Xét xử vụ trốn đi Hàn Quốc theo chuyên cơ đoàn Chủ tịch Quốc hội: Các bị cáo khai gì?
Lê Thị Liễu thừa nhận đã tạo vỏ bọc doanh nhân để giúp 4 người bay sang Hàn Quốc theo dạng tháp tùng Chủ tịch Quốc hội. Tuy nhiên, Liễu chỉ hưởng lợi từ 3 người.
4 người lên chuyên cơ sang Hàn Quốc bằng cách nào?
Sáng 20/5, TAND TP Hà Nội xét xử Lê Thị Liễu (Giám đốc Công ty cổ phần GVA) và 7 bị cáo liên quan vụ 9 người trốn lại Hàn Quốc khi "đi nhờ" chuyên cơ của Chủ tịch Quốc hội hồi cuối tháng 12/2018.
Các bị cáo tại phiên xét xử
8 bị cáo gồm: Lê Thị Liễu (35 tuổi, Giám đốc Công ty cổ phần GVA), Trịnh Bang Dũng (53 tuổi, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An), Ngô Xuân Hiếu (52 tuổi, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An), Lê Thị Xuân (43 tuổi, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An), Nguyễn Thị Lương (37 tuổi, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An), Trần Thị Tuyết (40 tuổi, cán bộ Tạp chí Kinh tế và dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Lương Mạnh Hùng (39 tuổi, Giám đốc Công ty CP đào tạo và tư vấn giáo dục TD Việt Nam), Trần Phục Hưng (33 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên tư vấn du học Nhật Bản Bắc Nam).
8 bị cáo này bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài”.
Trước HĐXX, Lê Thị Liễu đồng tình với cáo buộc của VKSND về tội danh và cách thức tổ chức cho người khác lọt lên chuyên cơ. Tuy nhiên, với việc VKS cho rằng bị cáo hưởng lợi 30.000 USD, Liễu cho rằng số tiền quy kết Liễu hưởng lợi là quá cao.
Liễu khai nhận, trong số 4 người được bị cáo tạo vỏ bọc thành doanh nhân rởm để lên chuyên cơ của đoàn doanh nghiệp tháp tùng lãnh đạo đi Hàn Quốc, Liễu chỉ nhận tiền từ 3 người. Trường hợp lao động Nguyễn Đình Cơ, Liễu không hưởng lợi từ người này, mong HĐXX khấu trừ.
Theo bị cáo Liễu, cơ quan tố tụng cần xem xét trách nhiệm của Hoàng Anh. Theo bị cáo, Hoàng Anh là người nhờ Liễu đưa một vài lao động quê Nghệ An sang Hàn Quốc làm việc. Theo thỏa thuận, Hoàng Anh sẽ chọn người xuất cảnh, còn bị cáo hỗ trợ làm thủ tục.
Liễu nói, Hoàng Anh cũng thỏa thuận với Liễu sau khi thu tiền và đưa 4 người ra nước ngoài, Liễu phải trích lại cho Hoàng Anh 6.000 USD (tương đương 1.500 USD mỗi người).
Với những gì Liễu khai trước toà, HĐXX đánh giá đây chỉ là lời khai một phía từ Liễu. Hiện, Hoàng Anh đang cư trú ở Đức, chưa về Việt Nam nên không thể đối chất.
Bị cáo Lê Thị Liễu khai nhận trước HĐXX
Trịnh Bang Dũng phủ nhận một phần cáo trạng
Tiếp đến bị cáo Trịnh Bang Dũng phủ nhận một phần cáo trạng. Dũng khai, đầu năm 2018, Hoàng Anh (cháu ruột của Dũng) gọi điện thoại nhờ Dũng đưa 4 người cùng quê Nghệ An ra Hà Nội để gặp Liễu. Đây là những khách hàng của bị cáo Ngô Xuân Hiếu.
Đầu tháng 5/2018, Dũng đưa 4 người có nhu cầu xuất khẩu lao động đến gặp Liễu tại quán cà phê ở quận Tây Hồ, Hà Nội. Họ nói chuyện với Liễu vài tiếng rồi quay về Nghệ An. Từ đó, Dũng không gặp Liễu, còn Liễu trực tiếp liên hệ với 4 người cần xuất cảnh, không thông qua Dũng.
Trước HĐXX, bị cáo Dũng thừa nhận cháu ruột là Hoàng Anh hứa sẽ cho một ít tiền sau khi đưa 4 người đến gặp Liễu. Tuy nhiên, Dũng cho hay, bị cáo chưa nhận được tiền công và phủ nhận cáo trạng cho rằng Dũng được hưởng lợi 211 triệu đồng.
Dũng khai nhận, bị cáo giúp Hoàng Anh đưa 4 người quê Nghệ An ra Hà Nội để gặp Liễu. Dũng không biết mục đích của Hoàng Anh là môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài.
“Bị cáo chỉ đứng ra giúp cháu nên không biết bản thân vi phạm pháp luật. Sau khi bị bắt và được cơ quan điều tra phân tích, bị cáo mới biết vi phạm”, Dũng nói.
Còn bị cáo Ngô Xuân Hiếu đồng tình với cáo trạng. Hiếu thừa nhận đã giới thiệu cho 2 người cùng quê đi xuất khẩu lao động, thu của họ tổng số tiền hơn 25.000 USD và hưởng lợi 1.400 USD.
Hiếu khai nhận, bị cáo là bạn học của Dũng nên đồng ý giúp. Tuy nhiên, những công việc chính đều do Lê Thị Xuân (vợ của Hiếu) phụ trách bởi người phụ nữ này làm nghề tư vấn xuất khẩu lao động nhiều năm nay.
Ngoài 4 trường hợp trên, Trần Thị Tuyết (cựu cán bộ Tạp chí Kinh tế và Dự báo của Bộ KH&ĐT) cũng bị cáo buộc gắn mác doanh nhân cho 2 cá nhân để được đi cùng đoàn doanh nghiệp sang Hàn Quốc. Sau đó, họ đã trốn lại.
Cơ quan điều tra xác định có 9 người trong đoàn doanh nghiệp trốn lại nước này nhưng công an mới làm rõ 6 trường hợp. Hiện, 4 người đã bị trục xuất về Việt Nam, 2 người vẫn còn lẩn trốn.
Đối với Hoàng Anh, cơ quan điều tra đánh giá người này có dấu hiệu đồng phạm với các bị cáo. Hiện, Hoàng Anh cư trú ở Đức nên đã tách vụ án để xử lý sau.
Theo cáo trạng, vào tháng 8/2018, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đề nghị Bộ KH&ĐT chủ trì tổ chức cho đoàn lãnh đạo đi công tác Hàn Quốc. Đầu năm 2018, Liễu nói chuyện qua mạng với bạn thân là Hoàng Anh (35 tuổi, cư trú ở Đức). Hoàng Anh cho biết nhiều người là đồng hương với anh ta ở Nghệ An muốn sang Hàn Quốc làm việc. Liễu đã nhận lời làm thủ tục visa để cho những người này xuất cảnh với giá 10.000 USD/trường hợp. Theo thỏa thuận, chú ruột của Hoàng Anh là Trịnh Bang Dũng (quê Nghệ An) đưa những lao động đến gặp Liễu. Sau đó, Liễu câu kết cùng Trịnh Bang Dũng, Ngô Xuân Hiếu, Lê Thị Xuân và Nguyễn Thị Lương lên kế hoạch tổ chức cho 4 lao động đội lốt doanh nhân sang Hàn Quốc rồi trốn lại nước này. Liễu đã lên mạng tìm mua những doanh nghiệp được rao bán rồi gắn tên lãnh đạo, nhân viên các công ty này cho số lao động muốn xuất cảnh. Với thủ đoạn trên, các hồ sơ do Liễu đề xuất đã được ban tổ chức phê duyệt. Ngày 4/12/2018, Liễu cùng các lao động nhập cảnh Hàn Quốc. Sau đó, theo chỉ dẫn của nữ bị cáo, nhóm lao động lấy lý do đi gặp đối tác hoặc mua sắm để lấy lại hộ chiếu. Sau khi tách đoàn, họ đã trốn lại. |
Nguồn: [Link nguồn]
Nhiều người không đủ tiêu chuẩn vẫn được tham gia đoàn doanh nghiệp tháp tùng Chủ tịch Quốc hội đi thăm, làm việc...