Xét xử đường dây "Logo xe vua": Hủy án, điều tra 80 cán bộ
TAND Cấp cao tại TP HCM nhận định xử lý người đưa hối lộ, người làm môi giới hối lộ nhưng không xử người nhận hối lộ trong đường dây "Logo xe vua" là không hợp lý, gây bức xúc trong nhân dân.
Sau 5 ngày xét xử và nghị án, sáng 21-10, TAND Cấp cao tại TP HCM đã tuyên án vụ án đưa hối lộ, làm môi giới hối lộ trong đường dây "Logo xe vua" gây xôn xao dư luận. Đường dây này do Nguyễn Văn Thới (SN 1976) và Lê Thị Cẩm Vân (SN 1982, chủ doanh nghiệp vận tải) cầm đầu. Các bị cáo đã xác định đưa hối lộ cho 80 cán bộ cảnh sát giao thông (CSGT), thanh tra giao thông (TTGT). HĐXX đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại từ đầu.
Khai đích danh người nhận hối lộ
Tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bị cáo Thới, Vân khai nhận là chủ doanh nghiệp vận tải, từ tháng 1-2014 đến tháng 8-2015, 2 bị cáo đã cấu kết in và bán logo "xe vua" cho các chủ xe lưu thông trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, TP HCM và tỉnh Bình Dương. Giữa năm 2014, Thới nhờ Nguyễn Cảnh Chân (nguyên cán bộ Đội 1 Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai) giúp để các xe lưu thông ở Đồng Nai không bị xử phạt.
Bị cáo Chân thừa nhận đã đồng ý giúp Thới và sau khi "đạt thỏa thuận", từ tháng 7-2014 đến tháng 2-2015, Chân đã 7 lần nhận từ Thới 600 triệu đồng. Chân đưa hối lộ cho ông Võ Thanh Sơn, Đội trưởng Đội 1 Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai. Mỗi lần Chân đưa tiền thì ông Sơn cho Chân từ 5 triệu đến 10 triệu đồng. Khi các xe có logo "xe vua" bị kiểm tra, Thới gọi cho Chân để Chân gọi điện báo biển số xe, địa điểm để ông Sơn giải quyết.
Bị cáo Lê Thị Cẩm Vân (đứng) và đồng phạm
Sau khi ông Sơn qua đời, Chân đã móc nối với ông Đỗ Hữu Tuyến, Phó Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai giúp Thới. Từ ngày 7-4-2015 đến 8-7-2015, Thới chuyển cho Chân 603 triệu đồng, trong đó 600 triệu đồng nhờ Chân đưa hối lộ, 3 triệu nhờ phúng viếng đám tang ông Sơn. Số tiền 600 triệu đồng Chân khai đưa ông Tuyến 300 triệu đồng và giữ lại 300 triệu đồng nhưng ông Tuyến không thừa nhận. Tại tòa, bị cáo Chân thừa nhận làm trung gian môi giới đưa hối lộ 12 lần với số tiền 1,25 tỉ đồng.
Bị cáo Vân khai đã đưa hối lộ cho cán bộ Đội 7, Đội 8 TTGT TP HCM với số tiền 627 triệu đồng cùng thời gian, địa điểm và người nhận hối lộ cụ thể, rõ ràng…
Qua 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bị cáo Vân và các đồng phạm đã thừa nhận toàn bộ hành vi mua bán logo "xe vua" cũng như đưa hối lộ cho 80 cán bộ CSGT, TTGT ở Đồng Nai, Bình Dương và TP HCM.
Dấu hiệu bỏ lọt tội phạm
Theo HĐXX, từ chứng cứ, hồ sơ vụ án cho thấy lời khai nhận của các bị cáo là phù hợp với lời khai tại cơ quan điều tra, phù hợp với hồ sơ vụ án và lời khai của các bị cáo phù hợp nhau. Việc tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Thới, Vân cùng các đồng phạm tội "Đưa hối lộ"; bị cáo Chân tội "Làm môi giới hối lộ" là có căn cứ.
Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Căn cứ vào kết quả điều tra, cáo trạng của VKSND Tối cao nêu đích danh, cụ thể người nhận hối lộ, địa điểm nhận hối lộ.
"Các bị cáo đã khai nhận đầy đủ tên tuổi, số điện thoại, đích danh chức vụ những cán bộ CSGT, TTGT đã nhận hối lộ và cáo trạng của VKSND Tối cao cũng đã nêu rõ điều này. Những cán bộ này không bị xử lý tội "Nhận hối lộ" với lý do họ không thừa nhận nhưng lại chưa được các cơ quan tố tụng sơ thẩm điều tra một cách triệt để. Bên cạnh đó, việc các bị cáo đã khai nhận rõ ràng đưa hối lộ cho ai nhưng cơ quan điều tra vẫn kết luận không đủ căn cứ để xác định những người này nhận hối lộ mà không áp dụng đầy đủ các biện pháp nghiệp vụ điều tra theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự" - bản án phúc thẩm nêu.
Cấp phúc thẩm cũng nhận định cơ quan điều tra đã điều tra sơ sài, chưa làm rõ những cán bộ CSGT, TTGT có vụ lợi hay không vụ lợi. Hồ sơ vụ án thể hiện rất rõ mối quan hệ của các bị cáo trong vụ án với các cán bộ TTGT, CSGT là có căn cứ. Việc tòa sơ thẩm xử lý vụ án có người đưa hối lộ, người làm môi giới hối lộ nhưng không có người nhận hối lộ là không hợp lý, gây bức xúc trong nhân dân.
Ngoài ra, cấp sơ thẩm chưa xác định đầy đủ số logo của 2 nhóm Vân và Thới đã bán ra thị trường, số tiền đưa hối lộ, số lần nhận hối lộ… nên cũng cần phải điều tra làm rõ. Do đó, có căn cứ xác định cấp sơ thẩm có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, người phạm tội mà cấp phúc thẩm không thể làm rõ, bổ sung được nên phải hủy án điều tra lại.
Làm rõ mối quan hệ 3 bên Chủ xe, lái xe là những người đã bỏ tiền ra mua logo để không bị xử phạt về vi phạm chở quá tải nhưng không biết Nguyễn Văn Thới, Lê Thị Cẩm Vân sẽ đưa hối lộ cho ai nên không thể xử lý hành vi đồng phạm tội "Đưa hối lộ". Về vấn đề này, HĐXX cấp phúc thẩm nhận định cơ quan điều tra chưa xác định được mối quan hệ giữa người mua logo "xe vua" với người bán là các bị cáo. Nếu các bị cáo nhận tiền của người mua mà không đưa hối lộ thì phạm tội lừa đảo; nếu xác định được có đưa hối lộ, có nhận hối lộ thì cũng cần phải xác định mối quan hệ 3 bên. |
Theo VKS, trong vụ logo xe vua có người đưa hối lộ và làm môi giới hối lộ nhưng không có người nhận hối lộ là phi lý,...