Xóa sổ làng chài
Những phận đời du ngư, bấp bênh sẽ sớm được an cư lạc nghiệp khi tỉnh Thanh Hóa quyết đưa dân lên bờ trong năm 2023
Nhằm đẩy nhanh việc hiện thực hóa mục tiêu đưa toàn bộ dân sông nước lên bờ ổn định cuộc sống, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chỉ đạo các địa phương đang có dân sống trên sông tập trung đẩy nhanh tiến độ giao đất, bố trí tái định cư, hỗ trợ tiền xây nhà.
Thoát cảnh lênh đênh mừng lắm!
Đứng trên triền đê phóng tầm mắt xuống dòng sông Chu có thể dễ dàng thấy một làng chài nhỏ với hơn 10 con thuyền nối đuôi nhau neo đậu. Những con thuyền đơn sơ ấy chính là nhà, nơi cư ngụ của hàng chục hộ dân xóm vạn chài Thủy Cơ, xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa suốt bao năm qua.
Bà Nguyễn Thị Lạy vui mừng khi nhà nước quan tâm cấp đất, làm nhà ở
Ở xóm chài này, người lớn tuổi nhất, chứng kiến bao thế hệ sinh ra và lớn lên, sự thăng trầm theo năm tháng của làng là cụ Nguyễn Thị Lạy. Năm nay, cụ đã 82 tuổi, suốt chừng ấy năm, cụ gắn đời mình với con thuyền, với nghề sông nước. Sinh được 7 người con, chồng mất sớm, cụ nhờ dòng sông cho tôm, cá để nuôi các con lớn khôn, trưởng thành.
Nhưng cuộc sống sông nước lênh đênh, miếng ăn còn phải lo từng bữa nên đến lúc sắp "gần đất xa trời", cụ vẫn không có một miếng đất cắm dùi. Nay hay tin được chính quyền cho đất, hỗ trợ tiền xây nhà, cụ mừng lắm. "Sống ngần này tuổi rồi, giờ nhận được tin, tôi không thể vui hơn, bây giờ có nhắm mắt xuôi tay tôi cũng thấy yên lòng vì con, cháu tôi từ nay sẽ không phải sống đời sông nước nữa" - cụ Lạy xúc động.
Làng chài Thủy Cơ, xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Anh Nguyễn Văn Anh (SN 1985; ngụ xã Định Công, huyện Yên Định) cho biết gia đình có 4 khẩu chủ yếu dựa vào nghề sông nước để kiếm sống, chẳng có việc làm ổn định. Anh ngày ngày rong thuyền trên sông, ai thuê gì làm nấy, còn vợ thì thả lưới kiếm con cá con tôm, cuộc sống vất vả nên mong muốn lên bờ ổn định với gia đình anh vô cùng khó. Nhưng nay, ước muốn đó của anh đã thành hiện thực.
Cũng giống như gia đình bà Nguyễn Thị Lạy, anh Nguyễn Văn Anh, hàng trăm hộ dân sông nước sống trên khắp các con sông của tỉnh Thanh Hóa rất vui mừng, phấn khởi khi được quan tâm hỗ trợ cấp đất, xây nhà. Bởi hầu hết những cư dân sống đời du ngư đều có cuộc sống vô cùng khó khăn, chủ yếu dựa vào sông nước, công việc bấp bênh. Nhiều gia đình gom góp mua được miếng đất nhưng lại không đủ tiền xây nhà, nên họ vẫn gắn cuộc đời trên những dòng sông, con cái vì thế mà học hành không đến nơi đến chốn, đói nghèo cứ thế theo vòng luẩn quẩn bủa vây.
Phải hoàn thành trong năm 2023
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Xuân Lai - Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch MTTQ huyện Thiệu Hóa - cho biết ngay sau khi có chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, huyện đã rà soát, thống kê và xác định có 27 hộ dân sống trên sông cần được cấp đất, hỗ trợ tiền để xây nhà, lên bờ ổn định cuộc sống.
"Đây là vấn đề an sinh xã hội mà huyện Thiệu Hóa luôn quan tâm trong những năm qua. Ngoài việc triển khai xây dựng quy hoạch cấp đất cho 27 hộ dân làng chài, chúng tôi đang vào cuộc kêu gọi mọi người dân, doanh nghiệp chung tay hỗ trợ giúp tất cả 200 hộ dân có nhà kiên cố, ổn định cuộc sống lâu dài. Trước mắt, đến tháng 6-2023 sẽ đưa tất cả 27 hộ dân sông nước lên bờ, sau đó sẽ hoàn thành việc hỗ trợ xây nhà cho toàn bộ 200 hộ nghèo toàn huyện" - ông Lai cho biết.
Một góc làng chài giữa lòng TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Ông Lê Xuân Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định, cho hay có rất nhiều dân làng chài sinh sống trên sông Mã và sông Cầu Chày, hiện huyện đã cấp đất cho 179 hộ lên bờ nhưng vẫn còn 51 hộ chưa được cấp đất, làm nhà. Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, đến nay, huyện Yên Định đã cơ bản cấp xong đất cho dân, đã có 8 hộ xây xong nhà và 8 hộ khác đang xây. "Ngoài việc cấp đất ở, mỗi hộ dân sẽ được hỗ trợ 100 triệu đồng, trong đó nhà nước 50 triệu đồng và Giáo hội Công giáo Thanh Hóa hỗ trợ 50 triệu đồng. Nhìn chung, bà con rất phấn khởi, tin tưởng, phấn đấu ổn định cuộc sống trên bờ" - ông Thành nói.
Bà Phạm Thị Thanh Thủy - Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch MTTQ tỉnh Thanh Hóa - cho biết sau gần 20 năm triển khai cuộc vận động, đã vận động 812 đồng bào sinh sống trên sông lên bờ ổn định cuộc sống. Hiện toàn tỉnh còn 240 hộ dân sống trên sông chưa được cấp đất ở, 273 hộ chưa được hỗ trợ tiền xây nhà ở.
"Xuất phát từ thực tiễn đó, tháng 3-2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa tiếp tục ban hành văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ và hệ thống chính trị thực hiện việc rà soát để bố trí, sắp xếp ổn định đời sống cho đồng bào trên sông lên bờ ổn định cuộc sống. Đây là chương trình rất lớn mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo và quyết tâm trong 2 năm 2022 và 2023 phải thực hiện xong" - bà Thủy nhấn mạnh.
Tạo sinh kế bền vững "Tỉnh Thanh Hóa rất quan tâm việc người dân sau khi lên bờ có công ăn việc làm ổn định, bền vững vì vậy đã chỉ đạo các huyện rà soát những hộ có người trong độ tuổi lao động để phối hợp với doanh nghiệp trên địa bàn tạo điều kiện cho họ được làm việc trong các doanh nghiệp, rà soát trình độ văn hóa nhằm bổ cập kiến thức để người dân biết phương thức làm ăn, áp dụng được khoa học - kỹ thuật trong sản xuất - kinh doanh để có sinh kế lâu dài" - bà Phạm Thị Thanh Thủy nói. |
Những người dân xóm Phao sinh sống dưới chân cầu Long Biên vừa lo lắng, nhưng cũng đầy hy vọng khi biết tin về đồ án quy hoạch khu đô thị sông Hồng.
Nguồn: [Link nguồn]