an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới tham gia giao thông tại nước ta hiện nay (trong đó có quy định về thiết bị phòng cháy chữa cháy) đã được quy định cụ thể tại nhiều văn bản khác nhau. Điển hình các văn bản như: Quy chế kỹ thuật quốc gia, Thông tư số 10/2009/TT-BGTVT.
Mặt khác, Luật sư Đặng Văn Cường cũng chỉ ra, về mặt thực tiễn, Thông tư 57 quy định về trang bị bình chữa cháy trên ô tô song không hướng dẫn việc lắp đặt ở vị trí nào trên ô tô thì an toàn và đúng chuẩn. Việc lắp đặt thêm phương tiện phòng cháy và chữa cháy lên các xe không có sẵn vị trí lắp đặt có thể ảnh hưởng tới thao tác, tầm nhìn của người lái xe, an toàn của người đi trên xe hoặc không đảm bảo khả năng phòng cháy, chữa cháy.
“Về mặt kỹ thuật, trong thiết kế xe du lịch thông thường sẽ không có chỗ để đựng bình cứu hoả nên nếu để bình cứu hoả ở gầm ghế thì có thể dẫn tới khả năng lăn chèn vào chân ga, chân phanh gây nguy hiểm. Còn khi có sự cố, bình cứu hoả là một vật nặng và nếu không lắp chặt, chèn chặt thì sẽ dẫn tới nguy cơ văng, lắc đập vào người ngồi trong xe gây thương tích. Thông thường ở xe con (xe du lịch) nếu phát cháy thì thường bắt đầu từ buồng động cơ và trong trường hợp buồng động cơ phát hoả, các chuyên gia đều khuyến cáo người dùng cần tránh xe càng xa càng tốt để tránh nguy cơ nổ”- luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.
Ngoài ra, thực tiễn thông tin mới đây khiến dư luận lo ngại là bình chữa cháy được các phương tiện giao thông trang bị có đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng hay không. Nếu một chiếc ô tô thông thường đỗ dưới trời nắng, nhiệt độ trong xe có thể lên đến trên 55 độ C. Nếu xe đỗ lâu dưới ánh nắng mặt trời mạnh, không được che chắn, nhiệt độ trong xe có thể lên đến 80 độ C, vượt quá ngưỡng an toàn trong điều kiện bảo quản bình chữa cháy, dễ dẫn đến bình chữa cháy trở thành nguồn nổ gây nguy hiểm.
“Trong các trường hợp nếu xảy ra thiệt hại do bình chữa cháy không được bảo quản trong đúng điều kiện thì cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm về hậu quả và thiệt hại do bình chữa cháy gây nên?”- luật sư Cường đặt câu hỏi.
Không lẽ đậu ngoài bãi cũng phải bật điều hòa giữ mát… cho bình cứu hỏa Cá nhân tôi hoàn toàn không đồng ý với một số quy định của thông tư 57/2015/TT-BCA, cụ thể là xử phạt đối với xe ô tô không trang bị bình chữa cháy. Bởi, theo tôi, quy định này là không có căn cứ, không đúng thực tiễn và không có khoa học. Nếu ô tô quá dễ cháy thì không lý nào các nhà sản xuất hàng biết bao năm kinh nghiệm đến cái đèn cảnh báo ở cánh cửa - lại không trang bị sẵn một bình chữa cháy trên xe cả. Trên xe ô tô các nhà sản xuất không thiết kế chỗ để bình chữa cháy nên việc trang bị bình chữa cháy cho xe là không phù hợp với thực tiễn và khoa học. Chúng ta không thể nhét cái bình chữa cháy vào xe khi không có chỗ để nó. Khi ban hành thông tư chưa có một thống kê, nghiên cứu cụ thể và khoa học về việc cần trang bị bình chữa cháy cho xe ô tô bảo đảm an toàn, tính mạng cho nhân dân, việc không trang bị bình chữa cháy cho xe là nguy hiểm cho người và xe. Như vậy, khi chưa có thống kê cụ thể thì làm sao ban hành một quy định không thực tế, trái với mong muốn của đại đa số người dân. Như thế, quy định sẽ không đi vào cuộc sống, không tâm phục, khẩu phục cho người dân. Theo tôi, việc trang bị bình chữa cháy là điều chỉ nên làm đối với những xe chuyên chở hàng hóa dễ cháy. Còn với một không gian bên trong nhỏ hẹp như xe 4 chỗ thì khi xảy ra sự cố, lái xe thao tác khá bất tiện và khi trên xe có sự thay đổi nhiệt độ nếu để bình chữa cháy trên xe, khi đi vào địa hình không bằng phẳng, xe rung lắc liên tục, rất có thể bình có khả năng phát nổ và gây nguy hiểm. Mặt khác, ở Việt Nam khí hậu nắng nóng bình chữa cháy để trong xe ở ngoài trời nắng, nhiệt độ quá nóng sẽ rất nguy hiểm? Không lẽ xe để không vẫn phải bật máy lạnh thường xuyên để giữ nhiệt độ cho… bình chữa cháy? Bên cạnh đó, Thông tư 57 chỉ quy định dung tích tối đa mà không quy định dung tích tối thiểu của bình như hiện nay sẽ dẫn đến áp dụng tùy tiện pháp luật. Chủ xe có thể đặt bình chữa cháy rất nhỏ là coi như không vi phạm quy định. Như vậy, tạo không khí chống đối trong những người thực hiện. Họ thực hiện không phải vì bảo vệ bản thân họ, không phải vì đồng thuận với chính sách có lợi cho dân mà chỉ thực hiện vì sợ... bị phạt. Hiệu quả chính sách, uy tín của cơ quan quy định và thực thi sẽ giảm đi rất nhiều. Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình (Đoàn luật sư Tp HCM) |