Xóm Việt kiều bên "cầu Sài Gòn"

Sự kiện: 24h vạn dặm

Nếu một du khách nào đó quay phim nơi này mà không chú thích là đang ở Campuchia thì nhiều người sẽ lầm tưởng đây là một khu chợ Việt Nam

15 giờ, chiếc xe khách từ TP HCM đến thủ đô Phnom Penh - Campuchia, tài xế thông báo vài phút nữa xe dừng trả khách tại khu "cầu Sài Gòn". Hơn một nửa hành khách lập tức sửa soạn đồ đạc để xuống xe.

Hồn Việt ở Campuchia

Anh Tú, tài xế xe khách, cho biết cây cầu này có tên Chba Om Pau nhưng người dân Campuchia và người gốc Việt quen miệng gọi là "cầu Sài Gòn". Người ta cho rằng muốn về Việt Nam phải đi qua cây cầu này và hơn nữa, nơi đây tập trung rất đông người gốc Việt. Theo lời anh Tú, trong bán kính 5 km từ cây cầu này hầu như đều là người gốc Việt sinh sống.

Nếu một du khách nào đó quay phim nơi này mà không chú thích là đang ở Campuchia thì ắt hẳn nhiều người sẽ lầm tưởng đây là khu chợ nào đó của Việt Nam. Từ đại lộ Monivong rẽ trái, hai bên đường có hàng chục quán ăn treo kín những bảng hiệu như "phở Bắc", "bún riêu", "bún mắm miền Tây"... Đi sâu vào trong gặp rất nhiều quán cà phê, karaoke rộn ràng những bài nhạc xuân.

Người dân ở đây chủ yếu làm nghề buôn bán. Từ đó, chính quyền Campuchia đã giải tỏa một khu đất hơn 8 ha để mở một khu chợ và khu phố ẩm thực đêm. Những ngày cuối tuần rất đông người Campuchia đón xe tuk tuk đến thưởng thức món Việt.

Tiệm Ăn vặt Campuchia của chị Trần Thị Hồng (32 tuổi) được cho là nổi tiếng nhất ở khu ăn uống này. Những món như bánh tráng trộn, bánh mì nướng muối ớt, mực chiên nước mắm... tại đây một thời khiến giới trẻ Campuchia phải xếp hàng mua.

Cô Lý Thị Thảo cùng học sinh gốc Việt tại Trường Ánh Sáng

Cô Lý Thị Thảo cùng học sinh gốc Việt tại Trường Ánh Sáng

Chị Hồng kể: "Ba mẹ tôi là người Việt Nam và sinh tôi ở Campuchia. Sống với người Việt từ nhỏ nên tôi nói rặt tiếng Việt. Giờ hỏi quê ở đâu thì chỉ biết trả lời là đâu đó ở quận 10, TP HCM". Dẫu sống ở Campuchia lâu năm nhưng với chị Hồng, từ cách sinh hoạt đến món ăn hằng ngày trong nhà luôn đậm chất Việt, chẳng hạn ăn cơm phải có nước mắm cá biển, đám giỗ phải có bánh ít lá gai.

Theo chị Hồng, tại xóm "cầu Sài Gòn" tồn tại 2 thế giới khác nhau. Những người gốc Việt có thu nhập trung bình thuê nhà mặt tiền để làm ăn. Là những người sống ở đây trước năm 2000, khi kinh tế ổn định, họ di chuyển vào trung tâm Phnom Penh.

Số còn lại là những gia đình nghèo từng sống trên sông nước, sau này lên đất liền lập nghiệp nhưng không biết chữ hoặc không có vốn liếng nên phải tụ lại ở sâu bên trong.

Đời con thay đổi

Từ đường lớn có đến mười mấy con hẻm nhỏ xẻ dọc, xẻ ngang dẫn vào những căn nhà làm bằng ván ép và vách tôn cũ. Chúng tôi ghé vào nhà chị Lý Thị Kiều (39 tuổi).

Trước đây, cả gia đình chị sống trên sông Mê Kông bằng nghề đánh bắt cá. Nguồn cá cạn nên cả nhà dời lên đất liền, đến đây thuê đất với chi phí 180.000 riel/năm (khoảng 1 triệu đồng) và sinh sống bằng nghề buôn bán ve chai.

"Nhặt ve chai cực vậy mà ổn. Nghe đâu xóm này người ta đến và đi liên tục. Ban đầu không có vốn thì thuê đất dựng tạm nhà ở, bán buôn vài năm dời ra mặt tiền "cầu Sài Gòn", đến lúc khấm khá thì vào phố mà sống" - chị Kiều kỳ vọng.

Thế hệ đầu người gốc Việt và thế hệ thứ hai (từ 30 tuổi trở lên) ở đây vẫn còn rất đông người mù chữ. Tuy nhiên, những đứa trẻ của thế hệ thứ ba được đến trường đầy đủ. Chỉ trong khu vực nhỏ này đã có 8 trường dạy cho trẻ em Việt Nam.

Xung quanh khu vực cầu Chba Om Pau có đúc người gốc Việt sinh sống nên nhiều người gọi đây là “cầu Sài Gòn”

Xung quanh khu vực cầu Chba Om Pau có đúc người gốc Việt sinh sống nên nhiều người gọi đây là “cầu Sài Gòn”

Đặc biệt nhất phải kể đến Trường Ánh Sáng do 2 cô giáo gốc Việt mở ra. Cô Lý Thị Thảo chia sẻ mục đích mở trường là muốn giúp những đứa trẻ từ 4-12 tuổi biết đọc và biết viết. Đa phần xuất thân từ gia đình nghèo, mỗi trẻ đến lớp mang theo 1.000 riel (hơn 5.500 đồng) để đóng học phí, đi học ngày nào nộp ngày đó.

 Tiền này chỉ để phụ 2 cô giáo trả tiền điện, nước, còn công dạy gần như miễn phí. "Bằng mọi giá phải cho tụi nhỏ đi học để thay đổi cuộc đời. Thế hệ trước đó vì thiếu chữ mà cuộc sống khó khăn" - cô Thảo tâm sự.

Bản thân chị Trần Thị Hồng có 2 con, đều gửi vào một trường học Việt Nam cách nhà hơn 2 km. Ở đó, cô giáo và học trò là người Việt và chương trình học theo sách Campuchia. Tụi nhỏ cùng lúc thạo cả 2 thứ tiếng.

Từ xóm "Cầu Sài Gòn" có không ít những đứa trẻ gốc Việt thành danh. Người dân Campuchia kháo nhau rằng ở xóm này có mấy bác sĩ Việt Nam rất giỏi. Hễ ca nào sinh khó thì chạy đến nhà hộ sinh của bác sĩ Thành nằm ngay bên phải chân cầu; ai đau bụng, cảm mạo thì tìm bác sĩ Minh ở nhà lồng chợ... 

Chính quyền địa phương tạo điều kiện

Ông Sim Chy, Chủ tịch Hội Khmer - Việt Nam tại Campuchia, cho biết khu vực cầu Chba Om Pau có hàng ngàn người gốc Việt sinh sống, cuộc sống trước đây khó khăn do họ không có quốc tịch và giấy chứng nhận.

Những năm qua, chính quyền Campuchia khuyến khích người gốc Việt sống trên sông di dời lên bờ định cư. Hội cùng với chính quyền nước bạn đã hỗ trợ về việc nhập tịch cũng như cấp giấy đăng ký ngoại kiều và thẻ thường trú dành cho người nước ngoài thuộc diện nhập cư. Ông Sim Chy thông tin: "Mỗi năm có nhiều đợt cấp học bổng cho con em gốc Việt học giỏi. Các dịp lễ lớn ở Việt Nam và Campuchia, chúng tôi thường tổ chức các buổi tặng quà. Bây giờ chất lượng sống thay đổi hơn nhiều".

Người dân xóm "cầu Sài Gòn" kể thi thoảng lại có những chiếc xe tải chở gạo và gia vị đậu ngay xóm nghèo phía bờ sông. Người dân túa ra đó để nhận phần lộc. Họ ngầm hiểu người mang quà đến chính là người gốc Việt từng có thời gian sống ở đây.

Những xóm nghề tha hương: “Chạy dây” mưu sinh

Vì miếng cơm manh áo và cả khát vọng đổi đời, nhiều người dân tứ xứ đã rời xa gia đình để đến TPHCM. Họ cùng đi theo nhóm và mang theo những nghề nghiệp vốn có của mình...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Phong ([Tên nguồn])
24h vạn dặm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN