"Xếp hàng" chờ mua đất lo hậu sự ở Thủ đô

“Bố tôi là thế hệ chủ nhiệm HTX đầu tiên nên mới được ưu tiên có một suất “để dành” cho cụ bà, chứ thế hệ chúng tôi thì xếp hàng dài cũng chưa đến lượt…” – ông Đặng Văn Cảnh thành thật khi nói về… chuyện lo hậu sự của người già trong gia đình.

“Nếu chồng lên nhau, thì may ra có chỗ!”

Chuyện người dân Thủ đô mươi năm trở lại đây lo lắng vì chuyện hậu sự do phần lớn nghĩa trang trong nội đô đã chật kín và quá tải là điều hoàn toàn có thật.

Thậm chí, song song với đợt sốt đất Ba Vì do “làn sóng ảo”, những địa danh như Đường Lâm, Tản Viên… càng trở nên nổi tiếng vì “người thành phố” đua nhau về “mua đất”, “đặt chỗ” cho việc hậu sự của thân nhân mình, nhất là khi có tin đồn đó là những nơi… mả phát!

"Xếp hàng" chờ mua đất lo hậu sự ở Thủ đô - 1

Ông Đặng Văn Cảnh buồn rầu bên khu mộ nghĩa trang dòng tộc

Chưa hết, một câu chuyện được chính ông quản trang của một nghĩa trang trong nội thành Hà Nội kể: có những gia đình giàu có, đại gia… năm lần mười lượt đến nhờ cậy ông, rằng nếu có nhà nào chuyển mộ thì nhớ “nhận phần” giúp, tiền bạc bao nhiêu gia đình này cũng đáp ứng.

Bởi vì, thứ nhất là nội thành, việc khói nhang cho các cụ thuận tiện; thứ hai, là nguyện vọng của những người sống cũng muốn song thân phụ mẫu của mình lúc nào cũng gắn bó, gần gũi bên nhau, kể cả lúc chết.

"Xếp hàng" chờ mua đất lo hậu sự ở Thủ đô - 2

Nghĩa tranh Chùa Láng chật chội không có chỗ chen chân.

Nhiều chuyện buồn khác, hai dòng họ vốn chi trên chi dưới, cùng nội tộc mà cũng mâu thuẫn, “cạch mặt” nhau chỉ vì chuyện tranh phần đất xây mộ… Thời buổi tấc đất tấc vàng, đến cả đất nghĩa trang cũng bị tranh giành, mà thậm chí “tiền tấn” chồng lên cũng không mua được vì đã… chật kín.

Nằm ở cửa ngõ Thủ đô, làng Láng (phường Láng Thượng, quận Đống Đa) nổi danh với cây húng Láng có vị thơm khác biệt. Sở dĩ có vị thơm đặc biệt ấy, là nhờ thổ nhưỡng của đất làng Láng có sự đặc biệt không vùng nào có.

Thế nhưng, câu chuyện về đất hậu sự của làng Láng cũng là một vấn đề nhiều người quan ngại.

Ông Đặng Văn Cảnh (phường Láng Thượng) buồn rầu bên hàng bia mộ nội tộc. Cụ thân sinh ra ông nguyên là chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp Láng Thượng. Cụ đã viên tịch được gần chục năm. Bên cạnh phần mộ của cụ, một khu đất trống đã được xây cất rộng hơn 1m2, lớp vữa trát bên ngoài đã ngả màu xám xịt vì thời gian.

Ông Cảnh thật thà: “phần” ấy là “chỗ để dành” cho cụ bà. Gia đình nhà ông may mắn “nhận phần” được chỗ đất quý hiếm ấy, hai cụ song thân sau này được ở gần nhau. Đấy cũng là nhờ cụ thân sinh của ông Cảnh là Chủ nhiệm hợp tác xã từ lâu, chứ nếu chỉ là xã viên bình thường cũng không có cơ may đó!

Theo ông Cảnh, đất nghĩa trang làng Láng đã chật kín chỗ từ rất lâu, không gia đình nào có thể “chen chân” xí chỗ được, dù có làm "ông nọ bà kia" đi nữa. Phần lớn các gia đình có người thân mai táng tại đây, theo tâm linh phương Đông, “mồ yên mả đẹp”, chẳng nhà nào chuyển đi đâu cả.

"Xếp hàng" chờ mua đất lo hậu sự ở Thủ đô - 3

Con đường nhỏ hẹp từ làng Láng sang chùa Láng cắt qua nghĩa địa làng, giờ trở thành con đường độc đạo để người dân làng Láng đi lại.

“Nhà nào nhanh chân nhận phần từ chục năm trước, thì may ra có chỗ “dự trữ”, chứ đến thời tôi, thời con cháu thì đừng có mà mong. Nếu chồng lên nhau được thì may ra có chỗ!” – ông Cảnh nói.

Ngay sau khu nghĩa địa làng Láng, còn một khu đất trống chừng hơn ngàn m2. Ông Cảnh bảo, đấy là khu đất phần trăm của xã viên hợp tác xã nông nghiệp Láng Thượng được quy hoạch làm đất cao sản từ trước.

HTX nông nghiệp không còn tồn tại, cây húng Láng – niềm tự hào của người Láng Thượng đã nằm trong “danh sách bảo tồn”, chủ đất chẳng ai bảo ai, tự ý cắt đất ra bán, mỗi m2 bán cũng được cả chục triệu bạc, đấy là mươi năm về trước.

Giờ, gia đình nào có nhu cầu, giá m2 đất để làm hậu sự ấy, chắc phải gấp lên rất nhiều lần, mà chưa chắc đã có người bán.

“Không có đất xây trụ sở cho Ban quản trang!”

Ông Lâm Văn Thanh, Chủ nhiệm HTX dịch vụ thương mại buồn rầu: HTX của ông, trước là HTX nông nghiệp. Thế nhưng, quỹ đất nông nghiệp của HTX đã hết từ lâu lắm, chỉ còn một phần nhỏ, tới đây có con đường chạy từ đền Voi Phục (công viên Thủ Lệ) chạy cắt sang khu Pháo Đài Láng sẽ xén hết phần đất còn lại.

Về nghĩa trang làng Láng, ông Thanh cho hay: trước, làng Láng (phường Láng Thượng) có hai khu nghĩa trang: một khu mộ ướt, một khu mộ khô. Khu mộ ướt nằm ngay phái sau Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã bị giải tỏa để xây dựng khu giãn dân.

Từ năm 1995, khu mộ khô (nằm liền kề với Chùa Láng) đã được chủ trương cấm chôn cất, mai táng. Lý do: nghĩa địa đã hết đất xây dựng.

"Xếp hàng" chờ mua đất lo hậu sự ở Thủ đô - 4

Khu đất phần trăm của người dân Láng Thượng đang “phất” vì nhu cầu mua đất làm hậu sự của nhiều hộ gia đình trong làng.

Vẫn câu chuyện của ông Thanh: Tôi là chủ nhiệm HTX thật, nhưng mới vừa giờ, ông chú ruột tôi mất cũng không có chỗ để chôn cất, phải đi mua bên ngoài. HTX bây giờ còn hơn 100 xã viên, nhưng vì hết đất canh tác nên HTX cũng phải đổi tên, chuyển ngành nghề thành HTX dịch vụ thương mại.

"Khu nghĩa trang (chôn cất mộ khô) này, luật bất thành văn là “để dành” cho các xã viên HTX. Nhưng giờ, đất đai ngày càng thu hẹp, nghĩa địa đã chật kín hơn chục năm trước nên kể cả tôi là chủ nhiệm HTX cũng chẳng có phần!" - ông Thanh nói.

Ông Thanh cho hay: nghĩa trang làng Láng có diện tích hơn 4.000m2, thế nhưng đã chật kín từ hơn chục năm trước. UBND phường Láng Thượng đã có chỉ đạo cấm chôn mộ tươi, chỉ chôn cất mộ khô, nhưng cũng không còn.

Dân làng có thân nhân mất, phải tự xoay xỏa tìm chỗ khác, mà phần lớn là đi mua đất nghĩa trang cách xa vài chục km.

Ông Thanh buồn rầu: đất nghĩa trang chật kín, ngay cả việc HTX muốn xây dựng một căn nhà nhỏ để làm trụ sở cho ban quản trang cũng không có. Thế nên, Ban quản trang của nghĩa trang Chùa Láng cũng đành “đặt trụ sở” trong trụ sở của HTX thương mại dịch vụ Láng Thượng”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kiên Trung (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN