Xử "hung thần", không vùng cấm

“Bộ GTVT sẽ thành lập các đoàn công tác làm việc với các địa phương cùng thống nhất đưa ra biện pháp giải quyết. Tinh thần chung là kiên quyết xử lý, không có “vùng cấm”, hay chuyện nể nang, né tránh trong kiểm tra xử lý các vi phạm liên quan hoạt động kinh doanh vận tải hành khách”- Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nói.

Gánh nặng doanh thu đè vô lăng tài xế

Thông qua thiết bị giám sát hành trình với khoảng 400 xe khách tuyến cố định, cho thấy tình trạng vi phạm tốc độ là khá phổ biến và ở mức độ báo động. Cá biệt có lái xe trong một ngày đã vi phạm đến 300 lần về vượt tốc độ tối đa cho phép.

Dư luận cho rằng, môi trường kinh doanh vận tải cũng như phương thức kinh doanh của các HTX, doanh nghiệp vận tải đã tạo ra áp lực khiến các lái xe phải chạy ẩu, phải đua tốc độ, thưa Thứ trưởng?


Nguyên nhân dẫn đến việc chạy quá tốc độ của lái xe thì có nhiều, nhưng trong đó có nguyên nhân do áp lực nội sinh trong môi trường kinh doanh vận tải và yêu cầu của các doanh nghiệp đưa ra đối với các lái xe là quá mức. Đặc biệt, gánh nặng doanh thu của doanh nghiệp còn đè lên vai người lái xe buộc họ phải tăng giờ, tăng chuyến mới đảm bảo thu nhập. Ví như doanh nghiệp thường khoán trắng toàn bộ hoạt động cho lái xe, bán thương hiệu cho lái xe để họ tự lo liệu dẫn đến tình trạng công tác quản lý của doanh nghiệp đối với các lái xe bị buông lỏng, thiếu kiểm tra, giám sát.

Bên cạnh đó còn có một phần nguyên nhân là tâm lý chủ quan về phía các lái xe, thiếu trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp và năng lực chuyên môn ít được quan tâm bồi dưỡng, trong khi lĩnh vực này đòi hỏi đạo đức nghề nghiệp rất cao. Vì khi xe vận hành bao nhiêu tính mạng con người đều phụ thuộc vào người lái xe, song nhiều lái xe không làm chủ được bản thân còn sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, ma túy. Điều này dẫn đến nguy cơ gây TNGT rất cao của không ít lái xe.

Xử "hung thần", không vùng cấm - 1

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ

Hầu hết các doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải chỉ mải chạy theo lợi nhuận bất chấp các quy định của pháp luật, nhưng lại thiếu sự kiểm soát của nhà nước, ông nhìn nhận sao về thực trạng này?

Phải nói rằng đến nay hành lang pháp lý cho hoạt động vận tải hành khách là tương đối đầy đủ. Vậy vấn đề là thực hiện như thế nào cho hiệu quả? Bên cạnh một số doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc còn một số doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm túc hoặc mang tính chất đối phó.

Ví dụ trong hồ sơ cấp phép thì đầy đủ phương án kinh doanh nhưng khi thực hiện lại không đầy đủ, không nghiêm túc, nhiều doanh nghiệp không có bộ phận ATGT; bộ phận quản lý an toàn kỹ thuật trước khi xe lăn bánh; tổ chức quản lý lái xe lỏng lẻo, nhiều trường hợp không ký hợp đồng, bảo hiểm mà chỉ khoán trắng...

Đặc biệt có trường hợp, các nhà xe tư nhân đội lốt doanh nghiệp, HTX để kinh doanh, mua thương hiệu... các pháp nhân này thì không quan tâm đến chất lượng xe; tiêu chuẩn, quyền lợi và trách nhiệm người lái xe; công tác quản lý điều hành mà chỉ lo thu tiền hàng tháng... Có thể nói tình trạng này đang diễn ra khá phổ biến nên đã gây khó khăn cho các cơ quan chức năng quản lý nhà nước thực hiện nhiệm vụ, gây mất trật tự xã hội, an toàn giao thông.

Xử "hung thần", không vùng cấm - 2

Một bến xe “dù” rộng 13.000m2 ngay sau bến xe Mỹ Đình khiến dư luận cho rằng có sự bảo kê tại đây

Quy định còn lỏng lẻo

Một doanh nghiệp bán thương hiệu lấy tiền bỏ mặc việc kinh doanh cho các cá nhân; một HTX khoán trắng cho các xã viên mà cũng chẳng cần biết “xã viên” của mình là ai, hay doanh nghiệp thuê xe, mướn lái toàn phần... Phải chăng sự bát nháo này xuất phát từ chính các quy định của pháp luật thiếu chặt chẽ thưa ông?


Đây là một thực tế nhức nhối. Vì sao một doanh nghiệp có một xe cũng chạy tuyến Sài Gòn - Hà Nội; vì sao xe cá nhân lại dán mác doanh nghiệp còn doanh nghiệp lại không thực hiện một quy trình quản lý nào ngoại trừ thu tiền của các nhà xe tư nhân...?

Hoạt động kinh doanh vận tải hành khách là loại hình kinh doanh có điều kiện. Nhưng thực tế hiện nay, theo các quy định thì “điều kiện” còn chưa đầy đủ để có tính sàng lọc đối với các doanh nghiệp. Ví như: Chưa quy định chặt chẽ doanh nghiệp phải sở hữu bao nhiêu xe mới được tham gia kinh doanh, lái xe bao nhiêu năm kinh nghiệm mới được lái...

Để đối phó với tình hình TNGT diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, tình huống khẩn cấp thì phải có những giải pháp khẩn cấp, vậy việc này có được Bộ GTVT triển khai khẩn cấp không thưa ông?

Thông qua thiết bị giám sát hành trình với khoảng 400 xe khách tuyến cố định, cho thấy tình trạng vi phạm tốc độ là khá phổ biến và ở mức độ báo động. Cá biệt có lái xe trong một ngày đã vi phạm đến 300 lần về vượt tốc độ tối đa cho phép. 

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ

Với thực trạng hiện nay, tôi cho rằng cần có ngay một cuộc tổng rà soát về hoạt động vận tải hành khách. Căn cứ vào số liệu thực tế sẽ có đánh giá, phân loại.

Trong trường hợp cần thiết, Bộ GTVT sẽ kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan; các địa phương rà soát, sàng lọc, hay siết chặt hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách để đảm bảo an toàn giao thông. Quan điểm là khuyến khích xây dựng các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, đầu tư bài bản, cạnh tranh lành mạnh, phát triển thương hiệu bền vững và đưa ra khỏi môi trường kinh doanh những doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả và mất an toàn giao thông.

Không ngại “vùng cấm”

Như ông nói, các quy định của chúng ta khá đầy đủ, tuy nhiên tình trạng phức tạp trong hoạt động này vẫn xảy ra, vậy ở đây vai trò của cơ quan quản lý nhà nước đến đâu?

Trách nhiệm ở đây không chỉ là của chủ doanh nghiệp, của lái xe mà cả của cơ quan quản lý nhà nước. Chỉ khi phân rõ trách nhiệm, chúng ta mới thấy được đâu là trách nhiệm của bộ ngành trung ương, đâu là trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý như: Quản lý các doanh nghiệp vận tải, quản lý về chất lượng đào tạo lái xe, kiểm định, cấp phép kinh doanh vận tải…thì chắc chắn việc tổ chức thực hiện sẽ đem lại hiệu quả cao hơn.

Dư luận lâu nay vẫn nghi ngại về “nhóm lợi ích” trong kinh doanh vận tải tuyến cố định, đâu đó có sự tham gia “bảo kê” của một số cán bộ, công chức, liệu Bộ có dám thẳng tay đụng vào các vấn đề tế nhị này?

Điều này đã được nêu trong Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 23/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn TNGT nghiêm trọng.

Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiến hành thanh tra công vụ, kiểm tra và xử lý nghiêm các đơn vị và cán bộ, công chức các cơ quan quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông có hành vi vi phạm quy định trong thực thi công vụ.

Đặc biệt sẽ đình chỉ chức vụ để điều tra đối với những trường hợp có dấu hiệu đỡ đầu, tiếp tay, dung túng cho các cơ sở kinh doanh vận tải, các đơn vị kiểm định, cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe, các bến xe và lái xe vi phạm.

Thực hiện chỉ đạo này, Bộ GTVT sẽ thành lập các đoàn công tác làm việc với các địa phương cùng thống nhất đưa ra biện pháp giải quyết. Tinh thần chung là kiên quyết xử lý, không có “vùng cấm”, hay nể nang, né tránh trong kiểm tra xử lý các vi phạm.

Cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phùng Sưởng (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN