Xét xử Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC: Quy trình 70 bước từ tiếp cận đến hối lộ hàng chục tỉ đồng

VKSND cho biết có đủ cơ sở cáo buộc Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã thực hiện hành vi chỉ đạo, cùng các nhân viên tiến hành quy trình 70 bước thực hiện dự án, trong đó có việc thành lập Ban nội bộ để Nhàn chi tiền cho các lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai

Phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (Công ty AIC), và 35 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty AIC cùng các đơn vị có liên quan vừa kết thúc phần xét hỏi chuyển sang phần tranh tụng.

Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trần Đình Thành và Đinh Quốc Thái (trái qua phải) thời điểm chưa bị khởi tố

Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trần Đình Thành và Đinh Quốc Thái (trái qua phải) thời điểm chưa bị khởi tố

Trước đó, luận tội các bị cáo tại phiên toà, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TP Hà Nội đã cáo buộc hàng loạt hành vi sai phạm liên quan đến việc đấu thầu dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Trong đó, có hành vi thông thầu và đưa hối lộ các quan chức tỉnh Đồng Nai.

Theo VKSND, căn cứ vào lời khai của các bị cáo, tài liệu, chứng cứ và thực nghiệm điều tra có đủ cơ sở kết luận Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã thực hiện hành vi chỉ đạo lãnh đạo cùng các nhân viên thực hiện quy trình 70 bước thực hiện dự án.

Cụ thể, trong đó có nhiều nội dung thực hiện thông thầu và gian lận trong đấu thầu, trái quy định, thu lợi bất chính. Ngoài ra, thành lập Ban nội bộ để Nhàn chi tiền cho các lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ đầu tư.

"Trực tiếp hoặc chỉ đạo cấp dưới chi tiền cho Trần Đình Thành, cựu bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai 14,5 tỉ đồng, Đinh Quốc Thái, cựu chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, 14,5 tỉ đồng; Phan Huy Anh Vũ, cựu giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, 14,8 tỉ đồng để các bị cáo này giúp đỡ Công ty AIC xuyên suốt từ giai đoạn bố trí nguồn vốn mua sắm trang thiết bị y tế tại Dự án Bệnh viện Đồng Nai đến việc được tham gia đấu thầu và trúng thầu 16 gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế cho Dự án Bệnh viện Đồng Nai"- đại diện VKSND TP Hà Nội nêu rõ.

Bên cạnh đó, Nhàn còn giới thiệu và tác động Phan Huy Anh Vũ, Hoàng Thị Thúy Nga, cựu phó tổng giám đốc Công ty AIC, cấu kết, thông đồng cùng với đơn vị tư vấn đấu thầu, đơn vị thẩm định giá, đơn vị thẩm định thầu, đơn vị kiểm tra, giám sát thầu. Đồng thời, thành lập và liên kết với các công ty quân xanh và các lãnh đạo nhân viên Công ty AIC thực hiện các hành vi thông thầu để giúp cho Công ty AIC trúng 16 gói thầu với giá trang thiết bị đã được nâng khống từ 1,3 đến 2 lần thu lợi bất chính đặc biệt lớn.

"Nguyễn Thị Thanh Nhàn còn chỉ đạo cấp dưới sửa đổi Báo cáo tài chính để Công ty AIC được đủ điều kiện để tham gia đấu thầu các gói thầu của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thuộc trường hợp gian lận trong đấu thầu. Là người ký và chỉ đạo Trần Mạnh Hà, cựu phó tổng AIC, ký các Phụ lục hợp đồng điều chỉnh điều khoản phạt hợp đồng trái quy định của pháp luật"- công tố viên khẳng định và kết luận hành vi của Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã gây thiệt hại hơn 152 tỉ đồng cho nhà nước.

Theo viện kiểm sát, trong vụ án này có bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 7 bị cáo khác đang bỏ trốn, gây khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án. Các bị cáo bỏ trốn không ra đầu thú coi như từ bỏ quyền tự bào chữa.

Là luật sư được Hội đồng xét xử chỉ định bào chữa cho nữ Chủ tịch AIC, luật sư Dương Văn Nghị cho biết trong quá trình bảo vệ thân chủ đã gặp khó khăn vì thực tế không thể tiếp xúc được với bị cáo này để thu thập các tài liệu, chứng cứ, cũng không thể biết "có nhận tội hay không nhận tội".

Theo luật sư Nghị, việc bào chữa chỉ có thể căn cứ vào hồ sơ vụ án, kết quả xét hỏi tại tòa, vì bị cáo Nhàn không thể tự bào chữa, không thể trình bày quan điểm về các chứng cứ, tài liệu và lời khai của các bị cáo khác. Với chứng cứ thu thập được và lời khai của các bị cáo khác, luật sư này không thể có chứng cứ chứng minh bị cáo Nhàn vô tội. Qua đó, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét thân chủ của ông có thực sự là chủ mưu như cáo buộc.

Đối với tội đưa hối lộ mà bị cáo Nhàn bị truy tố, luật sư cho rằng đã có lời khai của các bị cáo liên quan. Nguồn tiền đưa hối lộ phía viện kiểm sát đã dẫn chứng cụ thể, cơ quan điều tra đã cho thực nghiệm điều tra, quá trình điều tra, luật sư được tham dự và chứng kiến.

"Ngoài các chứng cứ mà phía VKS đưa ra, tôi không thu thập được chứng cứ nào khác nên không tranh luận với đại diện VKS về tội đưa hối lộ mà thân chủ bị truy tố"- ông Nghị nói và cho biết thêm trước khi phạm tội, chủ tịch Công ty AIC có nhân thân tốt, được tặng nhiều bằng, giấy khen.

Trước đó đại diện VKSND TP Hà Nội đã đề nghị HĐXX bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (đang bỏ trốn) 30 năm tù cùng về 2 tội Đưa hối lộ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo đó, đại diện VKSND Hà Nội đề nghị tòa sơ thẩm tuyên phạt cựu bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành 10-11 năm tù và cựu chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái bị đề nghị 9-10 năm tù cùng về tội Nhận hối lộ. Phó tổng giám đốc Công ty AIC Trần Mạnh Hà (đang bị truy nã) tổng mức án 25-27 năm tù. Bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga, phó tổng giám đốc Công ty AIC, bị đề nghị 8-9 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Cùng với đó, bị cáo Phan Huy Anh Vũ, cựu giám đốc Bệnh viện Đồng Nai, bị đề nghị tổng hình phạt 19-21 năm tù về các tội Nhận hối lộ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. VKSND TP Hà Nội cũng đề nghị TAND TP Hà Nội tuyên 29 bị cáo khác từ 30 tháng tù treo đến 11 năm tù.

Nguồn: [Link nguồn]

Tình huống hi hữu: Bà Nhàn AIC bỏ trốn, luật sư bào chữa ra sao?

Trong vụ án xảy ra tại Công ty AIC, Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Nhàn bỏ trốn và đang bị truy nã, vậy luật sư bào chữa cho bị cáo này như thế nào?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hưởng ([Tên nguồn])
Vụ Công ty AIC hối lộ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN