Xóm Việt kiều lay lắt trên sông

Chợ nổi Long Xuyên (An Giang) ngày đêm hoạt động rôm rả, cặp mé bờ là dãy bè lụp xụp, rách nát sống lay lắt trên sông. Đó chính là nơi sinh sống của gần 40 hộ gia đình với hơn trăm nhân khẩu Việt kiều hồi hương từ Campuchia về.

Xóm Việt kiều lay lắt trên sông - 1

Xóm "Việt kiều" ở chợ nổi Long Xuyên.

Sau mấy chục năm mưu sinh ở Campuchia, những Việt kiều trở về quê nhà mong được an cư lạc nghiệp, nhưng, thực tế họ đang phải sống lay lắt trên sông. Họ khao khát một cuộc sống bình thường, được xã hội công nhận để con cháu được làm việc, học hành. Ước mơ giản dị đó dường như quá… xa vời.

Lay lắt

“Ghe nước rò rỉ chảy vô phải tát 4-5 lần kẻo chìm. Tôi thức suốt đêm canh nước cho vợ con ngủ. Bây giờ muốn sang Campuchia làm thuê trở lại nhưng ở nhà mẹ già, vợ sắp sinh và 4 con nhỏ như thế này bỏ đi… không đành” ông Nguyễn Viết Hoàng Hiệp mở đầu câu chuyện về gia đình mình. Theo ông Hiệp, nếu ở lại thì lấy đâu ra tiền nuôi con. Hơn nữa, phải chi có giấy tờ tùy thân để xin việc ở địa phương. Lúc đó, vừa kiếm tiền nuôi con, vừa lo việc nhà thì đỡ khổ hơn.

 Gia đình ông Hiệp từ Biển Hồ thuộc tỉnh Pur Sat (Campuchia) hồi hương về sống ở chợ nổi Long Xuyên, thuộc phường Mỹ Phước (TP Long Xuyên, An Giang) từ năm 2009 đến nay. Gia đình 7 người, gồm: mẹ vợ, vợ chồng ông và 4 con nhỏ, chưa kể vợ ông đang mang thai đứa thứ năm gần 6 tháng. “Mái nhà” trên chiếc ghe hơn tấn, cũ kỹ, mỗi lần ghe lớn chạy ngang lắc lư, ngồi hồi hộp sợ văng xuống sông. Ông Hiệp cho biết, dưới lườn ghe “lợp” 4 lớp cao su cho đỡ vô nước nhưng giờ đã rệu rã. Ông không có chứng minh nhân dân, hộ khẩu nên không xin việc trong các Cty được. Vì thế, ông phải sang Campuchia làm thuê để gửi tiền về nuôi con, vài tháng mới về thăm nhà một lần. Ông Hiệp về nhà trước tết sum họp với gia đình, dự tính qua tết sẽ sang Campuchia làm trở lại nhưng lo chiếc ghe có thể chìm bất cứ lúc nào nên ông dùng dằng chưa đi vì lo cho sự an nguy của cả nhà. “Từ khi gia đình trở về đây sinh sống tôi đã trình báo chính quyền để mong họ xác nhận cấp hộ khẩu nhưng không được chấp nhận nên sống tạm bợ trên sông cho đến giờ”, ông Hiệp than thở.

Mẹ vợ của ông Hiệp, bà Nguyễn Thị Nguyệt năm nay 66 tuổi, ngồi giữ 4 đứa cháu ngoại trên ghe. Bà kể, tổ tiên ông bà ở Châu Đốc, đến 1975 cùng cha mẹ sang Campuchia sống bằng nghề giăng câu, lưới. Bên đó, khắc khổ làm không có ăn, còn phải đóng thuế nên tìm cách trở về quê hương an cư lạc nghiệp. Bà cũng cho biết, ở bên Campuchia, bà còn có 2 người con nữa nhưng chưa có điều kiện để trở về đây. “Bên đó, khoảng 3 giờ sáng là thức dậy đi thả lưới đến chiều tối mới về, nhưng giờ cá cạn kiệt, ngày kiếm vài chục ngàn riel (hơn trăm ngàn tiền Việt) mà phải đóng thuế cho nhà nước gần một nửa. Con gọi điện than muốn về quê hương sống gần cha mẹ nhưng không có tiền về”, bà Nguyệt tâm sự.

Ngồi trên ghe bồng bềnh, nhìn ra trước mặt là dãy ghe lớn chất đầy hàng hóa nhưng lòng bà đầy lo lắng. Bà Nguyệt nói: “Ở giữa sông vậy chứ họ ngủ yên do ghe lớn, mưa gió hay sóng đánh chẳng thấm thía gì. Còn ở đây, tối sóng vỗ ghe nghiêng ngả không ngủ được vì sợ chìm. Nhiều lần sóng đánh, nước tràn vào ào ào, cháu ngoại sợ khóc í ới rồi cả nhà cuống cuồng bế cháu lội vào bờ. Lúc đó, may nhờ hàng xóm nhảy xuống sông tiếp cứu”...

Bà Nguyệt cho biết, cách nay 3 năm, nghe người ta chỉ trên khu dân cư ở phường Mỹ Phước có bãi đất trống không ai ở nên gia đình kéo nhau về đó phát hoang, cất chòi sống tạm nhưng mới được vài ngày bị chính quyền đuổi, phải thuê nhà trọ ở được 2 tháng. Trên bờ, không làm ra tiền nên vay nóng bên ngoài 3 triệu đồng mua ghe cũ rồi cả nhà kéo nhau xuống sông tới giờ.

Chập tối, con gái bà Nguyệt là bà Trần Thị Oanh về đến nhà trên chiếc ghe nhỏ gắn máy Honda chạy quanh chợ nổi bán mồi nhậu (bò viên, tàu hủ chiên, cháo vịt). Bà Oanh người gầy nhom, nước da ngăm đen do suốt ngày chường mặt với nắng gió. Bà cho biết, mới vay được 2 triệu đồng mua đồ bán, mỗi ngày trả góp 60 ngàn đồng. “Tôi chạy từ sáng đến giờ bán chưa được trăm ngàn. Giờ ghé nhà tắm rửa và cho con ăn uống xong sẽ đi bán tiếp, mong bán hết sớm để có tiền trả góp và mua gạo ăn”, bà Oanh than thở.

Xóm Việt kiều lay lắt trên sông - 2

 Hai con ông Lê Văn Tèo trong mái ghe hoai mục.

Theo lời bà Oanh, mỗi ngày bán từ sáng sớm đến 21 giờ tối mới về, lời trên dưới trăm ngàn. Hôm bán đắt hết sớm có tiền trả góp, còn gặp những ngày mưa gió, ế ẩm thì cả nhà ăn cháo thay cơm. Bà kể, hôm tết, chiếc ghe chưa đầy tấn của bà hằng ngày đi bán có trang bị tủ kính để đựng thức ăn. Không may, tối bị gió giật mạnh đứt dây đập vào ghe khác chìm, kính vỡ tan nát. Cả tháng sau mới vay được tiền sửa lại.

Hầu hết người dân ở đây đều sử dụng nước sông để sinh hoạt từ tắm giặt, nấu ăn. Vào mùa mưa bão, khi trời nổi giông là cả xóm lo sợ nhà mình bị chìm vì dãy bè đều đã rã rời. “Bản thân mình là người lớn còn đỡ, lỡ có chìm thì cũng lội lên bờ được, chỉ tội cho con nhỏ chưa biết bơi, xoay xở không kịp là hối hận. Hôm nào mưa suốt đêm là khỏi ngủ vì trong ghe chỗ nào cũng dột”, bà Oanh nói. Không những thế, bà Oanh còn kể, mấy năm trước cũng trên đoạn sông này, có trường hợp cha mẹ mải lo làm không để ý, con ngồi sau ghe bị sóng đánh rơi xuống sông chết. 

Sống bằng thứ... vứt đi

Ngồi trên ghe của bà Nguyệt, chúng tôi còn gặp ông Lê Văn Tèo cũng vừa đi làm thuê về. Cơm nước xong, ông bơi ghe sang trò chuyện. Ông Tèo cũng từ bên Campuchia về đây ngót 7 năm. Ông kể, bên đó khó sống, hằng ngày thức từ sáng sớm đi giăng lưới nhưng giờ cá cũng kiệt. Chưa kể, họ phát hiện mình giăng lưới không đúng quy định sẽ bắt phạt nặng, nếu không có tiền đóng phải ở tù. “Ở đây ai cũng khổ nhưng được cái đoàn kết là mỗi khi đi làm thuê xa vài ngày mà trong nhà thiếu gạo là sang nhà hàng xóm mượn đỡ, hay đêm hôm có sóng to làm chìm ghe là cả xóm nhảy xuống sông cứu giúp, bất chấp gió mưa”, ông Tèo nói.

Xóm Việt kiều lay lắt trên sông - 3

Những đứa trẻ thất học ở xóm Việt kiều.

Ông Tèo cũng không giấy tờ nên làm thuê đủ nghề để sống. Ông cho biết, cực nhất là nghề lặn mò cá tra chết trong ghe đục. Ông Tèo mặt mày đen nhẻm, giơ hai bàn tay chai sạn và đầy vết thương do cá đâm trúng cho chúng tôi xem. “Nhiều đêm, từ 4 giờ khuya là ngâm mình trong nước để lặn mò cá chết dưới ghe đến 10 giờ sáng được 200 ngàn đồng. Vào mùa gió bấc, nửa đêm nhảy xuống đáy ghe khoảng 100 tấn, lạnh run bần bật, mặt mày tím tái, lúc lên bờ không cầm nổi điếu thuốc”, ông Tèo tâm sự.

Theo lời ông Tèo, cá tra trong ghe đậu cặp sông chờ lên nhà máy chế biến ở Long Xuyên, trong lúc chờ đến lượt thì cá bị ngộp chết. Chủ ghe sợ ảnh hưởng cả lô hàng nên thuê lặn bắt mấy con đó vứt ra ngoài cho đỡ thối. “Khi lặn sâu dưới đáy ghe, cá tra gặp người chạy loạn xạ đâm vào cơ thể đau điếng nhưng cũng phải ôm đầu núp vô ghe chịu trận.  Đợi khi nào cá ổn định mới mò bắt cá chết tiếp. Chưa hết, có lần đang lặn bị đứt ống hơi, suýt chết”, ông kể về công việc của mình.

Vợ chồng ông Tèo sống trên chiếc ghe chưa đầy tấn, gắn 4 thùng phuy vào 4 góc cho cân bằng rồi lót ván lên đóng vách cao su để che mưa, nắng, ông Tèo tâm sự: “Nói nhà cho oai vậy chứ chỉ đủ 2 vợ chồng và 2 đứa con ở. Khách đến không dám mời về nhà vì sợ chìm ghe”. Ông cho biết, hằng ngày, sau khi đi làm thuê về, anh em ở đây xúm xít qua lại trò chuyện cho khuây khỏa. Anh em tính nhiều thứ để vươn lên thoát nghèo, nhưng bản thân không giấy tờ nên chẳng ai thuê làm được gì.

Cùng xóm, bà Trần Thị Tha, 53 tuổi hằng ngày bơi ghe đi lên xóm trên chờ chủ ghe vứt cá thối xuống sông để vớt về bán. Bà cho biết, đi từ sáng sớm đến chiều tối mới về, ngày kiếm được vài chục ngàn, thứ bà kiếm là cá tra trong ghe chết thối, bốc mùi nồng nặc, chủ ghe không sử dụng được nữa nên quăng ra sông. Bà chực ở đó vớt về bán cho người ta xay làm thức ăn cho cá. “Sống nhờ thứ người khác vứt đi khổ lắm, bữa đói bữa no. Tôi mơ ước có được hộ khẩu để con cháu lên bờ đi làm công nhân, trẻ nhỏ được học hành chứ như thế này tương lai mịt mờ lắm”, bà Tha buồn bã. Ở đây hầu hết từ nam phụ lão ấu đều mù chữ. Thế nên con đường sáng nào cho họ là câu hỏi hiện thời chưa có lời giải.

Ông Huỳnh Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND phường Mỹ Phước cho biết, những cư dân Việt kiều sống bất hợp pháp, không giấy tờ tùy thân nên không cấp đất xây nhà tái định cư được. “Địa phương muốn giúp đỡ các cháu nhưng không thể làm được vì nếu giúp chẳng khác nào mình chấp nhận cái sai, như thế sợ cấp trên quở trách”, ông Hùng nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hòa Hội (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN