Xóm chài cuối cùng ở Sài Gòn
Nếu có dịp đi qua và nhìn xuống dưới chân cầu Bình Lợi (P.13, Q.Bình Thạnh, TP HCM), du khách sẽ thấy có mấy chiếc thuyền chài cũ kỹ đang neo đậu. Đó có thể là những chiếc thuyền chài cuối cùng, của những ngư dân cuối cùng, sống nhờ nghề chài lưới trên sông Sài Gòn.
Tôi loạng choạng bước xuống chiếc thuyền cũ nát, đậu sát bờ của ông Bùi Văn Bảy, lúc ông đang ngồi cặm cụi bên đống lưới. Nghe tiếng bước chân, ông cất tiếng hỏi mà không ngẩng đầu lên: “Ai dzậy? Thuyền nhỏ, không chắc đâu, coi chừng té đó nghen”. Tôi cười chào ông và giới thiệu. Lúc này ông Bảy mới ngẩng lên nhìn tôi tỏ vẻ ngạc nhiên: “Trời đất, hết chuyện rồi sao mà kiếm tui viết báo dzậy?”. Nói vậy nhưng ông vẫn với tay lấy bình nước sát vách thuyền rót mời tôi và hỏi: “Chú muốn hỏi gì?”. “Dạ, cháu muốn tìm hiểu về xóm chài mình đây…”. Người đàn ông lại phán: “Ối giời, có gì đâu mà tìm hiểu”. Nói vậy, nhưng rồi ông cũng “vẽ” xong cho tôi một bức tranh về xóm chài đang lay lắt bên bờ sông Sài Gòn.
Xóm chài dưới chân cầu Bình Lợi
Nét mặt sạm đen, râu tóc bờm xờm, nhìn người đàn ông này, ít ai nghĩ năm nay ông mới ngoài 50 tuổi. “Ngày xưa, xóm chài này đông vui lắm. Bây giờ chỉ còn gần chục chiếc thuyền. Nước mênh mông vậy chứ ô nhiễm nặng nên cá mú chẳng còn bao nhiêu mà đánh bắt nên mọi người lên bờ kiếm việc hết rồi. Mà cũng chẳng có chỗ neo đậu thuyền. Chỉ còn chỗ này thôi. Mai mốt, cầu Bình Lợi mới làm xong, chúng tôi chắc sẽ bị đuổi nữa. Lúc đó không biết đi đâu”, ông Bảy cám cảnh nói.
Hiện nay, không biết chính xác số nhân khẩu của xóm chài này là bao nhiêu, chỉ biết trên mỗi thuyền có từ 3 đến 7 người. Như vậy, cũng có khoảng hơn ba chục con người đang bám víu vào dòng sông nghèo cá tôm này để sống qua ngày. Đây có lẽ là xóm chài cuối cùng của thành phố này bởi đa số ngư dân trước kia đã chuyển nghề vì nhiều lý do khác nhau. Lúc tôi đến, con nước đang ròng, xuống thấp rất cạn, các thuyền khác bên cạnh cũng phải tìm cách di tản đi nơi khác để đánh bắt, nếu chậm trễ có thể mắc kẹt lại ven bờ cho đến khi nước lớn.
Ông Bảy có 3 người con đều đã lớn và lên bờ kiếm việc làm ổn định. Riêng vợ chồng ông vẫn ngày ngày bám theo từng con nước kiếm sống. “Tui theo nghề chài lưới từ nhỏ, đã gắn bó với nó rồi, giờ bỏ nó nhớ không chịu được. Với lại, tui chẳng biết làm gì ngoài thả lưới, buông câu”, ông cười buồn.
Ông Bảy trước “căn nhà di động” của mình
Mỗi ngày, ông Bảy giong thuyền men theo sông Sài Gòn, ngược lên mạn An Phú Đông (Q.12) để đánh cá. Sau đó lại trở về “quê hương” nằm dưới chân cầu này. Ông bảo, những ngày triều xuống, nước chảy khá mạnh, cá thấy động, thường theo dòng mà di chuyển, đó là dịp để mình kiếm ăn. Nếu may mắn, một ngày có thể kiếm được trăm ngàn. Còn bình thường, một ngày chỉ dăm chục ngàn thôi, bởi hiện nay cá trên sông Sài Gòn (nhiều nhánh sông khác) cũng chẳng còn nhiều.
Lớn lên, lấy vợ, sinh con rồi vẫn ngày ngày quăng lưới. Trước kia, khúc sông này có rất nhiều cá tôm, bạn bè chài lưới đánh cá cũng nhiều. Tối nào bạn bè cũng tụ tập nhậu nhẹt, rất xôm tụ. Với những người lênh đênh sông nước, bến nào cũng là nhà, làm được bao nhiêu, ăn uống hết bấy nhiêu, chẳng lo nghĩ gì nhiều.
2. Ngoài chiếc ghe của đôi vợ chồng ông Bảy, xóm chài này còn có gần chục gia đình khác đang bám vào dòng sông mưu sinh như vợ chồng ông ba Chúc, vừa thả lưới vưa kiêm “nghề” vớt xác trên sông, ông Nguyễn Văn Huân, nhặt ve chai trên sông Sài Gòn, anh Nguyễn Huy Lịch, làm nghề bắt trùn chỉ…
Năm nay 47 tuổi, anh Lịch đã có ngót 20 năm dầm mình dưới dòng nước đen ngòm này. “Làm nghề này cực khổ mà nguy hiểm nữa. Bởi vì trùn chỉ rất thích sống ở khu nước bẩn, nằm sâu dưới lớp bùn. Tìm được ổ trùn, phải lặn sâu dưới nước để vớt. Mỗi ngày làm từ sáng đến chiều. Nếu may có thể kiếm 2 - 3 trăm ngàn đồng. Nhưng nghề này ảnh hưởng đến sức khỏe lắm, tui đi bệnh viện hoài vì bệnh phổi, đau nhức khớp xương. Chưa kể những tai nạn như mảnh chai, sắt rỉ cắt vào chân nhiễm trùng”, anh Lịch nói.
Anh Lịch đang dầm mình vớt trùn chỉ dưới sông
Hiện nay, anh là trụ cột kiếm tiền lo cho cả gia đình, lo cho 2 đứa con ăn học. Theo anh Lịch, trên đoạn sông này hiện có khoảng 30 người làm cái nghề vớt trùn. Anh bảo, sông ô nhiễm, tôm cá biến mất hết, không đi lượm ve chai thì chỉ có cái nghề bắt trùn chỉ này. Cũng may, càng bẩn, trùn chỉ càng sinh sôi.
Không mưu sinh bằng nghề chài lưới, ông Nguyễn Văn Tám, một cư dân khác của xóm chài này, lại kiếm sống bằng cách vớt ve chai trôi nổi trên sông. Ông bảo, mỗi ngày thường chèo thuyền men theo các tấm lục bình, dọc bờ sông vớt chai nhựa đem bán. Hiện nay, những khu du lịch, những nhà hàng ven sông Sài Gòn đang vô cùng hút khách. Người ta ngồi ăn nhậu bên sông, ném vỏ chai xuống là ông chèo thuyền tới lượm. Mỗi cái được 600 đồng. Nếu may mắn, một ngày ông cũng kiếm từ 30 đến 40 ngàn đồng. Ngày cuối tuần có khi được hơn 50 ngàn đồng. |
Mặc dù cuộc sống rất khó khăn, bấp bênh nhưng tình người, sự cảm thông và lòng nhân ái ở xóm chài nhỏ bé này lại đủ đầy. Bà Hinh, một người đã gắn bó với cây cầu này hơn 20 năm tâm sự: Ở đây, tuy chúng tôi là dân ngụ cư, là người tứ xứ sông nước nhưng bà con trên bờ rất quý mến. Vẫn cho mắc điện, dẫn nước ngọt để dùng trong sinh hoạt.
Nói về cuộc sống, bà bảo, sợ nhất là nhìn thấy… xác người. Trong mấy chục năm qua, hai vợ chồng bà đã vớt không dưới 30 cái xác. Kẻ thì từ nơi khác trôi về, người thì đứng trên cầu nhảy xuống. Có lúc, đang đêm nghe tiếng kêu la, hai ông bà lại hối hả chèo thuyền ra. May mắn thì sống sót, run rủi thì sáng hôm sau mới tìm thấy. Về chuyện này, bà cho hay hai vợ chồng bà đã cứu được gần chục người, giờ họ nhận làm con nuôi, vẫn thường thăm hỏi, gửi quà cho gia đình. Hơn nữa, ông bà còn được Ủy ban phường tặng bằng khen.
Mặt sông, nơi tấm lưới của người ngư phủ vừa bủa xuống, như một tấm gương lớn đang in bóng những tòa nhà cao tầng bên bờ sông Sài Gòn in xuống lộng lẫy. Nhìn vào đó, tôi thấy có hai thế giới trái ngược nhau đang tồn tại song song cùng lúc, cùng nơi. Đó là giàu và nghèo.
Mặt trời đã ngả bóng, phía xa xa, cầu Bình Lợi mới với những vòng khung khổng lồ vồng lên, ánh màu đỏ rực, những nhịp bê-tông cuối cùng cũng sắp được hoàn thành. Nhìn cây cầu mang tầm vóc thế kỷ bắc qua sông Sài Gòn, những người dân ở xóm chài này không khỏi chạnh lòng rầu rĩ, bởi khi cây cầu được khánh thành, không biết họ sẽ đi về đâu? Tuy nhiên, đó là chuyện của…ngày mai. Còn hôm nay, mọi người vẫn cứ ở đây, bình yên đến lúc phải rời đi.
Chia tay họ, bước lên khỏi thuyền, thành phố đã lên đèn với ánh sáng lấp lóa từ những tòa cao ốc chọc trời. Một chiếc tàu du lịch sang trọng chạy dọc sông, để lại hai sợi chỉ sóng dài, vắt ngang sông rồi nhanh chóng tan biến, nhìn chiếc thuyền của xóm chài dập dềnh theo sóng, lòng tôi chợt trĩu buồn.