Xét tuyển ĐH: Điểm trúng tuyển càng phút cuối càng tăng
Chỉ còn 1 ngày nữa các trường đại học sẽ khóa sổ nộp hồ sơ, kết thúc đợt xét tuyển nguyện vọng 1. Hiện các trường đã công bố danh sách điểm trúng tuyển tạm thời. Tuy nhiên, nhiều trường, điểm số vẫn thay đổi theo hướng tăng.
Thí sinh rút - nộp hồ sơ tại Học viện Hành chính Quốc gia ngày 19.8.
Điểm trúng tuyển không hạ
Theo ghi nhận của phóng viên ngày 19.8, trước hạn chót 1 ngày trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1 tại Trường Đại học Giao thông Vận tải, Học viện Hành chính Quốc gia, Đại học Thủy lợi… rất đông thí sinh đến xin rút và nộp hồ sơ.
Tại Đại học Giao thông Vận tải, theo thống kê đến hết ngày 18.8, số hồ sơ rút ra khỏi trường là 500 em. Riêng ngày 19.8, tính tới 11h trưa có khoảng 600 em rút hồ sơ.
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Văn Long - Trưởng phòng Khảo thí, Đại học Giao thông Vận tải - cho biết, trong những ngày qua, cứ 3 ngày một lần, điểm trúng tuyển tạm thời tăng khoảng 0,5 điểm. Điểm tăng lên đều, không có ngành nào hạ điểm chuẩn dự kiến.
“Hôm qua cập nhật sau một ngày thì quy luật tăng bằng quy luật tăng của 3 ngày. Trước đây, 3 ngày tăng 0,5 điểm thì hiện nay chỉ 1 ngày đã tăng 0,5 điểm”, ông Long cho hay.
Do đó, theo ông Long, thí sinh nên nghĩ đến chuyện không kiểm soát được sự bùng nổ của một ngành nào đó. Thí sinh cũng nên tham khảo điểm chuẩn tạm thời của từng ngành trong mấy ngày vừa qua.
Ông Bùi Huy Tùng - Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Hành chính Quốc gia - cho biết, trong 2 ngày qua, học viện có ngành tăng 0,5 điểm, có ngành tăng từ 1,5 đến 2 điểm. Do đó, những thí sinh hiện tại trúng tuyển có thể ngày cuối bị tụt hạng, lúc đó cũng không kịp rút ra để nộp vào trường khác nữa.
Ông Tùng lý giải, điểm trúng tuyển dự kiến tăng do các trường công bố mức điểm trúng tuyển tạm thời. Điều này như con dao hai lưỡi, nếu không cẩn thận sẽ gây hại cho thí sinh. Khi thí sinh biết được thông tin điểm trúng tuyển tạm thời hoặc là sẽ ào ạt rút ra tại một khoa, ngành nào đó, hoặc sẽ ào ạt nộp vào. Trong trường hợp, nếu trường quá thiếu hồ sơ hoặc quá thừa hồ sơ sẽ đẩy điểm trúng tuyển lên cao hoặc hạ thấp.
Đồng quan điểm, đại diện Phòng Đào tạo, Đại học Công nghiệp Thực phẩm bày tỏ: “Tôi lo nhất là điểm chuẩn có biến động theo hướng càng về phút cuối càng tăng. Điều này gây rủi ro cho nhiều thí sinh có điểm ngang ngưỡng trúng tuyển tạm thời”.
Còn đại diện Đại học Ngoại thương Hà Nội cho biết, tính đến hết ngày 19.8, điểm chuẩn tạm thời của nhiều ngành trong trường tiếp tục tăng 0,25 điểm so với ngày trước đó.
Đừng quên chọn ngành yêu thích
Tại Đại học Thủy lợi, ông Trịnh Minh Thụ - Phó Hiệu trưởng nhà trường - biết, thí sinh nộp hồ sơ vào Đại học Thủy lợi điểm dao động trong khoảng 18 đến 22. Trường đang nhận được nhiều sự quan tâm của thí sinh với số điểm cao là ngành Kỹ thuật công trình xây dựng, Kế toán...
Tại Đại học Thủy lợi, những ngày cuối, lượng thí sinh nộp vào những ngành top giữa nhiều hơn nên điểm cũng có sự tăng nhẹ.
Với lo lắng của nhiều thí sinh, băn khoăn chưa quyết định được việc chọn trường, chọn ngành trong ngày cuối cùng của đợt xét tuyển, ông Thụ khuyên, thời điểm này là giai đoạn nước rút trong việc chọn ngành, chọn trường. Mặc dù việc tính toán điểm số phù hợp, song trước tiên thí sinh cũng nên cân nhắc tới sự yêu thích của bản thân với ngành mình định theo học. Bởi ngành này nó sẽ gắn bó với các em trong suốt quãng đời còn lại.
"Khi đặt bút viết lên nguyện vọng của mình, thí sinh hãy lắng lại để bình tâm suy nghĩ. Nếu quá khó khăn có thể nhờ thầy, cô tư vấn", ông Thụ nói.
PGS Nguyễn Văn Long - Trưởng phòng Khảo thí, Đại học Giao thông Vận tải - cũng khuyến cáo, thí sinh phải nghĩ đến chuyện không thể kiểm soát được sự bùng nổ của một ngành nào đó. Thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn tạm thời của từng ngành trong mấy ngày vừa rồi. Tuy nhiên, thí sinh hiện nay hầu như đang lựa chọn theo cảm tính. Mục tiêu số 1 là vào đại học, sau đại học mới là nguyện vọng, sau nguyện vọng mới nghĩ tới trường.
Ông Trần Mạnh Dũng - Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng - cũng khuyến cáo, trong khoảng thời gian từ nay tới hết ngày mai (20.8), cán bộ đào tạo của trường sẽ phải "căng như dây đàn" để phục vụ việc rút - nộp hồ sơ của thí sinh. Tuy nhiên, thí sinh phải kiên trì, không nên hùa theo tâm lý đám đông, ào ào rút hồ sơ sẽ có nguy cơ trượt đại học.