Xét xử đường dây đánh bạc nghìn tỷ: Không kêu oan, 21 bị cáo vẫn gửi đơn kháng cáo
21 bị cáo đã gửi đơn kháng cáo một phần bản án sơ thẩm HĐXX TAND tỉnh Phú Thọ tuyên về vụ án tổ chức đánh bạc nghìn tỷ trên mạng internet.
Ông Phan Văn Vĩnh tại tòa.
Liên quan tới vụ án tổ chức đánh bạc nghìn tỷ trên mạng internet, chiều 17/12, ông Ngô Tố Dụng, Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ cho hay, tới thời điểm hiện tại, cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh (cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát); cựu thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao -C50); Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CNC) và Phan Sào Nam (cựu Giám đốc VTC Online) vẫn chưa có đơn kháng cáo.
Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ cho biết, theo quy định, các bị cáo có quyền kháng cáo trong vòng 15 ngày kể từ thời điểm tòa sơ thẩm tuyên án. Tuy nhiên, tới ngày hôm nay (17.12), tức là đã 17 ngày kể từ ngày tòa tuyên án (30.11), TAND tỉnh Phú Thọ chưa nhận được đơn kháng cáo từ 4 bị cáo nêu trên.
Theo ông Dụng, trong vụ án trên, tại buổi tuyên án, ông Phan Văn Vĩnh vắng mặt vì lý do sức khỏe. Do đó, thời hạn nộp đơn kháng cáo sẽ được tính từ ngày tống đạt bản án. “Ông Vĩnh còn vài ngày nữa để quyết định có kháng cáo hay không” – ông Dụng nói.
Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ thông tin thêm, đến thời điểm hiện tại, đã có 21 trong tổng số 92 bị cáo vụ án đánh bạc trực tuyến nghìn tỷ đồng có đơn kháng cáo. Các bị cáo có đơn kháng cáo đều thuộc nhóm bị cáo phạm tội đánh bạc.
“Các bị cáo có đơn kháng cáo không kêu oan mà xin được hưởng án treo thay vì giam như bản án sơ thẩm đã tuyên”, ông Dụng nói.
Trong khi đó, trao đổi với báo chí, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (người bào chữa cho ông Phan Văn Vĩnh trong phiên sơ thẩm vừa qua) cho hay, cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát đã quyết định không kháng cáo.
Tòa chưa nhận được đơn kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thanh Hóa, Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam.
Trước đó, sau 3 tuần xét xử, nghị án, ngày 30/11, HĐXX TAND tỉnh Phú Thọ đã đưa ra bản án với các bị cáo liên quan tới vụ tổ chức đánh bạc nghìn tỷ trên mạng internet.
Nhận định chung về vụ án, HĐXX cho rằng, đây là vụ án có quy mô rộng, số lượng bị cáo lớn và tính chất phức tạp và liên quan đến nhiều cá nhân, tổ chức.
Trong đó, có cả các bị cáo công tác trong cơ quan bảo vệ pháp luật. Người thực hiện hành vi phạm tội đều nhận thức được hành vi của mình gây nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn thực hiện vì động cơ, vụ lợi. Đây là vụ án đầu tiên xử lý các đối tượng đánh bạc trên mạng bằng công nghệ cao. Trong đó có nhiều bị cáo có trình độ xuất sắc về công nghệ thông tin nhưng thiếu hiểu biết pháp luật.
Hành vi phạm tội các bị cáo rất đáng trách và cần được xử lý nghiêm nhưng cũng cần có chính sách nhân đạo, khoan hồng.
Việc đưa ra xét xử 2 bị cáo (Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa) từng công tác và giữ chức vụ cao trong cơ quan bảo vệ pháp luật về tội “Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ”; tiếp tục làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong giai đoạn 2 là thể hiện sự kiên quyết trong đấu tranh phòng chống tham nhũng mà Đảng, Nhà nước đã và đang thực hiện, không có vùng cấm, không có ngoại lệ hay đặc quyền bất kể người đó là ai.
Việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với 2 bị cáo - những người từng đạt nhiều thành tích trong giữ vững an ninh chính trị, an toàn xã hội, là điều không mong muốn nhưng vẫn phải trừng trị nghiêm minh, thể hiện sự bình đẳng của pháp luật không phân biệt thành phần địa vị xã hội.
HĐXX phạt Phan Văn Vĩnh 9 năm tù, Nguyễn Thanh Hóa 10 năm tù cùng về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Cả hai bị cáo bị phạt bổ sung 100 triệu đồng.
HĐXX tuyên phạt Nguyễn Văn Dương 5 năm tù tội về “Tổ chức đánh bạc”, 5 năm tù tội “Rửa tiền”, tổng hợp hình phạt từ 10 năm tù.
Phan Sào Nam 2 năm tù về tội “Tổ chức đánh bạc”, 3 năm tù về tội “Rửa tiền”, tổng hợp hình phạt 5 năm tù.
HĐXX đã đưa ra mức án với ông Phan Văn Vĩnh và các bị cáo liên quan tới vụ tổ chức đánh bạc, đánh bạc hàng nghìn tỷ...