“Xóm trọ đầu trọc” ổ chuột có giá…đắt như khách sạn
Đã nhiều năm nay, hàng nghìn bệnh nhân bị ung thư từ khắp nơi đổ về TP.HCM đã quá quen với cảnh sống chen chúc trong những khu nhà trọ xập xệ, không khác gì ổ chuột nhưng lại có giá ngang ngửa với những khách sạn.
Xóm ổ chuột có giá khách sạn
Khu nhà trọ trong hẻm số 5, đường Nơ Trang Long, P.14, Q. Bình Thạnh ngoằn nghèo, hun hút. Nếu như không nhìn thấy những chữ “cho thuê phòng trọ” treo ngay lối vào thì khó lòng mà nhận ra rằng đằng sau những tiệm cắt tóc, quán ăn, cửa hàng bán thuốc tây ấy… lại có vô số nhà trọ cho bệnh nhân thuê.
Đa phần người đến thuê là phụ nữ và trẻ em bị mắc bệnh ung thư đầu trọc lóc đang được theo dõi và điều trị tại Bệnh viện Ung Bướu. Bởi vậy mà khi có người thân tìm thăm, các bác xe ôm hay những cô hàng nước thường nói: “Tìm xóm trọ đầu trọc phải không?”.
Dừng chân tại một quán cắt tóc tại cuối con hẻm này và ngỏ ý muốn thuê phòng trọ để tiện chữa bệnh cho mẹ, chúng tôi được chị chủ quán nói ngay: “Ở đây hết ghế bố rồi nha, chỉ còn phòng VIP thôi. Em thuê chị lấy giá hữu nghị cho”.
Căn phòng VIP mà chị chủ quán “lăng xê” ban đầu là phòng riêng, sạch sẽ, có giường đệm và tivi. Nhưng đến khi vào trong chúng tôi mới tá hỏa vì căn phòng rộng chưa đầy 10m2, chỉ có độc một chiếc tivi màu nhỏ và đủ kê một chiếc giường đơn với một chiếc đệm cũ mốc cũ meo. Xung quanh phòng là những ván gỗ mỏng được lắp ghép sơ sài. Trong khi đó, mùi thức ăn, mùi người, mùi nhà vệ sinh quyện vào nhau trong thời tiết oi bức của mùa hè lúc nào cũng chực xộc vào mũi. Thấy vậy chị chủ quán cười nói: “Ở mấy bữa rồi quen thôi. Có người ở cả năm trời chẳng sao đâu”.
“Giá hữu nghị” ở đây lên đến 180.000 đồng/ngày. Nếu thuê theo tháng, giá được chủ trọ giảm xuống chỉ còn khoảng 2,5 – 3 triệu/tháng. Có tổng cộng 5 phòng VIP và một phòng tập thể gồm 10 chiếc ghế bố kê sát nhau. Mọi sinh hoạt chung như tắm giặt, vệ sinh đều chỉ gói gọn trong một công trình phụ duy nhất ở cuối dãy.
Lấy lý do còn hơn một tuần nữa mẹ mới xuống Sài Gòn chữa bệnh, chúng tôi tới một nhà trọ khác ở đầu hẻm. Chưa kịp hỏi han, vài người đàn ông đã bám theo, kéo tay chúng tôi vào một quán internet với mục đích cho thuê phòng. Người đàn ông xưng tên Tú chỉ vào bên trong quán cho biết, vẫn còn 1 phòng VIP, 1 phòng bình dân trống và 1 phòng tập thể trên lầu.
Dù có giá cắt cổ nhưng nhiều người vẫn chấp nhận vì nhà trọ gần bệnh viện, tiện đi lại
Phòng VIP ở đây có kết cấu khá giống với nhà trọ trước. Phòng bình dân thì có chừng chục chiếc ghế bố với la liệt người bệnh nằm chen chúc nhau. Riêng phòng tập thể trên lầu không có giường cũng như ghế bố, bệnh nhân phải trải chiếu nằm trong căn phòng rộng chừng 15m2 nhưng có đến hơn 10 người tá túc.
Nằm ghế bố có giá 40.000 đồng/ngày, nằm chiếu giá rẻ hơn với 30.000 đồng/ngày. Còn giá phòng VIP từ 180.000 – 200.000 đồng/ngày. Riêng nghỉ trưa, giá chỉ có 80.000 đồng. Khi PV thắc mắc giá thuê ở đây đắt như ở khách sạn, anh Tú liền cáu gắt nói: “Thế thì ra khách sạn mà ở… Muốn tiện lợi, gần bệnh viện mà còn chê. Có ối người đang cuống cuồng đi tìm nhà trọ gần bệnh viện mà không có đấy”.
Chốn dung thân cuối đời
Theo ghi nhận của PV, ngoài những con hẻm trên đường Nơ Trang Long còn có hàng trăm nhà trọ lớn nhỏ cho bệnh nhân thuê ở gần bệnh viện Ung Bướu trên đường Trần Văn Kỷ, Bạch Đằng, Phan Đăng Lưu… Hầu hết, các nhà trọ được xây dựng rất tạm bợ, xập xệ và ngày càng xuống cấp trầm trọng. Có những dãy nhà gần khu đổ rác, ẩm ướt, bốc mùi hôi thối. Các phòng là những ván gỗ ép lỏng lẻo, chăn màn cáu bẩn, được dùng không biết bao nhiêu lượt người. Thế nhưng, trái ngược với chất lượng ổ chuột đây, các chủ nhà trọ thi nhau hét giá đắt ngang với những khách sạn.
Nhiều người không chịu được giá tại các khu nhà trọ đành lấy bệnh viện làm nhà, hành lang làm giường trong những ngày mưa gió
Bởi vậy mà có người không chịu được “nhiệt” đã phải âm thầm chịu cảnh lấy bệnh viện làm nhà, hành lang bệnh viện làm giường trong những ngày mưa nắng. Cô Nguyễn Thị Là, 51 tuổi, ngụ tại An Giang cho hay, cô bị ung thư vú và điều trị tại Bệnh viện Ung Bướu đã 2 năm nay. Song do bệnh viện quá đông người nên cô không được nằm trong danh sách được điều trị nội trú. Hai vợ chồng cô Là đành bàn nhau đi thuê nhà trọ ở bên ngoài. Thuê được 3 hôm thì hai vợ chồng đành chạy vào bệnh viện nương náu.
“Ở đấy mắc quá, không chịu nổi nên tôi mới phải ra đây. 2 năm nay tôi cùng chồng cứ vạ vật ở khắp các hành lang bệnh viện. Ngày nắng thì còn đỡ, chứ ngày mưa khổ sở lắm. Đang đêm nằm mà mưa hắt vào người phải nhỏm dậy lấy chiếu che mưa. Có hôm mưa to quá, tràn vào hết hành lang, chúng tôi đành co ro trên những chiếc ghế ngồi chờ trong bệnh viện”, cô Là chua xót nói.
Không được may mắn như cô Là, nhiều người phải tìm đến những nhà trọ này vì ngay cả những hành lang cũng không còn chỗ cho họ. Anh Tình kể, cha anh bị ung thư phổi nên phải thường xuyên đến bệnh viện chữa bệnh. Với số tiền ít ỏi, anh không dám thuê phòng VIP mà chỉ thuê ghế bố với giá 40.000 đồng cho 2 bố con và nằm chung phòng với hơn 10 người nữa. Phòng nhỏ, không có cửa sổ nên rất bí bách, nhiều lần anh Tình định chuyển nơi ở cho cha nhưng cuối cùng đành căn răng chịu đựng chỉ vì ở gần bệnh viện, tiện đường đi lại.
Đắng lòng hơn là có những bệnh nhân coi đây là chốn dung thân cuối cuộc đời của mình. Anh Tâm đang cùng cậu con trai 6 tuổi trọ tại đây chia sẻ, mới tháng trước một cặp ông bố trẻ và đứa con gái bị ung thư máu vẫn còn ở cùng phòng trọ. Vậy mà nay, cháu bé đã vĩnh viễn lìa xa cõi đời này.
Thế nên các ông bố, bà mẹ có chung hoàn cảnh thường sống trong nỗi phập phồng, lo sợ rằng không biết khi nào thì con mình sẽ ra đi. Bởi những căn bệnh ung thư quái ác đó có thể cướp đi sinh mạng của một người bất cứ lúc nào. Cũng vì vậy mà người đến trọ cũng rất đông, người mất đi cũng nhiều. Chỗ cũ chưa nguội hơi đã có người mới lấp vào.