Xem lâm tặc hạ nghiến ở vườn QG Ba Bể

Khi rừng gỗ nghiến tại các huyện Bạch Thông, Na Rì (Bắc Kạn) bị khai thác cạn kiệt, lâm tặc chuyển sang tàn phá gỗ nghiến ở vùng lõi Vườn Quốc gia Ba Bể.

Lâm tặc thường xuyên đốn hạ nghiến ở Cốc Tộc, Pác Ngòi, Bản Cám, Khâu Qua, thuộc địa phận xã Nam Mẫu. Đây là vùng lõi của Vườn Quốc gia Ba Bể được bảo vệ nghiêm ngặt. Mặc dù rất nhiều chốt chặn của kiểm lâm được dựng lên, song không hiểu sao lâm tặc vẫn tuồn được gỗ ra ngoài tiêu thụ.

La liệt nghiến bị đốn hạ


“Khoảng 2 - 3h sáng, vợ chồng tôi nghe thấy tiếng cưa máy gầm rú, sau đó là tiếng cây đổ ầm ầm bên phía bản Cốc Tộc. Ở đây, ban đêm yên ắng lắm, nên cưa ở đâu là nghe tiếng ngay” - anh M. một người dân địa phương cho biết.

Để giúp PV tận mắt thấy những cây nghiến bị đốn hạ, anh M gọi người quen dẫn đường cho chúng tôi.

Bản Cốc Tộc - nằm ngay giữa lòng hồ Ba Bể, muốn vào phải đi bằng xuồng máy hoặc đi bộ theo đường 254 rồi rẽ theo đường mòn (lâm tặc thường xuyên đi đường này vào ban đêm).

“Nếu có người lạ vào rừng, lâm tặc sẽ báo ngay cho đồng bọn để tẩu thoát. Hiện tại, có nhóm người Nhật Bản đang vợt bướm để nghiên cứu. Hôm trước em vừa đưa họ đi quanh vòng hồ. Để em mượn thêm mấy cái vợt cho các anh ngụy trang” - người dẫn đường tên N. nói.

Xuống bến xuồng Bó Lù, bắt đầu cuộc hành trình được khoảng 20 phút, chúng tôi gặp người đàn ông đang đứng trên chiếc thuyền độc mộc, núp khuất trong các tán lá ven hồ.

Người này đội mũ cối, mặc áo phông trắng, quần đùi đỏ, hướng cặp mắt chằm chằm về phía chúng tôi. Theo N., đây là “chim lợn” của lâm tặc.

Xem lâm tặc hạ nghiến ở vườn QG Ba Bể - 1

Những cây gỗ nghiến bị lâm tặc tàn phá trong Vườn Quốc gia Ba Bể

Ba Bể là một trong những Vườn Quốc gia có độ che phủ và tỷ lệ rừng nguyên sinh cao trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam. Để vào sâu bên trong, lâm tặc phải đốn hạ nhiều cây tạp nằm chắn đường đi.

Sau một hồi luồn lách dưới những khóm dây gai chằng chịt, bám vào từng tảng đá sắc nhọn mà di chuyển, chúng tôi thấy một cây gỗ nghiến vừa bị đốn hạ. Thân cây bị xẻ thành nhiều tấm dày khoảng 15cm.

Xem lâm tặc hạ nghiến ở vườn QG Ba Bể - 2

Những gốc cây còn tươi sau khi bị đốn hạ

Theo N., cây nghiến này vừa bị chặt tối qua vì mùn cưa còn rất mới, lá ở ngọn vẫn xanh. Lâm tặc đã lấy những tấm bìa tốt, bỏ lại vỏ bìa bên ngoài.

Đi tiếp khoảng 100m, xuất hiện những tấm thớt nghiến dày khoảng 20cm, đường kính rộng 40 - 50cm. “Chúng xẻ gỗ ra thành những tấm thớt để dễ vận chuyển và tẩu tán” - N giải thích.

Lâm tặc chọn những cây nghiến cổ thụ, gỗ tốt, đánh dấu rồi chọn thời điểm thích hợp ra tay.

“Một nhóm có hai hoặc bốn, năm người, vừa cảnh giới, vừa đốn hạ. Có khi chủ gỗ thuê người dùng cưa lốc, cưa xăng chặt cây, rồi rút về nếu thấy động. Việc xẻ gỗ, vận chuyển lại thuê nhóm khác” - N cho biết.

Chỉ cưa đổ cây đã được chủ gỗ trả 500.000 đồng. Một cây gỗ cổ thụ, lâm tặc chỉ mất 1 - 2 tiếng đốn hạ, xẻ thành những cục thớt mang về.

Mỗi thớt nghiến như thế, nếu mua tại rừng chỉ 200.000 đồng. Sau khi vận chuyển trót lọt qua các chốt kiểm lâm, chủ đầu nậu sẽ mua lại với giá 500.000 - 700.000 đồng.

Nhiều gốc cây ba người ôm không xuể bị lâm tặc bỏ lại vì sau khi cưa thấy ruột cây bị rỗng hoặc ruột đồng tâm, không vừa ý của chúng.

Theo N. thứ mà lâm tặc rất muốn tìm được chính là mắt nghiến, còn được gọi là bừu hay ngọc nghiến, rất có giá trị về kinh tế.

Từ mắt nghiến, có thể tạc ra các sản phẩm mỹ nghệ hình chim muông, các loài thú để bán cho đại gia với giá lên tới hàng chục triệu đồng.

Xem lâm tặc hạ nghiến

Sau nhiều ngày dò hỏi, cuối cùng, người dẫn đường tên N cũng biết khu vực lâm tặc sẽ đốn hạ gỗ nghiến. Chiều hôm đó, N giả vờ đi hỏi thuê cưa máy, vô tình biết được một nhóm đang chuẩn bị đi cưa nghiến trong bản Cốc Tộc vào buổi tối.

Xem lâm tặc hạ nghiến ở vườn QG Ba Bể - 3

Cảnh lâm tặc phá rừng ban đêm

Khoảng 12h đêm, bốn người trong nhóm chúng tôi nhẹ nhàng lên xuồng, lướt qua hồ Ba Bể, chầm chậm tiến vào bản Cốc Tộc. Gần tới bản, N tắt máy, ngồi yên. Xung quanh là một màu đen kịt của bóng tối.

Cả nhóm tiến vào bờ. Với hai chiếc đèn pin loại nhỏ, N dẫn đường, ba chúng tôi bám sát từng bước chân. Đường men theo khe suối không có nước, những viên đá sắc nhọn, trơn như đổ mỡ, khiến không ít lần trượt ngã, chảy máu.

Ít phút sau, trời đổ mưa rào. Chúng tôi chịu ướt tiến sâu vào rừng. Thêm 500m, bỗng có ánh đèn pin, rồi có tiếng người dân tộc vang lên.

N kéo ba người ẩn nấp, rồi tiến lên, bảo: “N. đây! Đang lên vác mấy cục thớt trên kia mà mưa to quá!”. Nói đoạn, N. tiến tới chỗ hai người đang lắp dây xích vào lưỡi cưa. Biết ý, chúng tôi nhẹ nhàng tìm chỗ ẩn nấp.

Xem lâm tặc hạ nghiến ở vườn QG Ba Bể - 4

Chai dầu lâm tặc vứt lại sau khi đốn nghiến

Qua ống kính máy quay, chúng tôi nhìn rõ hai gã đang tháo lắp lưỡi cưa vào máy và tra dầu. N. cũng bắt chuyện bằng tiếng dân tộc với họ. Xì xào vài câu, gã to cao, vạm vỡ giật nổ chiếc cưa lốc, tiến tới thân cây nghiến cổ thụ.

“Èn…èn…èn…”, tiếng cưa máy rít lên, vang cả rừng. Lưỡi cưa sắc lẹm liếm vào gốc cây. Mùn cưa bắn tung tóe khắp gốc cây. Trong chốc lát, lưỡi cưa đã liếm một vòng quanh gốc nghiến. Chợt có tiếng rắc… rắc, thân cây nghiêng dần rồi đổ rạp xuống đất.

Gã cưa cây áo quần ướt đẫm, dính đầy mùn cưa, cẩn thận bỏ chiếc cưa máy xuống đất, làm một ngụm rượu như để hồi sức.

Chúng ngồi nghỉ một lúc, vui mừng vì cưa được thân nghiến lệch tâm, hôm sau tha hồ xẻ thớt. Hai người tháo lưỡi cưa, thu dọn đồ nghề rồi mất hút...

Năm 1986, Ba Bể được công nhận là di sản văn hóa lịch sử Quốc gia. Năm 1995, Hồ Ba Bể được công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới. Năm 2003, Ba Bể được công nhận là Khu di sản của ASEAN và đang trình UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.

Ngày 2/2/2011, Vườn Quốc gia Ba Bể được công nhận là Khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế) của thế giới và là Khu Ramsar thứ 3 ở Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuấn Nguyễn (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN