Xóa sổ cây cầu 106 tuổi: Đừng quên ơn "thần may mắn"
Cầu sắt Phú Long (nối TPHCM- Bình Dương) đang bị tháo dỡ. Ít ai biết rằng hàng loạt người ra cầu này tự tử nhưng vẫn sống vì gặp được "thần may mắn". Họ là ai?
Những thanh tấm sắt, thanh chắn 106 tuổi đang lần lượt được tháo dỡ khỏi cầu Phú Long (nối TP HCM- Bình Dương).
Như vậy một trong những cây cầu lâu đời nhất của Việt Nam đang bị xóa bỏ. Người dân đôi bờ sông Sài Gòn tỏ ra luyến tiếc bởi từ khi sinh ra, họ đã thấy cây cầu ở đó, vắt qua sông. Nó tồn tại, gắn bó với việc đi lại kiếm sống, làm ăn, cưới hỏi và bao dấu mốc khác trong cuộc đời họ.
Cây cầu được xây từ thời Pháp, trên cầu còn dòng số 1913
Cầu Phú Long đang được tháo dỡ
Nhưng có lẽ, ấn tượng và tiếc cây cầu Phú Long nhất chính là những người từng tự tử hụt ở đây và được "thần may mắn" khuyên can. Nhờ vậy, những kẻ yếu đuối, bồng bột, muốn lao đầu xuống sông kia mới giữ được mạng sống. Những "vị thần may mắn" chính là công nhân làm nhiệm vụ trực gác cầu sắt Phú Long.
Do cây cầu này được đánh giá là cầu đặc biệt yếu, có thể xảy ra sự cố gãy đổ, tai nạn bất ngờ nên nhiều năm nay, Công ty TNHH MTV Công trình cầu phà TP HCM đã dựng một cái chốt nhỏ ở đầu cầu sắt Phú Long (phía TP HCM) và cắt cử công nhân công ty liên tục bám chốt trực để kịp thời phát hiện sự cố, dù là đêm hay ngày.
Công nhân trực cầu Đoàn Văn Vương, một trong những "thần may mắn". Anh đã thuyết phục, khuyên can hơn 10 người không nhảy cầu này tự tử. Bây giờ anh cũng có nhiều tâm trạng khi cây cầu không còn nữa.
Chính vì trực chốt liên tục nên những công nhân ở đây mới kịp thời phát hiện, can ngăn nhiều vụ định nhảy cầu này tự tử. Công nhân Đoàn Văn Vương (42 tuổi) kể anh làm nhiệm vụ canh gác cầu sắt Phú Long 8 năm. Mỗi tuần anh canh 2 ca, mỗi ca kéo dài 24 tiếng. Anh đã phát hiện và khuyên can hơn 10 người bỏ ý định tử tự dù họ đã ra đứng sát mép cầu sắt Phú Long. "Nhiều đêm tôi đang nằm lim dim trong chốt trực thì người dân chạy tới kêu ở giữa cầu có người muốn nhảy xuống sông tự tử. Tôi chạy ra liền. Lần nào cũng vậy, trong đầu tôi luôn nghĩ mình chạy chậm chút thì người ta nhảy xuống sông, đêm hôm nước chảy xiết, không tài nào cứu được. Mà thực sự ở cầu này trước giờ cũng rất nhiều người nhảy xuống và chết. Không cứu được. Mò tìm xác không dễ" - anh Dương kể.
Hơn 100 năm nay, người dân 2 bên cầu đã quen với âm thanh đặc trưng phát ra khi xe máy chạy qua những tấm sắt của cầu Phú Long
Nhưng giờ đây âm thanh ấy không còn nữa
Hầu hết những người có ý định nhảy cầu tự tử là phụ nữ, do giận dỗi bạn trai, thất tình hay mang bệnh tật và họ thường lựa thời điểm đêm tối để gieo mình. Do đó, việc anh Dương thuyết phục, "đấu trí" với họ để giữ mạng sống cho họ có rất ít người biết. Anh Dương tiết lộ mình phải biết quan sát tình hình và vận dụng cách khuyên can thích hợp, chỉ cần nói lỡ lời thì họ sẽ bị kích động và buông mình xuống sông.
Anh nhớ mãi một đêm có cô gái âm thầm đi bộ ra cầu sắt Phú Long rồi leo qua lan can định nhảy. Anh chạy ra khuyên kiểu nào cô này cũng bảo mình phải nhảy vì bạn trai không thương, trong người cô lại có bệnh. Trong cái đêm lạnh lãnh lẽo ấy, một mình anh đứng trên cầu rủ rỉ nhỏ to lý giải cho cô đủ điều. Anh nói với cô rằng: "Bệnh tật gì cũng có thể xoay chuyển nếu tinh thần mình tốt lên. Nhiều người còn thậm chí bán nhà để chữa bệnh. Còn chuyện tình cảm thì lúc ấm lúc lạnh là bình thường. Vì vậy, phải vững, đừng sụp đổ".
Thấy cô gái không chú tâm đến lời mình khuyên mà cứ chăm nhìn xuống con nước, vừa tỉ tê anh vừa rón rén lại gần chụp tay cô.
Anh kể lại: "Lúc đó cô ấy vùng lên, kêu thét. Tôi sợ cả hai rơi xuống sông nên tôi nói muốn nhảy thì tới đây tôi chỉ chỗ nước sâu cho nhảy, chứ nhảy chỗ này không chết đâu. Nhờ nói vậy nên cô ấy mới chịu theo tôi rời vị trí lan can cầu. Vừa lúc ấy bạn trai cô ấy tới nơi. Tôi bảo chuyện gì thì hai đứa chở nhau về giải quyết ngay đi. Có lẽ cậu bạn trai đã xin lỗi hay nói gì đó nên cô gái từ bỏ ý định tự tử. Trước lúc ra về, cô ấy còn kiếm cho ra đôi dép của mình bỏ lại đâu đó trong đêm tối ở trên cầu".
Những trụ cầu sẽ bị hủy
Chốt trực "ngôi nhà của thần may mắn" cũng sẽ bị phá bỏ
Anh Dương kể hầu hết người định nhảy cầu là người trẻ với suy nghĩ bồng bột. Nhiều bậc cha mẹ biết công nhân gác cầu đã khuyên can, cứu mạng con mình trong đêm tối nên sáng ra họ đến chốt trực nói lời cảm tạ.
Công nhân gác cầu Huỳnh Văn Thanh (60 tuổi) tâm sự: "Người ta nói cứu một mạng người hơn xây 7 tòa tháp. Tôi cũng khuyên can cứu được mấy người nên thấy vui lắm. Có đêm, tôi đang trực thì nghe tiếng một cô gái khóc thảm thiết trên cầu. Hình như người yêu của cô gái đã chết nên cô ấy muốn nhảy sông quyên sinh. Tôi bảo mạng sống là của con nhưng con không được tự hủy hoại. Con phải nghĩ đến cha mẹ bao năm tháng dưỡng nuôi mà thành. Còn chuyện yêu đương thì không có người này sẽ người khác. Nếu người đã chết thực sự yêu con thì cũng muốn con sống vui vẻ. Cô ấy nghe có lý nên đi một mạch về nhà".
Sẽ không còn những buổi chiều nhâm nhi bia, ngắm cầu gắn bó với bao ký ức
Những "vị thần may mắn" sẽ không còn phải cứu người nhảy cầu giữa đêm hôm
Ông Thanh cho biết không phải người nào cũng chịu nghe lời khuyên can, có phụ nữ quyết chết nên ông buộc phải chạy tới lan can cầu kẹp cổ đưa vào. Có khi khuyên nhẹ nhàng không thành, ông buộc phải đổi tông, chửi thẳng. Có lần một thanh niên bám lì trên lan can cầu, ông Thanh khuyên không được nên ông hét: "Mày tưởng mày chết là ngon lắm hả? Tỏ ta đây hả? Mày chết ở đâu thì chết, đừng chết chỗ này mắc công tụi tao phải gọi thợ lặn tới mò xác. Biết bao người phải tốn công, tốn của vì cái chết lãng nhách của mày". Bị chửi thanh niên kia thức tỉnh, từ từ leo trở vào, lên xe chạy đi.
Bây giờ cầu Phú Long tháo dỡ. Anh Dương hay ông Thanh sẽ được công ty phân công công việc khác. Cả đời họ chưa được công ty hay đơn vị nào tặng bằng khen về chuyện cứu người. Chỉ mong sao những người từng tự tử hụt hãy ghi ơn "thần may mắn", trân trọng sự sống của mình, đừng làm chuyện dại dột thêm lần nữa.
Tham gia tháo dỡ cầu Đúc Tân An, công nhân tên Toàn trong lúc đu dây xuống sà lan đã tuột tay, rơi xuống sông và bị nước...