Xót xa vì sự lãng phí của dự án hơn 800 tỉ đồng ở Thủ Thiêm
Dự án Trung tâm triển lãm quy hoạch TP HCM ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm tạm ngưng thi công từ năm 2017 cho đến nay. Theo Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ , đây là việc "vô cùng lãng phí".
Ngày 9-5, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ chủ trì buổi giám sát Ban Quản lý dự án các công trình dân dụng và công nghiệp TP HCM về việc thực hiện công tác đầu tư công giai đoạn 2021-2025.
Nhiều đại biểu bày tỏ bức xúc trước thực trạng của dự án Trung tâm triển lãm quy hoạch TP HCM tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Dự án Xây dựng Trung tâm triển lãm quy hoạch TP HCM có quy mô 1 tầng hầm, 5 tầng nổi, tổng diện tích sàn xây dựng 18.100 m2, tổng mức đầu tư hơn 836 tỉ đồng.
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP HCM cho rằng phải mạnh dạn đánh giá đây là hạn chế của đầu tư công và phải làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.
Dự án thực hiện từ năm 2014 và khả năng tới năm 2025 có hoàn thành hay không còn là dấu hỏi nếu chưa giải quyết được khó khăn, tồn tại. Đây là dự án người dân thành phố mong đợi rất nhiều nhưng thực hiện kéo dài ảnh hưởng đầu tư công và nhiều yếu tố cần thúc đẩy để kịp hoàn thành năm 2025.
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP HCM cho rằng cần làm rõ các khúc mắc để thúc đẩy dự án hoàn thành đúng tiến độ năm 2025.
"Dự án này tổng mức đầu tư là 836 tỉ đồng... Dự án tạm ngừng từ năm 2017, muốn thi công lại thì phải đánh giá lại chất lượng công trình nếu không khéo lại xảy ra sự cố đáng tiếc sau này" – ông Cao Thanh Bình nói.
Trong khi đó, bà Đỗ Thị Minh Quân, Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP HCM, cũng bức xúc: "Khi đi ngang qua thấy xót xa cho sự lãng phí. Dự án giờ nhìn giống như nhà bỏ hoang chứ không phải là trung tâm triển lãm đang xây dựng". Bà Đỗ Thị Minh Quân đề nghị làm rõ vấn đề lựa chọn nhà thầu về năng lực, kinh nghiệm triển khai thực hiện dự án vì khi giám sát thì các dự án có hạn chế thuộc về nhà thầu.
Dự án tạm ngưng thi công từ năm 2017 sau khi hoàn thành phần thô. Thanh tra TP đã có kết luận thanh tra đối với dự án này năm 2020.
Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị chủ đầu tư nói rõ nguyên nhân vì sao dự án chậm và đánh giá kỹ hơn về dự án này.
"Công trình này vô cùng lãng phí, thu hồi đất của dân giờ thì bình chân như vại. Từ năm 2017 đến giờ y chang và xuống cấp. Nếu tiếp tục thực hiện thì đảm bảo an toàn, chất lượng hay không? Đến nay dự án còn đáp ứng nhu cầu của trung tâm triển lãm quy hoạch hay đề xuất chuyển đổi công năng?" – bà Nguyễn Thị Lệ nói.
Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ bức xúc vì dự án "bình chân như vại" gây lãng phí.
Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình dân dụng và công nghiệp TP HCM, cho hay dự án Trung tâm triển lãm quy hoạch TP do Ban Quản lý xây dựng Trung tâm triển lãm quy hoạch TP làm chủ đầu tư và tạm ngưng thi công từ năm 2017.
Ban Quản lý dự án các công trình dân dụng và công nghiệp TP được chuyển giao làm chủ đầu tư từ tháng 10-2022. Vướng mắc lớn nhất của dự án là gói thầu chính số 6 (gói thầu nhôm kính) trị giá 107 tỉ đồng.
Khi đó chủ đầu tư cũ cũng tạm ứng cho nhà thầu số tiền 42 tỉ đồng. Vừa qua, chủ đầu tư làm việc với các nhà thầu để ký phụ lục hợp đồng chuyển chủ đầu tư. Tuy nhiên, nhà thầu gói thầu số 6 không đồng ý và đề nghị giải quyết các vướng mắc với chủ đầu tư cũ.
Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình dân dụng và công nghiệp TP HCM, cho rằng phải giải quyết vướng mắc tại gói thầu trị giá 107 tỉ đồng để tiếp tục triển khai dự án.
"Ban cũng kiến nghị UBND TP chấp thuận chủ trương cắt hợp đồng với nhà thầu này. Tình huống xấu nhất thì Ban sẽ kiến nghị UBND TP giao Sở Tư pháp để khởi kiện ra toà bởi vì trước đây đã nhận tạm ứng 42 tỉ đồng... Nhà thầu trình mẫu vật tư không đạt yêu cầu và chủ đầu tư cũ không có biện pháp, chế tài nào" – ông Nguyễn Văn Trường nói.
Chủ đầu tư cho hay đang phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch - Đầu tư để triển khai kiểm định chất lượng công trình để xem khi thi công trở lại có đảm bảo khả kết cấu, khả năng chịu lực.
Nguồn: [Link nguồn]
Chiều ngày 9-5, 23 hộ dân đầu tiên của huyện Bình Chánh đã nhận tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng có dự án vành đai 3 đi qua.