Xót con người ta, người đàn ông tự nguyện làm cha 24 đứa trẻ

Sự kiện: Thời sự

Xót thương những phận đời vừa lọt lòng bất hạnh đã ập đến, người đàn ông ấy tự nguyện làm cha cho 24 đứa trẻ, con của người dưng suốt hơn 20 năm qua.

Xót con người ta, người đàn ông tự nguyện làm cha 24 đứa trẻ - 1

Đặng Thị Minh Phương (hàng đầu, bìa phải) cùng vợ chồng ông Trực và các anh chị hơn 20 năm trước. Ảnh: Thanh Trần chụp lại

Người cha ấy là ông Phạm Duy Trực (69 tuổi, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà). Ông âm thầm chở che, bảo bọc và nuôi dưỡng cho đàn con không máu mủ bằng khối tài sản chẳng thể nào đong đếm được, đó là tình yêu thương. 

Xót con…người ta

 “Hồi đó tôi chưa tròn 2 tuổi. Bố mất, nhà nghèo, mình lại mắc đủ bệnh. Mẹ gửi tôi lên Trung tâm Công tác xã hội rồi được ba Trực đón về nuôi. Sống ở nhà ba, tôi quấn ba suốt cả ngày, từ ăn cơm, đi chơi đến đi ngủ. Bệnh của tôi cũng được ba kiên trì chạy chữa cho đến khi khỏi hẳn..”. Ký ức này chị Đặng Thị Minh Phương (25 tuổi, quận Thanh Khê) được người thân kể lại mỗi khi nhắc tới người cha Phạm Duy Trực. Chị Phương là đứa bé đầu tiên ông Trực nhận nuôi, sau khi tham gia chương trình “Gia đình nuôi tạm” của Tổ chức Hỗ trợ trẻ em quốc tế (HOLT).

Ông Trực còn nhớ như in, năm 1995, khi còn công tác tại phường Tam Thuận (quận Thanh Khê), nghe tới chương trình ông liền về bàn bạc với gia đình rồi đăng ký tham gia. “Người của tổ chức này đến phỏng vấn tôi rất nhiều. Lúc họ hỏi động cơ xin nuôi trẻ là gì, tôi nói mình từng là người lính, chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh để lại con nhỏ quá xót xa. Vậy nên chỉ muốn làm người cha, chở che cho được cháu nào hay cháu ấy”, ông nhớ lại.  Lúc ấy, ông đã có hai người con, kinh tế gia đình cũng “thường thường”. 

Buổi chiều 1/3/1996, ông được Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội Đà Nẵng gọi lên làm thủ tục nhận trẻ. Trước mặt ông là bé gái chưa đầy 2 tuổi ốm yếu, ngằn ngặt khóc đến quặn lòng. Chở con trên xe máy về nhà, ông biết từ đây, cuộc sống gia đình mình sẽ bị xáo trộn, tình thương phải sẻ san cho đứa con không máu mủ này. Thậm chí dành phần hơn để bù đắp lại những bất hạnh mà con phải chịu. 

Nhắc về đứa con không ruột thịt đầu lòng, ông kể rành rọt: Phương ngày ấy bị chảy mũi, chảy mủ xanh ở tai và mụn nhọt trên đầu, cả nhà chạy tứ phương tìm thầy kiếm thuốc, may sao Phương khỏi bệnh. Phương cũng sớm  hòa nhập với mọi người trong gia đình. Tất cả mọi người trong nhà đến cậu, mợ…đều thương Phương. Đến khi về với mẹ đẻ, cháu đã tròn trịa cứng cáp. 

Sau khi Phương đi hơn một tháng, ông Trực tiếp tục nhận nuôi một bé gái nữa. Cháu bé này ở nhà ông gần một năm. Việc nghĩa dài hơi, ông cũng chẳng ngờ có bé thứ ba, thứ tư rồi tới 24 bé bước vào ngôi nhà mình. Cứ nghe tin trẻ gặp cảnh éo le, ông lại đứng ngồi không yên xách xe lên đón về nuôi. Bé ở ít vài tháng, nhiều thì tới gần 2 năm. Bé gần đây nhất vừa được gia đình đón về vào cuối năm 2018. 

Ông trầm ngâm: “Hồi đó nhìn đâu cũng thấy cảnh khó cả, nếu chỉ mồ côi hoặc gia cảnh nghèo mà nhận nuôi thì không tài nào đếm xuể. Thành thử, những trường hợp được gửi vào Trung tâm và gửi đến nuôi tạm là cực kỳ bi đát. Cháu nào cũng có những khủng hoảng riêng cần được kề cận, chở che và dìu dắt vượt qua. Nghĩ vậy mà thương nên mình cứ đùm bọc hết cháu này đến cháu khác”.

Xót con người ta, người đàn ông tự nguyện làm cha 24 đứa trẻ - 2

23 năm trời, ông Trực nuôi nấng chở che cho 24 mảnh đời bất hạnh bằng tình thương yêu vô bờ bến. Ảnh: Thanh Trần

Kỷ vật và những cuộc chia ly

24 đứa con là 24 số phận hẩm hiu. D.H bị xương thủy tinh, chẳng nhớ nổi bao nhiêu lần nhập viện bó bột. V.N bị tâm thần nhẹ hết đập đầu vào tường lại đến bốc phân bôi khắp nhà. A.P ra đời khi mẹ mới 16 tuổi nên yếu ớt, nhiều đêm sốt đến co giật... Ông trầm tư, bảo trẻ nhỏ không chỉ cần cơm áo, phải thấu rõ tính nết của từng đứa mới nuôi dạy được. Nếu không nhẫn nại với tiếng khóc mỗi đêm, chướng quấy mỗi ngày thì có lẽ ông đã bỏ cuộc chứ không mải miết trên con đường nhân nghĩa tới ngày hôm nay. 

Mơ ngày hội ngộ
Dù không dám gọi điện, thư từ, nhưng trong thâm tâm ông Trực vẫn mơ tới ngày hội ngộ đầy đủ 24 đứa con. Để được ngắm nhìn lại từng khuôn mặt, dáng hình bé bỏng ngày nào và nghe đàn con kể về cuộc sống hiện tại.

Ở một góc nhỏ trong nhà, người cha già cất giữ cẩn trọng từng trang nhật ký về 24 đứa con. Trong đó ghi rõ ngày đến, ngày đi, quá trình chăm sóc, khôn lớn... Ông không xem đó là cuốn nhật ký đơn thuần, mà coi nó như kỷ vật để sau này nếu các con tìm về thì biết đâu những dòng chữ kia sẽ lên tiếng. Bởi trong đàn con thơ ấy, có đứa không biết cha mẹ là ai, có đứa được đưa ra nước ngoài nuôi từ khi còn rất nhỏ.

 Lật dở từng trang ký ức đã ố vàng, những tháng ngày cách đây 10, 20 năm trước như hiện rõ mồn một. “Tr vào nhà có vẻ sợ sệt, trên người mặc bộ đồ cũ kỹ với một đôi dép nhựa đã rách, dáng vẻ sợ hãi. Sau khi mẹ đẻ ra về, Tr khóc một lúc…Những ngày đầu Tr buồn, ăn rất ít, hôm nào cũng đi cầu ra quần…Khi nhận Tr về Tr gầy, ốm yếu và đen. Nhưng được chị Trinh và cả nhà chăm sóc Tr nhanh mập và trắng ra rất rõ…”, cô con gái H.T.T.Tr được ông nhận nuôi vào năm 1997, khi ấy Tr mới 5 tuổi. Cùng với cuốn sổ này là những giấy tờ, hồ sơ về việc chuyển giao nuôi dưỡng được ông cẩn thận đóng thành từng tập. Thời ấy, máy móc và điều kiện khó khăn, nhìn tập ảnh chụp cho đàn con, tôi biết ngay ông “chịu chi” và chu toàn với con của mình như thế nào. Mỗi lần xem lại là một lần khóe mắt người cha già rưng rưng. 

Người ta nói, người ở lại bao giờ cũng buồn hơn người ra đi. Với ông quả đúng thật. Bởi có ai rắn rỏi nổi khi tới 24 lần tiễn 24 đứa con ra khỏi thềm nhà, có lúc còn chẳng biết ngày nào gặp lại. Trong trang nhật ký về Phương, ông quặn thắt kể về đêm chia tay đứa con gái nuôi đầu lòng: “Phương không chịu đi với mẹ đẻ và chị vì vậy phải nói chở 3 mẹ con đi chơi thì Phương đi ngay. Nhưng về đến nhà ông nội, Phương khóc không chịu xuống xe. Đêm ấy mẹ khóc nhiều, ba buồn không ngủ, cả nhà như mất một cái gì đó rất lớn…Mỗi lần Thụy (con trai) đến thăm, Phương đều mừng rỡ và đòi anh Thụy chở về nhà..”.

Giọng chùng xuống, ông nói, khủng hoảng nhất là lần chia tay Nguyễn Công Tâm, cậu bé bị mẹ đẻ bỏ đi khi mới chào đời một ngày ở Bệnh viện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam). Tâm được một người đàn ông nước ngoài nhận nuôi. Cuộc chia ly năm ấy khiến cả nhà như cắt từng khúc ruột bởi đứa con thơ dại sẽ đi sang vùng trời biền biệt. Giờ nhắc đến Tâm, ông vẫn nhói lòng bởi không một tin tức.

Hỏi ông có thường liên hệ với các con của mình không, ông nở nụ cười phúc hậu, bảo có đứa về thăm, có đứa gọi điện, đều là các con chủ động. Người cha hơn 2 thập kỷ chăm lo cho đàn con không đếm công kể của cứ lo xa, sợ con phiền hà nếu mình tìm đến. “Lâu lâu nghe tin đứa này cưới, đứa kia dựng nhà, vợ chồng tôi mừng khôn xiết. Cha mẹ nào chẳng mong con khôn lớn, trưởng thành và hạnh phúc. Thậm chí giờ các con có khó khăn, nếu giúp được thì tôi vẫn sẵn lòng”, ông tâm tình. 

Chuyện cảm động về người 14 năm nuôi con hộ một người xa lạ

Cuộc sống khó khăn, cực chẳng đã, người phụ nữ ấy phải lên Hà Nội làm thuê đủ các việc để kiếm đồng ra đồng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Trần ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN