Xót xa cảnh 3 đứa trẻ “vô thừa nhận”
Trong căn phòng nhỏ chưa đầy 10m2 ở Phùng Khoang (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) có 3 đứa trẻ ngày ngày bị “nhốt” từ sáng đến tối chờ bà, cụ đi làm về. Đứa lớn dù đã 10 tuổi nhưng chưa một lần được cắp sách đến trường, 2 đứa trẻ còn lại thậm chí còn không có nổi một tờ giấy khai sinh…
3 đứa trẻ bị "bỏ rơi"
Chúng tôi tìm đến ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Ly (68 tuổi) đúng lúc bà đang đi rửa bát, dọn nhà thuê chưa về. Nghe thấy tiếng người gọi bà, 3 đứa trẻ thò mặt qua tấm chắn cửa trả lời. Ngày nào cũng thế, bà Ly ra khỏi nhà từ rất sớm để phục vụ cho một cửa hàng ăn. Trước khi đi, bà chuẩn bị đồ ăn cho 3 đứa cháu, chắt để chúng tự xúc cho nhau ăn. Ba đứa trẻ mà bà đang nuôi, 1 đứa là cháu ngoại còn 2 đứa là chắt ngoại.
Trong lúc chúng tôi đang đứng phía ngoài cổng trò chuyện với mấy đứa trẻ ở trong nhà thì bà Ly hớt hải đạp xe về. Bà bảo, lúc nãy hàng xóm gọi điện cho bà bảo nhà đang có khách đợi nên bà xin phép chủ quán được về sớm hơn. Nghe thấy tiếng bà từ đằng xa, mấy đứa trẻ đã mừng rỡ reo lên. Cánh cửa mở ra, cả 3 đứa đều chạy lại ôm bà, cụ ngoại.
Khánh Ly (giữa) luôn ao ước được cắp sách tới trường.
Bà Ly cho biết: “Cả buổi nhốt trong nhà cuồng chân nên lúc nào các cháu cũng muốn ra ngoài. Hôm nay có người gọi nên tôi mới được về sớm buổi trưa chứ thường ngày tôi cắm cơm sẵn, nấu thức ăn rồi ba chị em nó tự túc ăn uống rồi đi ngủ cho tới chiều tối tôi trở về nhà”. Gạt những giọt mồ hôi lăn dài trên gò má dưới tiết trời oi bức hơn 40 độ C, bà Ly kéo 3 đứa cháu vào khu vệ sinh rồi lau mặt cho từng đứa.
Ở cái tuổi gần “thất thập cổ lai hy” nhưng chưa một ngày bà Ly được biết thế nào là hạnh phúc. Trước đó gia đình bà ở quận Thanh Xuân, nhưng do chồng bà chẳng may mắc phải bệnh ung thư nên bà đã phải bán căn nhà đó lấy tiền chữa trị cho chồng. Bao nhiêu tiền của đổ vào chữa bệnh cho ông với hy vọng ông sẽ trụ lại được nhưng rồi cuối cùng ông vẫn bỏ bà mà đi.
Chồng mất, tiền bán nhà cũng chỉ còn lại một ít nên bà Ly xuống Phùng Khoang tìm mua một căn bếp rộng chưa đầy 10 mét vuông rồi cơi nới ra thêm để lấy chỗ cho mấy bà cháu tá túc. Vì nhà chỉ là cái bếp của người ta nên bà không thể chuyển được hộ khẩu. Do đó hộ khẩu hiện nay của bà vẫn ở chỗ cũ.
Khi hỏi về bố mẹ của 3 đứa nhỏ, bà Ly bật khóc kể: “Nói ra thì buồn và xấu hổ lắm. Tôi có 4 đứa con nhưng thằng cả bị bệnh hiểm nghèo nên đã mất rồi, còn 3 đứa nữa cuộc sống không ổn định, nay đây mai đó. Thật lòng tôi cũng chẳng biết giờ chúng ở đâu”.
Ba đứa trẻ mà bà Ly đang nuôi, đứa lớn nhất là Khánh Vy (10 tuổi), đứa thứ 2 là Vân (7 tuổi nhưng bị bệnh down), đứa bé nhất bà gọi là Sam Bô (khoảng 2 tuổi rưỡi). Trong đó bé Vân là cháu ngoại, còn Khánh Vy và Sam Bô là chắt ngoại.
Những đôi mắt ám ảnh, khát khao được ra ngoài.
Theo lời người bà bất hạnh này chia sẻ thì dù nuôi các cháu từ tấm bé nhưng bà cũng không biết bố của chúng là ai vì giữa con gái và cháu gái bà với những người đàn ông đó chưa từng có hôn thú. Cứ sinh con ra là con và cháu lại ném chúng về cho bà chăm sóc.
“Thi thoảng chúng nó mới gọi điện về hỏi thăm con. Thế nhưng đến bây giờ thì không gọi nữa, mà tôi gọi lại cũng không liên lạc được nên giờ tôi cũng chẳng biết con và cháu mình đang sống ở đâu, làm nghề gì. Hai đứa lớn mẹ chúng bỏ lại đây từ khi vài tháng tuổi. Còn đứa nhỏ nhất Tết vừa rồi mẹ nó gọi điện bảo đem về gửi. Tôi trốn đi và nói về quê rồi. Vậy mà nó còn bắt xe Grab mang sang gửi ở nhà hàng xóm. Đến chiều tối khi tôi đi làm về thì hàng xóm bế thằng bé sang. Tôi giận lắm, nhưng chẳng lẽ đều là cháu chắt mà mình lại hắt hủi không nuôi thì vứt cho ai”, bà Ly tâm sự.
Tương lai mờ mịt của những đứa trẻ "vô hình"
Vừa tiếp khách, bà Ly vừa tất bật dọn cơm cho các cháu ăn. Bữa cơm chỉ có duy nhất bát canh bí đỏ nấu suông vậy mà 3 đứa trẻ vẫn ăn ngon lành. Có vẻ như chúng đã quá quen với thực đơn đạm bạc như thế. Hôm nào sang lắm thì sẽ có thêm vài quả trứng hoặc mấy bìa đậu phụ. Thịt lợn là món ăn xa xỉ với mấy bà cháu.
Bữa cơm chỉ có bát canh bí đỏ.
Hằng ngày bà Ly đi làm từ sáng đến tối mới về, ở nhà Vy có trách nhiệm trông và cho 2 đứa nhỏ hơn ăn, ngủ. Cứ vậy cuộc sống của ba đứa trẻ được lập trình đều đặn từ ngày này qua ngày khác. Nhìn 3 đứa cháu, chắt tội nghiệp hồn nhiên nói cười, bà Ly không khỏi xót xa.
Theo lời bà Ly chia sẻ thì trong 3 đứa cháu, chắt của bà chỉ Khánh Vy là có giấy khai sinh. Bé Vân chỉ có mảnh giấy chứng sinh photo nên không thể làm giấy khai sinh.
Riêng bé Sam Bô thì bà Ly cũng không biết cháu sinh ra ngày tháng năm nào. Bà chỉ ước chừng Sam Bô khoảng 2 tuổi. Bà Ly bảo nhiều lúc cũng muốn đi lo các thủ tục để các cháu của mình được có tên, có tuổi đàng hoàng nhưng vì giấy tờ thiếu nhiều quá nên bà chả biết bắt đầu từ đâu.
“Tôi không sợ khổ, mà chỉ sợ đến khi tôi chết, các cháu của mình vẫn không có nổi một tờ giấy khai sinh, ghi nhận sự có mặt của chúng nó trên đời. Nếu có giấy khai sinh thì tôi có thể gửi cháu vào Trung tâm bảo trợ xã hội để cháu được chăm sóc tốt hơn. Còn cháu Vy nếu có đủ giấy tờ thì cháu sẽ được đi học. Tính tuổi đi học thì năm nay con bé đã lên lớp 4 rồi”, bà Ly tâm sự.
Khi được hỏi có thích được đến trường không thì bé Khánh Vy hào hứng nói: “Cháu thích đi học lắm. Bác hàng xóm nhà cháu bảo nếu bây giờ đi học cháu sẽ phải học cùng lớp với các em 6 tuổi, cháu sẽ lớn tuổi nhất lớp. Hôm trước bác hàng xóm cũng tặng cháu 1 bộ quần áo đồng phục. Bác ấy nói khi nào được đến trường thì mặc bộ đó, không phải mua nữa”. Nghe những lời nói hồn nhiên của Khánh Vy khiến chúng tôi không khỏi đau lòng.
Chính quyền cũng loay hoay
Phóng viên Chuyên đề Cảnh sát toàn cầu đã có buổi làm việc với bà Nguyễn Thị Lụa, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Văn về trường hợp này. Bà Lụa cho biết: “Đối với trường hợp của nhà bà Ly rất phức tạp. Bố mẹ các cháu đều không sinh sống trên địa bàn, cũng không biết họ ở đâu.
Bà Ly chỉ lo ngay cả khi mình chết đi các cháu của bà vẫn không được thừa nhận.
Bà Ly có chồng đã mất, bán nhà ở quận Thanh Xuân rồi đến sinh sống ở phường Trung Văn, chỉ ở trong căn phòng vài mét vuông. Khi chúng tôi đặt vấn đề thì bà Ly chỉ bảo ở tạm thôi. Tổ dân phố cũng nói ở tạm như thế cũng nên làm tạm trú tạm vắng, thế nhưng bà Ly chưa làm dù sống tại phường nhiều năm”.
Về trường hợp của cháu Khánh Vy (10 tuổi) mong muốn được đi học, bà Lụa cho biết, UBND phường cũng đã trực tiếp trao đổi với Hiệu trưởng Trường tiểu học Trung Văn tìm cách cho cháu được đi học vào năm học mới tới.
“Hồ sơ của cháu chỉ có mỗi giấy khai sinh, chúng tôi đang rất muốn tìm lại nơi có hộ khẩu thường trú của bố mẹ cháu bé mà phường không thể nào liên hệ được để làm tạm trú cho cháu. Với hoàn cảnh éo le của cháu Vy thì cô hiệu trưởng sẵn sàng tiếp nhận vào đợt tuyển sinh tới đây. Nếu giải quyết được giấy tờ vướng mắc thì nhà trường sẽ hỗ trợ cho cháu đi học, các cô cũng sẽ quyên góp giúp đỡ cháu”, bà Lụa nói.
Đối với hai cháu nhỏ không có giấy khai sinh, bà Lụa cho biết, do cả hai không có giấy chứng sinh, phường không có cách nào giải quyết hai trường hợp này. Cháu bé bị down, bà Ly có mong muốn cho cháu đi Trung tâm bảo trợ xã hội tuy nhiên bố mẹ cháu bé vẫn còn, chính quyền không biết họ ở đâu. Bố mẹ hoàn toàn minh mẫn, không bệnh tật gì nên bà Ly không thể giám hộ được cho cháu.
Theo quan điểm của bà Lụa thì nếu phường đưa cháu đi Trung tâm bảo trợ xã hội mà bố mẹ cháu về không đồng ý thì phường sẽ rất khó xử. UBND phường cũng mong muốn bố mẹ cháu bé đến gặp để giải quyết. Nếu cháu bé bị down muốn đưa về Trung tâm bảo trợ xã hội, UBND phường sẽ làm thủ tục hỗ trợ.
Nguồn: [Link nguồn]
Vụ tai nạn trong lúc thi công cầu xảy ra chiều 19/12 tại làng Hde (xã Đắk Tờ Ver, huyện Chư Păh, Gia Lai) đã cướp đi sinh...