Xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch: Không chặn nước thải, công nghệ bó tay!

Sau những ngày đầu xử lý ô nhiễm bằng sục khí công nghệ Nano-Bioreactor, cả đơn vị thực hiện và đại diện Viện Công nghệ môi trường đều cho biết, nước sông Tô Lịch có giảm đen và mùi hôi. Tuy nhiên trao đổi với PV Tiền Phong về việc này, TS Nguyễn Văn Khải - chuyên gia về xử lý ô nhiễm nước cho rằng, khi mà nước thải từ khắp nơi vẫn còn xả thẳng ra sông Tô Lịch như hiện nay thì không một công nghệ nào có thể làm sạch được.

Xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch: Không chặn nước thải, công nghệ bó tay! - 1

TS. Nguyễn Văn Khải

Chế phẩm rải xuống lòng sông là chất gì?

Thưa ông, thông qua một công ty ở Hà Nội, các chuyên gia Nhật đang xử lý ô nhiễm một đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ rải chế phẩm thông qua sục khí Nano, ông có đánh giá thế nào về công nghệ xử lý này?

Trước hết tôi hoan nghênh việc UBND thành phố Hà Nội đã có chủ trương tìm các giải pháp mới trong việc xử lý sông hồ, trong đó có cho một doanh nghiệp ở Hà Nội mời các chuyên gia Nhật sang xử lý thí điểm ô nhiễm trên sông Tô Lịch. Ngoài vấn đề môi trường, do chảy qua trung tâm thành phố nên nếu xử lý được vấn đề ô nhiễm nước có hiệu quả, sông Tô Lịch còn là điểm nhấn về cảnh quan, du lịch, thậm chí là giao thông tại Thủ đô.

Tuy nhiên, với chiều dài hơn 14 km và nếu nước thải sinh hoạt của người dân luôn chảy thẳng ra sông thì việc xử lý trên chỉ mang tính chất thử nghiệm, nghiên cứu. Về bản chất công nghệ xử lý bằng sục khí hoặc xử lý ô nhiễm cục bộ hoàn toàn không thể áp dụng để xử lý ô nhiễm trên sông Tô Lịch.

Hơn nữa ở góc độ chuyên môn, tôi cũng phải nhấn mạnh rằng, không có dòng khí nào gọi là khí Nano. Bởi vì, các nguyên tử khí thường nhỏ hơn 1 nano, bán kính của nguyên tử hydro là 0,053 nm (nano mét). Do vậy, khi đơn vị trên tiến hành thử nghiệm xử lý ô nhiễm trên sông Tô Lịch bằng sục khí, điều đầu tiên tôi thấy rằng, người ta đưa ra khái niệm khí sai về mặt thuật ngữ. Thứ hai, bột thả rải xuống sông để sục vào nước là bột gì? Nó có thành phần hóa học như thế nào? Có tác dụng, lý hóa học ra sao? Nó để lại bao nhiêu dư lượng độc hại với môi trường hay không?... đều không được thông tin và khuyến cáo.

Thứ ba, nếu có tác động với các chất khác trong môi trường, thì hợp chất hỗn hợp để lại có độc hại hay không? Thứ tư, tuy là thí điểm nhưng với việc xử lý 300 mét sông đầu tiên sẽ tốn bao nhiêu tiền để mua máy tạo khí, khối lượng khí do máy tạo ra là bao nhiêu, thời gian hoạt động là bao nhiêu, trong quá trình đó xử lý được bao nhiêu khối nước với độ sạch vào độ sạch ra chênh nhau là bao nhiêu? Và điều quan trọng nữa là tiền mua bột là bao nhiêu, mỗi tấn bột làm sạch được bao nhiêu tấn nước sông, kinh phí nhân công vận hành thế nào?... Tóm lại trong hai tháng xử lý trên là hết bao nhiêu tiền?

Xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch: Không chặn nước thải, công nghệ bó tay! - 2

Các máy sục khí được đặt dưới lòng sông Tô Lịch để xử lý ô nhiễm nước

Theo ông có khả thi?

Với công nghệ và cách triển khai xử lý ô nhiễm trên sông Tô Lịch những ngày qua, ở góc độ quản lý vẫn còn quá sớm để có thể đánh giá đầy đủ, nhưng ở góc độ chuyên môn, tôi đánh giá là không khả thi!

Xử lý được nước thảimới xử lý được ô nhiễm

Theo ông, để có giải pháp xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch hiệu quả, bền vững thì cần phải làm những gì?

Tôi là người lớn lên tại Hà Nội nên tuổi trẻ có nhiều kỷ niệm với sông Tô Lịch. Ngoài là niềm tự hào của người dân Thủ đô, trước đây sông Tô Lịch, cụ thể là giai đoạn từ năm 1955 - 1980, việc bơi, tắm, đánh bắt cá hai bên bờ về ăn là chuyện hàng ngày của người dân. Thời điểm đó, nước sông Hồng còn chảy vào sông Tô Lịch, hai bên bờ hầu như không có nhà máy, cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, sau những năm 1980, do đô thị hóa, lòng sông bị thu hẹp, bồi lắng, nước cạn và nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất ở hai bên bờ mọc lên.

Từ dòng sông thơ mộng, sông Tô Lịch trở thành dòng sông chết bắt đầu từ những năm 1990. Gần đây thành phố đã cho kè hai bên bờ, nạo vét lòng sông, nước sông Tô Lịch được hồi sinh, tuy nhiên do toàn nước thải sinh hoạt nên màu nước luôn đen kịt, bốc mùi hôi. Vào những hôm trời mưa to, nước sông lại chuyển sang màu trắng xanh, chảy mạnh về xuôi. Điều này thể hiện một thực tế, nước sông bị ô nhiễm 2 nguyên nhân, đầu nguồn không còn được cung cấp nước từ sông Hồng, nước thải sinh hoạt của người dân, cơ sở sản xuất vẫn xả thẳng xuống.

Đánh giá về giải pháp xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor tại buổi trao đổi với báo chí giữa tháng 4 vừa qua, ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Cty Thoát nước Hà Nội cho rằng, việc sử dụng công nghệ của Nhật Bản để làm sạch sông Tô Lịch rất khó khả thi, do hiện nay mực nước sông rất thấp và không có dòng chảy lưu thông, chỉ có nước thải nên việc đưa máy sục trên sông dài 13 km là không phù hợp.

Do vậy để giải quyết ô nhiễm, làm hồi sinh sông Tô Lịch, chính quyền thành phố cần có một giải pháp đồng bộ, sát thực tế hơn. Cụ thể, giải pháp đầu tiên ở đây cần làm là xử lý được nước thải sinh hoạt, sản xuất tại nguồn; giải pháp thứ hai là khai thông dòng chảy cho sông Tô Lịch. Với giải pháp thứ nhất, thành phố phải thu gom, xử lý được triệt để nước thải ra sông Tô Lịch; trong thời gian chưa xây dựng được hệ thống thu gom, xử lý này thành phố nên thực hiện giải pháp theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm khi yêu cầu xây dựng các hố ga (thu nước) tại mỗi gia đình, cơ sở sản xuất.

Cụ thể, thay vì đổ thẳng ra sông như hiện nay, mỗi gia đình, cơ sở sản xuất ven sông Tô Lịch phải xây dựng tại đơn vị mình một hố ga thu nước trước khi thải ra sông; nước thải khi được chảy qua hố ga sẽ thu gạt, lắng đọng toàn bộ rác, tạp chất, sau đó còn lại nước tự chảy ra sông. Viêc này tuy nhỏ nhưng mang lại hiệu quả vô cùng to lớn và đang là giải pháp mà thành phố Tứ Xuyên (Trung Quốc) áp dụng rất thành công ở sông Thành Đô.

Với giải pháp thứ hai, tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch. Hiện nay do bồi lắng, nước sông Hồng không thể chảy vào sông Tô Lịch, tuy nhiên đã có một đơn vị thuộc UBND thành phố Hà Nội đề xuất bơm nước đổ vào Hồ Tây để tạo dòng chảy ra sông Tô Lịch, đây cũng là một ý tưởng hay tuy nhiên giải pháp này cũng phải tính toán kỹ vì nước sông Hồng hiện nay cũng không phải là sạch.

Theo tôi, chừng nào nước thải còn chảy thẳng ra sông Tô Lịch thì không một giải pháp, công nghệ dù hiện đại đến đâu cũng không thể xử lý được ô nhiễm.

Cảm ơn ông!

Với mục tiêu tìm kiếm các giải pháp làm xử lý ô nhiễm cho sông Tô Lịch, từ ngày 16/5, thành phố Hà Nội cho triển khai dự án thí điểm xử lý, làm sạch 300 mét sông Tô Lịch (đoạn từ Bưởi đến Hoàng Quốc Việt) và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản. Công ty CP Cải thiện mội trường Nhật Việt (JVE) - là đơn vị triển khai thí điểm dự án. Để xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch, đơn vị đặt các tấm vật liệu Bioreactor cố định xuống lòng sông, bên trong các tấm vật liệu là chế phẩm và máy sục khí Nano. Dự kiến đơn vị sẽ triển khai dự án trong vòng 2 tháng, sau đó thành phố sẽ đánh giá kết quả và xem xét nhân rộng.

Sau hơn 10 ngày đặt “bảo bối” của Nhật, sông Tô Lịch đang hồi sinh thế nào?

Công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản đặt dưới lòng sông Tô Lịch vẫn đang hoạt động và có những chuyển biến tích...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TRỌNG ĐẢNG ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN