Xếp hàng chờ ăn, sao phải xấu hổ?
Câu chuyện xếp hàng để ăn, uống đang trở thành đề tài tranh cãi trong thời gian gần đây. Nhiều người cho rằng, xếp hàng chờ ăn là nét văn hóa lịch sự. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến trái chiều đưa ra, xếp hàng chờ ăn sẽ khiến họ cảm thất rất xấu hổ.
Xếp hàng dưới mưa nắng để… ăn, uống
Sáng ngày 30/8, người dân lại xếp hàng dài chờ mua bánh tại cửa hàng bánh trung thu truyền thống trên đường Thụy Khuê (Hà Nội). Đây là năm thứ 2, thương hiệu bánh này nhận được sự quan tâm đặc biệt của khách hàng.
Người dân xếp hàng chờ mua bánh Trung thu truyền thống trên đường Thụy Khuê
Hà Nội không thiếu những thương hiệu, cửa hàng bánh trung thu nổi tiếng. Tuy nhiên, để khách phải xếp hàng dài chờ mua thì chỉ có cửa hàng bánh Trung thu nổi tiếng trên đường Thụy Khuê này.
Trước đó, hẳn không ít người biết đến cái tên “phở xếp hàng” - phở Bát Đàn, Hà Nội. Người ta gọi là “phở xếp hàng” vì muốn ăn, khách hàng phải xếp hàng để chờ tới lượt. Có lẽ, đây trở thành “phong cách” rất riêng biệt của cửa hàng này. Thậm chí, có những ngày mưa, khách sẵn sàng mặc áo mưa chờ đợi tới lượt.
Bên cạnh những “thương hiệu xếp hàng”, của Việt Nam, các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới cũng đang ùa vào thị trường Việt như một làn sóng mới trên “sân chơi” ẩm thực. Việc xếp hàng để thưởng thức những món ăn, đồ uống lại một lần nữa khiến nhiều người chú ý.
Gần đây nhất, ngày 24/8, trung tâm quận 1, TP HCM trở nên náo động bởi hàng trăm bạn trẻ xếp hàng để chờ đến giờ khai trương chuỗi cà phê nổi tiếng của Hàn Quốc.
Rất nhiều người xếp hàng hơn 1 tiếng để chờ mua cà phê Hàn Quốc vừa khai trương tại Sài Gòn (Ảnh người lao động)
Thương hiệu này rất “khôn khéo”khi mời diễn viên nổi tiếng Hàn Quốc Lee Jong Suk làm đại sứ thương hiệu để thu hút giới trẻ. Từ 4h sáng, rất nhiều người đã kéo đến trước cửa hàng Caffe Bene trên đường Đồng Khởi (quận 1) để chờ giờ bốc số thứ tự vào quán. Mặc cho trời nóng bức, hàng trăm học sinh, sinh viên vẫn chờ xếp hàng tới giờ khai trương.
Tất nhiên, đây cũng không phải điều gì mới mẻ bởi, cách đây 1 tháng, “ông lớn” Starbucks cũng gây bão trên thị trường trong ngày khai trương chuỗi cửa hàng tại Hà Nội. Dòng người tìm đến cửa hàng xếp hàng dài cả trên vỉa hè.
Câu chuyện “xếp hàng” để ăn uống đã được đưa lên “bàn mổ” từ lâu. Nhiều luồng ý kiến trái chiều về việc có nên xếp hàng để chờ ăn một bát phở hay không? Xếp hàng để ăn uống có xấu hổ không trở thành đề tài thú vị.
Xếp hàng ăn, uống có xấu hổ không?
“Bản thân việc xếp hàng để ăn uống chưa nói lên rằng điều đó "đáng xấu hổ" hay thể hiện "tính văn minh", Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho biết.
Theo ông Vĩ, xếp hàng mà trật tự, vui vẻ, tự nguyện, tôn trọng lẫn nhau thì đó là văn minh. Xếp hàng mà vì miếng ăn, chen lấn xô đẩy lộn xộn thì đáng xấu hổ.
Ông Vĩ cho biết, văn hóa ẩm thực nói chung có nhiều điều đáng chú ý, ăn uống cái gì? ăn cái mình cần, cái mình khoái, cái mình cần trải nghiệm, cái phù hợp với sức khỏe, khẩu vị và tín ngưỡng. Ăn uống khi cần những giao tế cộng đồng tích cực, khi mình hữu ích và là niềm vui cho cộng đồng. Nên chọn đối tác mà ăn uống, ông Vĩ cho biết.
Bên cạnh đó, ông Vĩ cho rằng, ẩm thực phải vui, đẹp, sạch, lịch sự và tôn trọng lẫn nhau. Văn minh lịch sự nhất chính là: trong văn hóa ẩm thực tinh thần tự trọng và tôn trọng con người.
GS.TS Ngô Đức Thịnh (Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam) cho rằng: “Tâm lý của ai cũng vậy không muốn phải xếp hàng chờ đợi, nhưng nếu người phục vụ không đáp ứng đủ một lúc cho tất cả thì phải xếp hàng chờ tới lượt mình”.
"Ở nước ngoài khi phải xếp hàng để mua thứ gì, họ xếp hàng với tâm lý rất thoải mái, bĩnh tĩnh và lịch sự. Ở Việt Nam xếp hàng theo kiểu bức bối, thậm chí chen ngang. Hành động này vô văn hóa, cần phải điểu chỉnh", GS Thịnh chia sẻ.
Theo GS. TS Ngô Đức Thịnh, việc xếp hàng để nhận phần ăn, uống không có gì xấu hổ, là việc hết sức bình thường. Nếu cho rằng phải xếp hàng để ăn, uống là mất thời gian, hành động vô ích thì bản thân người đó không nên có nhu cầu ăn, uống thứ đó nữa.
"Muốn được ăn, uống và được phục vụ thứ mình thích thì phải chấp nhận việc xếp hàng. Người ta tới trước thì được phục vụ trước, nếu chen ngang thì đó là hành động ăn cắp thời gian của người khác. Nước ta nên giáo dục ý thức, hành vi văn hóa đó, không ai muốn phải xếp hàng nhưng trong điều kiện không thể phục vụ cùng một lúc thì phải xếp hàng đó là văn mình mà người Việt Nam cần học hỏi và giáo dục. Trước vấn đề đó cần có ứng xử cho có văn hóa", GS Thịnh cho biết.