Xét xử vụ Trịnh Xuân Thanh: Luật sư của bị cáo đang mang án tử nói gì?
"Quá trình điều tra, bị cáo Sơn đã thành khẩn khai báo, tạo điều kiện cho cơ quan điều tra nhanh chóng kết thúc vụ án, bản thân ông Sơn cũng rất ăn năn, hối cải", luật sư Ứng nói.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tại phiên tòa xét xử sai phạm ở PVN và PVC.
Sáng 13.1, phiên tòa xét xử các bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) và Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Cty xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC) tiếp tục phần tranh tụng.
Luật sư Lê Đình Ứng (người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Phó TGĐ PVN) đã nêu quan điểm bào chữa cho thân chủ.
Theo cáo trạng, bị cáo Sơn biết rõ hợp đồng EPC số 33 (hợp đồng thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2) ký trái quy định nhưng bị cáo vẫn chỉ đạo Ban quản lý dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 tạm ứng cho PVC hơn 6,6 triệu USD và 1.300 tỷ đồng để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.100 tỷ trái mục đích, gây thiệt hại hơn 119 tỷ đồng.
Bị cáo này bị Viện kiểm sát đề nghị mức án 10-11 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Trình bày quan điểm bào chữa cho thân chủ, ông Ứng cho biết, giai đoạn lấy lời khai, ông Sơn không mời luật sư vì cho rằng làm đúng quy định của PVN nên đã tự bào chữa cho mình. Sau đó, do sức khỏe không đảm bảo, thấy cần luật sư trình bày rõ cho mình trong vụ án, ông Sơn đã mời luật sư.
Luật sư Lê Đình Ứng cho rằng, chủ trương xây dựng Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đã được lập trước khi ông Sơn về PVN (trước đó ông Sơn công tác tại Ngân hàng TMCP Đại Dương – OceanBank), các tài liệu chứng cứ đã thể hiện rõ. Như vậy ông Sơn không được tham gia đàm phán, phê duyệt dự án.
Luật sư khẳng định HĐTV, Chủ tịch HĐTV và TGĐ của PVN đã phân công cho Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó TGĐ PVN phụ trách), hoàn thiện hợp đồng chuyển đổi từ hợp đồng EPC số 33 sang hợp đồng 4194 (chuyển chủ đầu tư từ PVPower về PVN). Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn không được biết sai phạm tại hợp đồng EPC số 33 nói trên bởi trong ban chuyên theo dõi về điện, than không có bị cáo Sơn (ông Sơn phụ trách tài chính kế toán).
“Xuyên suốt các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ thì ngay trong bản cáo trạng cũng không hề có nội dung nào thể hiện bị cáo Sơn biết hợp đồng số 33 có sai sót. Cũng không có nội dung nào về ai báo cáo với bị cáo Sơn việc sai sót này”, luật sư Ứng nói.
Về việc cho PVC ứng tiền theo hợp đồng EPC số 33, luật sư Ứng khẳng định Ban quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 do ông Vũ Hồng Chương làm Trưởng ban và có quy chế quản lý tài chính riêng. Ông Sơn không trực tiếp ứng tiền cho PVC, chỉ chuyển cho ban quản lý dự án.
Về việc chỉ đạo Ban quản lý dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 tạm ứng tiền cho PVC - công ty do Trịnh Xuân Thanh điều hành - luật sư cho rằng thân chủ của ông chỉ thực hiện theo quyền được phân công. Theo quy định, các dự án trọng điểm như nhiệt điện Thái Bình 2, việc cấp vốn thực hiện theo kế hoạch cấp được HĐQT PVN phê duyệt. Ban quản lý dự án có trách nhiệm thay mặt tập đoàn quản lý, sử dụng tiền theo quy định hiện hành.
Trích dẫn một số văn bản gửi đi, luật sư Ứng nói ông Sơn luôn nhắc nhở, yêu cầu Ban quản lý dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật.
Theo luật sư Ứng, tiền tạm ứng thực chất là chuyển két nọ sang két kia thuộc tập đoàn, trách nhiệm sử dụng thuộc Ban quản lý dự án.
"Quá trình điều tra ông Sơn đã thành khẩn khai báo, tạo điều kiện cho cơ quan điều tra nhanh chóng kết thúc vụ án, bản thân ông Sơn cũng rất ăn năn, hối cải… Mong tòa xem xét tổng thể, toàn cảnh vụ án trong bối cảnh cách đây 10 năm”, luật sư Ứng kiến nghị HĐXX.
Trước đó, trong phiên xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (từng giữ chức TGĐ OceanBank) đã bị tuyên án tử hình về các hành vi tham ô, chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái.
Luật sư Nguyễn Văn Quynh đã viện dẫn quyền im lặng của hoa hậu Trương Hồ Phương Nga trong phần bào chữa cho bị cáo Trịnh...