Xới tung bãi rác sâu 10m tìm nguồn phóng xạ bị mất
Chiều 7.4, cán bộ Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Sở KH&CN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và các cơ quan chức năng đã tới Công ty xử lý rác thải Kbec Vina để xác minh thông tin về việc phát hiện nguồn phóng xạ bị mất, từ thông tin của nhân viên công ty này.
Anh Trần Văn Toàn - nhân viên xử lý rác thải của Công ty Kbec Vina (xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành) cho biết: Vào khoảng cuối tháng 6.2014, anh có nhìn thấy một vật giống với nguồn phóng xạ bị mất, ước chừng 7-10kg. Ngoài ra, còn có nhiều người khác cũng nhìn thấy vật này.
Anh Toàn cũng cho biết, thời điểm đó anh Toàn đã trình báo Công an xã Tóc Tiên.
Anh Trần Văn Toàn cho biết chỗ mình chôn vật thể lạ nghi là nguồn phóng xạ bị mất.
Anh Dương Trọng Phương - Phó Công an xã Tóc Tiên, người từng tiếp nhận thông tin từ anh Toàn - cho biết: “Ngay khi nhận được thông tin, Công an xã đã trực tiếp xuống thị sát vật lạ trên. Nghi ngờ là chất gây nổ nên Công an xã đã yêu cầu không được đụng vào vật trên. Sau đó, xã có báo cho bên Huyện đội".
Theo mô tả, vật thể trên có đường kính khoảng 10cm, chiều dài 60cm, có mày trắng, bên trên không phát hiện ra kíp và ở giữa không thấy phát hiện màu vàng cảnh báo như hình ảnh nguồn phóng xạ.
Theo anh Phương, phía Huyện đội xác nhận đó không phải là bom mìn nên không xử lý được. Vì vậy, vật thể được anh Toàn phát hiện lại được chôn xuống bãi rác. Từ đó đến nay đã qua nhiều tháng nên có thể đã nằm sâu 10m dưới bãi rác.
Cục trưởng Vương Hữu Tấn chỉ đạo công tác dò tìm nguồn phóng xạ bị mất.
Về phía cơ quan chức năng, khi được tường thuật lại sự việc, dựa trên những thông tin không trùng khớp với thiết bị chứa nguồn phóng xạ bị mất ở Nhà máy thép Pomina 3, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân Vương Hữu Tấn đề nghị phía Công an huyện Tân Thành ghi lại tường trình của anh Toàn. Sau đó, Đoàn chuyên gia của Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ làm việc một lần nữa với Nhà máy thép Pomina 3 để xác minh lại thông tin một cách chính xác.
Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, ông Tấn cũng không loại trừ khả năng vật thể được chôn là lõi của thiết bị chứa nguồn phóng xạ bị mất và sẽ huy động phương tiện máy móc để đào bới khu vực vật thể được chôn trước đó, để máy dò tìm phóng xạ có thể tiếp cận.
Đến tối 7.4, nguồn phóng xạ bị mất vẫn chưa được tìm thấy.
Theo Lê Mai ([Tên nguồn])