Xử lý khí độc khiến 4 thợ lặn chết ngạt

Sáng nay, lực lượng Bộ đội hóa học và Công binh của Quân khu 4 bắt đầu xử lý khí độc tại hiện trường trục vớt tàu đắm khiến 4 thợ lặn chết ngạt.

Sáng 19/6, thông tin từ Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế, lực lượng Bộ đội hóa học và Công binh của Quân khu 4 bắt đầu xử lý khí độc và tiếp tục tìm vớt thi thể các nạn nhân bị chết trong lúc trục vớt tàu Onnekas One (quốc tịch Malaysia) bị đắm, cách khu vực bờ biển thôn 6, xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế khoảng 500m.

Đến cuối giờ sáng nay, nạn nhân cuối cùng trong vụ hít phải khí độc vẫn chưa thể đưa ra ngoài. Do tàu bị nạn nằm cách bờ biển thôn 6 xã Vinh Thanh khoảng 500m, lại có khí độc chưa xử lý trong khoang tàu, do đó việc đưa thi thể cuối cùng ra khỏi tàu đang gặp rất nhiều khó khăn.

Thượng tá Lê Văn Phương, Phó chỉ huy trưởng Bộ đội Biên Phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết: “Chúng tôi đang cùng các đơn vị liên quan gắn các biển báo xung quanh chiếc tàu gặp nạn để hạn chế mọi tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Hiện nay, mọi hoạt động liên quan trục vớt tàu đắm đã tạm dừng và công nhân đã được sơ tán ra khỏi hiện trường để phục vụ công tác điều tra, xử lý khí độc”.

Hiện đoàn cán bộ của Viện Môi trường miền Trung tại Đà Nẵng cũng đang trên đường đến xã Vinh Thanh (Phú Vang - TT Huế) để lấy mẫu xét nghiệm, qua đó xác định loại khí độc khiến đến 4 nạn nhân tử vong.

Xử lý khí độc khiến 4 thợ lặn chết ngạt - 1

Hiện trường trục vớt tàu đắm làm 4 thợ lặn chết ngạt

Trước đó, ngày 18/6, nhóm thợ lặn của Công ty TNHH trục vớt Bến Lức (tỉnh Long An) đang tiến hành bơm nước từ khoang chiếc tàu Onnekas One bị đắm thì đầu rồng gặp sự cố, một công nhân khi xuống sửa đã gặp khí độc, tử vong; 3 công nhân khác nhảy xuống cứu cũng bị choáng và tử vong ngay trong khoang tàu. 

Các nạn nhân thiệt mạng gồm: Võ Văn Thuận (38 tuổi) quê ở tỉnh Long An; Phạm Văn Hiệp (19 tuổi) ở huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang; Phan Văn Mạnh (39 tuổi) ở Bến Lức, tỉnh Long An và Văn Công Than (33 tuổi), ở Ðồng Tháp. Đến 15 giờ chiều cùng ngày, các lực lượng chức năng đã đưa ra khỏi khoang tàu được 3 thi thể nạn nhân.

Ngoài ra, khi tham gia cứu hộ có 4 người của Công ty TNHH trục vớt Bến Lức bị ngạt thở phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế. 4 nạn nhân gồm: Cao Văn Liêm (36 tuổi), Phan Thanh Sự (39 tuổi), Nguyễn Hữu Tân (27 tuổi) và Nguyễn Tấn Dân (35 tuổi) đều ở tỉnh Long An đã bình phục, được xuất viện.

Theo ghi nhận của chúng tôi, ngay sau khi nhận được thông tin xảy ra sự cố trong lúc trục với tàu Onnekas One, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên – Huế Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ và Đại tá Phạm Văn Đức, Phó giám đốc Công an tỉnh, lãnh đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh và lãnh đạo huyện Phú Vang đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn.

Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế triển khai lực lượng phong tỏa hiện trường, đình chỉ hoạt động trục vớt tàu gặp nạn và di tản toàn bộ công nhân ra khỏi khu vực để tránh khí độc. Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh và cơ quan pháp y tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân. Lực lượng Biên phòng, Công an và dân quân địa phương cũng đã phong tỏa hiện trường, ngăn chặn người dân vào khu vực trục vớt tàu, tránh sự cố có thể xảy ra.

Trước mắt, tỉnh Thừa Thiên – Huế và huyện Phú Vang hỗ trợ mỗi gia đình người chết 4 triệu đồng.

Được biết, tàu chở dầu Onnekas One bị hỏng nặng khi đang trên đường lai dắt đến Hải Nam (Trung Quốc) sửa chữa thì gặp sóng to, đứt dây cáp nên đã bị gãy đôi, thân tàu trôi dạt vào vùng biển thuộc thôn An Lộc, xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế và mũi tàu trôi dạt vào bờ biển thuộc thôn 6, xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang. Sau một thời gian làm các thủ tục cần thiết, chủ tàu đã thuê Công ty TNHH MTV Đóng tàu và Công nghệ hàng hải Sài Gòn để trục vớt, nhưng sau đó đơn vị này lại thuê Công ty TNHH Trục vớt Bến Lức để thực hiện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo N.Phương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN