Xét xử vụ án hoán đổi đất công ở TP HCM: Tranh luận về hành vi lừa đảo
Đại diện cơ quan công tố khẳng định bị cáo Dương Thị Bạch Diệp quyết tâm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 185 Hai Bà Trưng có giá trị hơn 186 tỉ đồng
Ngày 17-11, tại TAND TP HCM, phiên xử sơ thẩm vụ án hoán đổi tài sản tư nhân số 57 Cao Thắng lấy tài sản thuộc sở hữu nhà nước số 185 Hai Bà Trưng (quận 3, TP HCM) bước sang ngày xét xử thứ 2 với phần tranh tụng.
Đủ căn cứ truy tố
Phát biểu quan điểm luận tội, đại diện VKSND TP HCM giữ quyền công tố tại tòa đề nghị tuyên phạt bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương) mức án tù chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", đại diện VKSND đề nghị phạt tù từ 5-6 năm đối với bị cáo Nguyễn Thành Tài (nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM).
Đại diện cơ quan công tố cho rằng bị cáo Diệp có hành vi gian dối khi dùng tài sản 57 Cao Thắng đổi lấy tài sản 185 Hai Bà Trưng. Quá trình điều tra và xét xử, bị cáo phủ nhận hành vi phạm tội nhưng thừa nhận việc mua tài sản 57 Cao Thắng rồi hoán đổi tài sản 185 Hai Bà Trưng. Biết rõ khu đất 57 Cao Thắng đang thế chấp tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) nhưng bị cáo cố tình cung cấp thông tin sai lệch về tình trạng pháp lý tài sản.
Bị cáo Nguyễn Thành Tài và Dương Thị Bạch Diệp tại tòa
"Bị cáo Diệp biết hoán đổi tài sản như vậy là trái quy định nhưng vẫn làm. Điều đó thể hiện bị cáo quyết thực hiện hành vi phạm tội. Bị cáo chiếm đoạt tài sản 185 Hai Bà Trưng có giá trị hơn 186 tỉ đồng" - người thừa hành quyền công tố nhấn mạnh.
Về sai phạm của bị cáo Nguyễn Thành Tài, đại diện cơ quan công tố cho rằng bị cáo Nguyễn Thành Tài vì tin tưởng cấp dưới nên thiếu kiểm tra, xác minh tình trạng pháp lý tài sản 57 Cao Thắng. Đại diện VKSND đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt vì bị cáo có nhiều đóng góp vào sự phát triển của TP HCM.
Với các bị cáo nguyên là cán bộ, lãnh đạo thuộc UBND TP HCM đã thiếu trách nhiệm khi không kiểm tra tình trạng pháp lý tài sản 57 Cao Thắng, từ đó tạo điều kiện cho bị cáo Diệp chiếm đoạt tài sản nhà nước.
Hành vi của tất cả bị cáo đều đặc biệt nghiêm trọng, là nguyên nhân dẫn đến chuyển quyền sở hữu tài sản 185 Hai Bà Trưng trái pháp luật, gây thiệt hại cho nhà nước.
Đề nghị xem xét toàn diện bối cảnh
Tranh tụng tại tòa, luật sư bảo vệ bị cáo Dương Thị Bạch Diệp đưa ra nhiều lập luận phản bác cáo buộc lừa đảo gây thiệt hại hơn 186 tỉ đồng. Theo luật sư, không đủ căn cứ kết tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" vì tài sản nhà nước thực tế không mất đi, quyền xác lập giá trị quyền sử dụng đất - quyền sở hữu tài sản trên đất 185 Hai Bà Trưng vẫn thuộc nhà nước. Từ năm 2010, Công ty Diệp Bạch Dương bàn giao tài sản 57 Cao Thắng cho Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP HCM quản lý, sử dụng. Trung tâm đã và đang sử dụng cơ sở vật chất khang trang, hiện đại ở đây.
Luật sư nêu rõ: "Quá trình hình thành chủ trương, triển khai hoán đổi tới tiến hành bàn giao tài sản kéo dài hơn 5 năm, có nhiều cơ quan chức năng tham gia đã chấp thuận và không yêu cầu doanh nghiệp cung cấp bản chính giấy tờ sở hữu; không kiểm tra pháp lý, di biến động tài sản 57 Cao Thắng". Từ đó, luật sư đề nghị cơ quan xét xử xem xét thận trọng, toàn diện bối cảnh cũng như một số yếu tố tác động đến sự thật khách quan.
Trước đó, tự bào chữa, bị cáo Diệp bác bỏ toàn bộ quan điểm luận tội của đại diện VKSND, cho rằng bị khởi tố, bắt giam oan, khẳng định không lừa đảo. Bị cáo Diệp tố cáo Agribank chiếm giữ trái phép giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 57 Cao Thắng, cho rằng bị cáo không thế chấp tài sản trên. Bên cạnh đó, bị cáo Diệp nghi ngờ một số giấy tờ liên quan đến giao dịch vay vốn, thế chấp bị làm giả.
Tuy nhiên, đại diện cơ quan công tố đã bác bỏ toàn bộ quan điểm này, khẳng định bị cáo Diệp đại diện Công ty Diệp Bạch Dương ký hợp đồng tín dụng, giấy biên nhận nợ. Bị cáo đã ký nhiều giấy tờ vay vốn với tài sản thế chấp là khu đất 57 Cao Thắng.
Hôm nay (18-11), các bên tiếp tục tranh luận.
Đề nghị mức án cho 8 bị cáo Liên quan đến vụ án, bị cáo Vy Nhật Tảo (nguyên Giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP HCM) bị đề nghị 5-6 năm tù; các bị cáo Trần Nam Trang (nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính TP HCM), Nguyễn Thành Rum (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP HCM), Lê Tôn Thanh (nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP HCM), Lê Văn Thanh (nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND TP HCM), Huỳnh Kim Phát (nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND TP HCM), Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM) và Nguyễn Thanh Nhàn (nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM) bị đề nghị từ 3 năm tù cho hưởng án treo đến 5 năm tù giam. |
Phiên xét xử sơ thẩm vào tháng 3-2021, TAND TP HCM tuyên trả hồ sơ vụ án, yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng điều tra bổ...
Nguồn: [Link nguồn]