Xét xử cựu đại tá Phùng Anh Lê: Nhân chứng khai gì?

Sự kiện: Tin nóng

Tại phiên xử, nhân chứng Phùng Văn Bảy nói và cho biết có đến gặp, đưa tiền cho cựu đại tá Phùng Anh Lê để nhờ vả thả nghi phạm Nguyễn Hữu Tài.

Bị cáo Phùng Anh Lê tại phiên toà.

Bị cáo Phùng Anh Lê tại phiên toà.

Hai cấp dưới của cựu đại tá Phùng Anh Lê khai nhận trước toà

Sáng 12/8, TAND Hà Nội xét xử cựu Trưởng công an quận Tây Hồ (Hà Nội) Phùng Anh Lê về tội Nhận hối lộ.

3 cựu cán bộ Công an quận Tây Hồ là Nguyễn Đức Châu (cựu Đội trưởng hình sự), Vũ Công Ngọc (cựu Đội phó hình sự) và Lê Đình Trung (cựu Đội phó thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp) cũng bị xét xử về tội Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù.

Bị cáo Phùng Anh Lê được cách ly khỏi phòng xử án. Là người đầu tiên trả lời thẩm vấn, bị cáo Lê Đình Trung cho biết, đêm 22/9/2016, bị cáo được phân công trực chỉ huy khu vực nhà tạm giữ. Khoảng 1h ngày 23/9, bị cáo Vũ Công Ngọc gọi bị cáo ra ngoài sân nói bị cáo Lê chỉ đạo thả Nguyễn Hữu Tài. Bị cáo hỏi quyết định đâu thì Ngọc nói sếp chỉ đạo, rồi gọi cho bị cáo Lê và mở loa ngoài điện thoại.

“Qua điện thoại, tôi nghe bị cáo Lê nói, anh Lê đây, em lấy thằng Tài ra khỏi nhà tạm giữ để cho Ngọc đưa về đội. Sau khi nghe chỉ đạo, tôi báo cáo Lê Sinh Hùng, Phó trưởng Công an quận Tây Hồ và ông Nguyễn Quang Huy Đội trưởng Đội cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp là người phụ trách các công việc tại nhà tạm giữ”, bị cáo Trung trình bày.

Sau đó, ông Lê Sinh Hùng có nói với Trung: “Châu nó vừa gọi đây rồi, sếp đã chỉ đạo thì cứ thể thực hiện và phải photo lại hồ sơ” còn ông Huy nói với Trung “Sếp đã chỉ đạo thì phải nghe thôi, quận này là của sếp cả, muốn làm gì chả được”.

Đến sáng 23/9, Trung và đồng nghiệp dẫn Nguyễn Hữu Tài ra khỏi nhà tạm giữ để bàn giao cho Vũ Công Ngọc.

HĐXX hỏi, khi giao Tài lại cho bị cáo Ngọc có quyết định hủy bỏ lệnh tạm giữ không?, bị cáo Trung nói không có và cho rằng việc thả Nguyễn Hữu Tài ra về là thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo Phùng Anh Lê.

Trả lời HĐXX bị cáo Vũ Công Ngọc khai khi cơ quan công an tạm giữ Tài, anh ta đã mang hồ sơ vụ việc đến phòng bị cáo Lê. Xem xong biên bản ghi lời khai, đơn đầu thú và bản tự kiểm điểm của Tài, bị cáo Lê nói rằng việc tạm giữ Tài không có căn cứ.

“Bị cáo Lê nói nó không có tội gì cả, ông giữ nó sai, không có căn cứ, đêm nay nó chết ở đấy thì ai chịu trách nhiệm?. Sau đó, bị cáo Lê chỉ đạo tôi đến nhà tạm giữ đưa Tài ra ngoài”, bị cáo Ngọc nói.

Nhân chứng khai gì?

Bị cáo Lê Đình Trung.

Bị cáo Lê Đình Trung.

Tiếp đến, HĐXX thẩm vấn các nhân chứng và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trình bày tại tòa, chị Hiền (vợ Nguyễn Hữu Tài) kể, tháng 9/2016, Tài liên quan vụ đánh nhau nên bị Công an Tây Hồ triệu tập vào sáng 22/9. Sau khi biết chồng bị tạm giữ, chị Hiền cùng bố đến nhờ một người họ hàng là Thắng tìm cách giúp Tài không bị tạm giữ hay xử lý hình sự.

Chiều 22/9/2016, Thắng thông báo gia đình cần chuẩn bị số tiền 110 triệu đồng để lên giảng hòa cho Tài. Sau khi vay mượn bạn bè và người thân, chị Hiền đã đưa cho Thắng 103 triệu. Khoảng 22h ngày 22/9, Hiền đến cổng Công an Tây Hồ rồi đưa tiền cho Thắng. Sau đó, Thắng đưa tiền cho ông Phùng Văn Bảy (chú họ của ông Lê).

"Đến nửa đêm thì tôi nghe thông báo Tài đã được ra về. Khoảng một tuần sau, chồng tôi được Công an quận Tây Hồ gọi lên để hòa giải. Sau đó, vợ chồng tôi bỏ ra 15 triệu để hòa giải", chị Hiền nói trước HĐXX.

Đối chất với chị Hiền, ông Phùng Văn Bảy thừa nhận mình có quan hệ họ hàng với Phùng Anh Lê. Ông Bảy nói, trưa 22/9/2016, được Thắng gọi điện thông báo việc gia đình Tài muốn liên hệ để hòa giải. Ông Bảy gọi điện nhờ bị cáo Lê bảo bồi thường cho người ta 110 triệu nên ông nói với Thắng chuẩn bị tiền.

Ngày 22/9, sau khi nghe Thắng nói đã lo được tiền, ông Bảy gọi lại cho bị cáo Phùng Lê và được hướng dẫn lên phòng làm việc ở trụ sở công an quận. Sau đó, ông Bảy nhận 103 triệu đồng và cho vay thêm tiền cho đủ 110 triệu đồng. Sau khi đến gặp bị cáo Lê tại phòng làm việc, ông Bảy đã đưa tiền cho cựu đại tá Công an quận Tây Hồ.

Tại tòa, khi nói về việc viết lá thư xin lỗi gửi bị cáo Lê ngày 6/3/2021, ông Bảy cho rằng, tháng 3/2021 bị cáo Lê cùng vợ là bà Thương đến nhà ông ở Ứng Hoà, Hà Nội. Tại đây, bà Thương đọc cho ông Bảy viết thư xin lỗi gửi bị cáo Lê.

“Tôi viết thư với mục đích xin lỗi bị cáo Lê vì đã nhờ vả gây ảnh hưởng đến công việc của ông ấy, không vì lý do nào khác. Sau khi viết xong, tôi đã đưa lá thư cho bà Thương”, ông Bảy nói.

Ngày 23/9/2021, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao khởi tố, bắt giam Phùng Anh Lê về tội Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù. Thời điểm đó, bị cáo Lê bị điều tra vai trò liên quan đến vụ thả Nguyễn Hữu Tài, nghi phạm vụ cướp tài sản, mà không xử lý hình sự.

Quá trình tố tụng, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã thay đổi tội danh, ra cáo trạng truy tố ông Lê về tội Nhận hối lộ sau khi có căn cứ xác định bị can đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, yêu cầu đưa 110 triệu đồng rồi chỉ đạo cấp dưới thả tên cướp hồi tháng 9/2016.

VKS đánh giá cựu đại tá Phùng Anh Lê không thành khẩn khai báo, ngoan cố chối tội, đổ lỗi cho cấp dưới. Bị can cũng không thừa nhận việc nhận 110 triệu đồng. Còn các bị can Nguyễn Đức Châu, Vũ Công Ngọc, Lê Đình Trung biết chỉ đạo của ông Lê là trái pháp luật nhưng vẫn chấp hành.

Nguồn: [Link nguồn]

Triệu tập 12 người làm chứng đến phiên xử cựu đại tá Phùng Anh Lê

Bị cáo Phùng Anh Lê có 7 luật sư đăng ký bào chữa. HĐXX đã triệu tập 12 người làm chứng, 2 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Gia Linh ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN