Xôn xao clip trả điện thoại cho cô gái rồi đòi “tiền công”, luật sư cảnh báo coi chừng ngồi tù
Mới đây, trên mạng xã hội Facebook lan truyền clip và thông tin một vụ việc nhặt được của rơi đem trả lại đòi tiền công khiến người dùng mạng xã hội bất bình.
Clip lan truyền trên mạng xã hội
Theo nội dung chia sẻ, một phụ xe khách nhặt được một chiếc điện thoại có giá trị lớn. Người này đã liên lạc lại với người đánh rơi và có lòng mang trả. Địa điểm gặp ở chân cầu Thanh Trì (Hà Nội).
Tuy nhiên, khi gặp khổ chủ của chiếc điện thoại là một nữ sinh, người phụ xe khách đã đòi tiền công trả đồ. Ban đầu, phụ xe đòi 2 triệu đồng, sau đó giảm xuống còn 1,5 triệu đồng. Ngay lúc đó, một người đàn ông thấy chuyện bất bình nên đã xuống xe khuyên cô gái tới công an phường giải quyết vì cho rằng số tiền mà người phụ xe đòi quá lớn. Sau đó, phụ xe khách đã đồng ý cầm 500.000 đồng, trả điện thoại cho cô gái và rời đi.
Theo nội dung đoạn clip, một người đàn ông nói cho rằng, chiếc điện thoại trị giá 7-8 triệu, mình chỉ lấy 1,5 triệu là tiền “công cầm lên”.
Người phụ xe đòi tiền chuộc mới trả lại điện thoại 2 nữ sinh. Ảnh chụp màn hình
Thông tin phụ xe đòi tiền công mang trả lại điện thoại cho nữ sinh được chia sẻ trên nhiều trang Facebook đã thu hút nhiều bình luận. Chưa rõ thực hư câu chuyện nhưng rất nhiều ý kiến bày tỏ sự bức xúc, lên án hành vi đòi tiền khi đi trả lại điện thoại cho người đánh mất.
Từ vụ việc trên, nhiều độc giả thắc mắc, hành vi nhặt được của rơi không trả lại cho người đánh mất sẽ bị xử lý thế nào? Trường hợp đòi tiền từ người mất của mới trả lại đồ thì bị xử lý ra sao?
Trao đổi với PV về thắc mắc trên, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng luật sư Tinh thông luật cho biết, giả sử sự việc đang lan truyền trên mạng xã hội là đúng sự thật thì người phụ xe trong clip có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự.
Theo luật sư Bình, Nghị định 144/2021 (Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình), người nào chiếm giữ trái phép tài sản của người khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Ngoài ra, người chiếm giữ trái phép tài sản còn buộc phải trả lại tài sản mà mình chiếm giữ trái phép.
Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng VP luật sư Tinh thông luật (Đoàn luật sư TP HCM)
Luật sư Bình cho biết thêm, trong trường hợp nhặt được tài sản có trị giá từ 10 triệu đồng trở lên nhưng cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm, thì người nhặt được tài sản có thể bị xử lý hình sự về tội “Chiếm giữ trái phép tài sản”, Bộ luật Hình sự.
“Mức án cao nhất ở tội danh này là phạt tù đến 5 năm tù giam nếu giá trị tài sản người nhặt được cố tình không trả lại có giá trị trên 200 triệu đồng”, luật sư Bình nói.
Bên cạnh đó, luật sư Bình cũng nhận định, trường hợp sự việc lan truyền trên mạng xã hội là sự thật thì người đàn ông đòi “trả công” mới trả điện thoại có dấu hiệu của hành vi cưỡng đoạt tài sản.
“Trong trường hợp bị xác định có hành vi cưỡng đoạt nhưng chưa tới mức xử lý hình sự, người nhặt được của rơi có thể bị phạt hành chính từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng theo Nghị định 144/2021.
Tuy nhiên, trong trường hợp người nhặt được của rơi có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần để đòi tiền chủ sở hữu món đồ bị mất thì có thể bị xử lý hình sự về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo điều 170 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt nhẹ nhất là từ 1-5 năm tù”, luật sư Bình cảnh báo.
Cho rằng cô gái không nhường ghế trên xe buýt cho con mình, bà mẹ đã chụp ảnh cô gái đăng lên mạng xã hội để “bóc phốt”.
Nguồn: [Link nguồn]