Xin làm giao hàng cũng phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp, Bộ Tư pháp nói gì?

Sự kiện: Thời sự

Bộ Tư pháp cho biết vẫn còn tình trạng một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân còn lạm dụng yêu cầu cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp làm cơ sở tuyển dụng, quản lý, sử dụng lao động.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ Công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo kiểm tra, xử lý phản ánh của người dân về các thủ tục hành chính có liên quan đến Phiếu lý lịch tư pháp.

Trong đó, có phản ánh của người dân về việc có nhu cầu xin việc tại một số đơn vị giao hàng, tuy nhiên các công ty đều yêu cầu phải cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Nếu không có Phiếu lý lịch tư pháp thì không được tiếp nhận hồ sơ xin việc. Trước vấn đề này, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ đạo nghiên cứu, xử lý đối với nội dung báo chí nêu trên về quy định thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Rất đông người dân phải chờ đợi để được cấp Phiếu lý lịch tư pháp ở Sở Tư pháp Hà Nội hồi tháng 4-2023. Ảnh: Nguyễn Hải

Rất đông người dân phải chờ đợi để được cấp Phiếu lý lịch tư pháp ở Sở Tư pháp Hà Nội hồi tháng 4-2023. Ảnh: Nguyễn Hải

Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động về vấn đề nêu trên, bà Đỗ Thị Thúy Lan, Phó giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia (Bộ Tư pháp), cho biết đây là vấn đề được dư luận rất quan tâm, Bộ Tư pháp cũng đã vào cuộc quyết liệt để giải quyết.

Theo bà Lan, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, bà Lan thừa nhận trên thực tế vẫn còn tình trạng một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân còn lạm dụng yêu cầu cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp làm cơ sở tuyển dụng, quản lý, sử dụng lao động.

Phó giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia cho biết có tình trạng người dân đi xin làm lái xe, trong đó có lái xe công nghệ, vẫn phải cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo yêu cầu của đơn vị tuyển dụng. Theo bà Lan, đây là tình trạng "lạm dụng" yêu cầu cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp, gây khó khăn cho người dân.

Bên cạnh đó còn có tình trạng cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hiểu chưa đúng về quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp quy định trong Luật Lý lịch tư pháp.

Đặc biệt, theo bà Đỗ Thị Thúy Lan, hiện nhiều tổ chức, doanh nghiệp yêu cầu người dân nộp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 để thực hiện các thủ tục là không phù hợp, lạm dụng. Bà Lan cho biết có tình trạng hiểu chưa đúng về quy định đối với Phiếu lý lịch tư pháp số 2.

Nội dung Phiếu lý lịch tư pháp số 2 hiện gồm các thông tin về họ tên, nơi sinh, họ tên cha mẹ, vợ (chồng) của người được cấp phiếu; thông tin về tình trạng án tích và thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã. Theo bà Lan, pháp luật hiện hành quy định Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.

Do đó, bà Lan nhấn mạnh việc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp yêu cầu người dân phải cung cấp, nộp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 khi thực hiện các thủ tục là không đúng quy định.

Để khắc phục tình trạng này, bà Đỗ Thị Thúy Lan cho biết Bộ Tư pháp đã tăng cường tuyên truyền về ý nghĩa của Phiếu lý lịch tư pháp để ngăn chặn việc lạm dụng. Qua rà soát, hiện có 154 thủ tục yêu cầu phải có Phiếu lý lịch tư pháp, Bộ Tư pháp đang rà soát để báo cáo Chính phủ để cắt giảm.

Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia cũng đang phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính trật tự xã hội (Bộ Công an) xây dựng quy trình cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VneID. Sau đó, sẽ thí điểm tại tỉnh Thừa Thiên - Huế trước khi tổng kết để triển khai trên cả nước.

Bộ Tư pháp cũng cho rằng cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc như hiện nay. Đồng thời, Bộ đang tham mưu Chính phủ đơn giản hóa quy trình về cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Ngoài ra theo bà Lan, cần có chế tài xử lý các tổ chức, doanh nghiệp lạm dụng yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Hiện theo các quy định về xử phạt vi phạm hành chính chưa có chế tài xử lý hành vi này, nên cần nghiên cứu bổ sung chế tài đủ mạnh để xử lý việc lạm dụng yêu cầu người dân xuất trình Phiếu lý lịch tư pháp không đúng quy định.

Thông tin thêm với phóng viên, bà Lan cho biết Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia nhấn mạnh giải pháp cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VneID là rất quan trọng và giảm được thủ tục, thời gian cho người dân. Hiện, trung tâm đang đẩy nhanh việc này để sớm đưa vào thí điểm.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc vừa qua, ông Hoàng Quốc Hùng, cựu Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, bị khởi tố về tội Nhận hối lộ, đã khiến người dân băn khoăn về sự công khai, minh bạch trong công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp, bà Đỗ Thị Thúy Lan cho biết vụ việc này đang được cơ quan công an điều tra, phí Trung tâm cũng đang phối hợp chặt chẽ.

Bà Lan cũng nhấn mạnh dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tư pháp, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia sẽ tăng cường các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, phòng ngừa vi phạm, sai sót trong thực hiện nhiệm vụ.

Bộ Công an lý giải vì sao cần thu thập thông tin về nhóm máu, số điện thoại cá nhân

Dự thảo Luật Căn cước quy định 26 nhóm thông tin cần thu thập của công dân, trong đó có họ tên khai sinh, nơi thường trú, nhóm máu, số điện thoại di động…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Chiến ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN