Xót thương cậu bé vùng cao oằn lưng cõng 6 viên gạch lấy 12.000 đồng
Hoàn cảnh éo le, thiếu tiền nên cậu bé 12 tuổi đã nhận cõng gạch thuê để kiếm số tiền ít ỏi.
Hình ảnh Sò cõng gạch được chia sẻ lên mạng xã hội.
Mới đây, trên mạng xã hội chia sẻ hình ảnh kèm theo thông tin về một cậu bé khoảng 12 tuổi ở xã Sủng Là (huyện Đồng Văn, Hà Giang), phải oằn lưng cõng 3 viên gạch mỗi viên 12kg trên lưng để kiếm tiền khiến nhiều người thương xót.
Cụ thể, người này viết: “Cậu bé ở Sủng Là, Hà Giang còn nhỏ đã phải oằn mình đi cõng gạch thuê, mỗi viên nặng khoảng 12kg, được trả 2.000 đồng/viên.
Quãng đường lên bản khá xa và dốc ngược, xe máy không lên được, muốn vận chuyển gạch lên phải dùng sức người. Mỗi ngày cậu bé cõng được 3 chuyến bằng 18.000 đồng. Đây là một số tiền khá lớn đối với cậu và gia đình. Thế mới biết sự vất vả của trẻ con vùng cao như thế nào…”
Sò cõng gạch lên bản mỗi viên được trả 2.000 đồng.
Sau khi hình ảnh kèm thông tin trên được đăng tải, nhiều người bày tỏ sự xót xa cho hoàn cảnh của cậu bé. Tuy nhiên, một số ý kiến hoài nghi về tính chính xác của thông tin và hình ảnh được chia sẻ.
Theo tìm hiểu của PV, cậu bé trong câu chuyện trên là Sùng Mí Sò (12 tuổi, ở xã Sủng Là). Sò có gia cảnh éo le khi bố bị tai nạn giao thông mất cách đây hơn 1 năm, mẹ đi lấy chồng mới để lại 3 anh em Sò cho ông bà nội nuôi dưỡng.
Sò là anh cả, dưới Sò còn có em Sùng Thị Và (11 tuổi) và Sùng Mí Sính (8 tuổi). Cậu bé 12 tuổi hiện đang học trường bán trú tiểu học Sủng Là, em út của Sò là Sính thì học lớp 2 trường thôn Lao Xa. Riêng em SùngThị Và đã nghỉ học từ khi bố mất.
Ông bà nội cùng 3 anh em Sò.
Chia sẻ về hoàn cảnh của Sò, chị Mua Thị Chở (hàng xóm gần nhà em Sò) cho hay, hình ảnh em Sò cõng gạch là có thật chứ không phải dàn dựng. Người dân trong thôn xây nhà có thuê người đi cõng gạch nên em ấy đi làm thêm.
Giải thích về con đường bê tông trong ảnh, chị Chở nói: “Đoạn đường mọi người nhìn thấy chỉ là một nửa thôi, qua đoạn đó muốn lên thôn là một con đường nhỏ, xe không đi được mà phải đi bộ vì thế họ mới phải thuê người cõng gạch”.
Hình ảnh chụp Sò cõng gạch là trong khoảng thời gian Sò đang được nghỉ học vì dịch Covid-19. Trong lúc không có tiền, lại thấy có việc nên Sò tranh thủ đi làm thêm. Số tiền ít ỏi đó cũng chỉ đủ cho Sò mua đôi dép mới hoặc mua gói mì tôm mấy anh em đổi bữa.
Bố mất, mẹ đi lấy chồng, 3 anh em Sò ở cùng với ông bà nội.
Người hàng xóm này cũng chia sẻ thêm, việc Sò cõng gạch chỉ nói lên một phần nhỏ nỗi vất vả của 3 anh em Sò. Hằng ngày, ngoài giờ học, Sò còn giúp đỡ ông bà nội làm nương rẫy, trồng ngô, cắt cỏ hay đi đổi công, em làm việc như một người lớn dù mới chỉ 12 tuổi.
“Nhà em ấy nghèo lắm, trong nhà không có gì, gạo cũng không có ăn phải ăn mèn mén (ngô xay) suốt mấy tháng nay rồi”, chị Chở kể.
Theo chị Chở, cuộc sống khó khăn là vậy nhưng Sò lúc nào cũng vui vẻ. Hằng ngày, những hôm đi học, Sò phải thức dậy thật sớm đi bộ 2 tiếng từ nhà xuống xã để tới lớp.
Trưa 14/4, trao đổi với PV, lãnh đạo xã Sủng Là cho biết, sau khi nắm bắt thông tin trên mạng xã hội về trường hợp của em Sùng Mí Sò, chính quyền địa phương đã xuống xác minh. Thực tế, Sò cõng gạch cho người cùng xã hôm 10/4, được 12.000 đồng, không phải 18.000 đồng như trên mạng.
Chuyến đầu tiên Sò cõng được 3 viên gạch
“Cháu Sò kể đi cõng gạch được 3 chuyến, chuyến đầu cháu cõng được 3 viên, chuyến thứ hai được 2 viên và chuyến thứ 3 được 1 viên, mỗi viên được trả 2.000 đồng. Do giờ đang được nghỉ học, nhà cũng nghèo nên cháu tự đi kiếm tiền chứ không ai ép buộc”, lãnh đạo xã Sủng Là cho biết.
Về gia cảnh của Sò, lãnh đạo xã Sủng Là cho hay, bố Sò mất sớm, mẹ đi lấy chồng nên 3 anh em ở với ông bà. Tuy nhiên, ông bà Sò thuộc hộ gia đình cận nghèo. Chính quyền địa phương đang vận động, kêu gọi xây dựng cho 3 anh Sò một ngôi nhà nhỏ.
Lãnh đạo xã Sủng Là cho biết thêm, sáng nay (14/4), một số nhà hảo tâm cũng đến trao quà cho Sò tại UBND xã với số tiền 20 triệu đồng. Số tiền này UBND xã sẽ làm sổ tiết kiệm cho 3 anh em Sò.
Cảnh đời khốn khổ của cậu bé Khuyên đã khiến nhiều người rơi lệ. Sau khi báo chí đăng tải, được sự giúp đỡ...
Nguồn: [Link nguồn]