Xem bói đầu năm: Giật mình thon thót

Sau Tết Nguyên đán, hàng ngàn người dân ở miền Trung kéo nhau đi xem bói. Do nhẹ dạ, cả tin, không ít người “hiến” cả tình lẫn tiền nuôi béo các thầy bói.

Nghe đồn “cô” Sáu Tưởng (ngụ thôn Tam Hòa, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc - Quảng Nam) ngoài việc biết trước số phận con người còn có thể nhập đồng gọi hồn, cầu khấn ơn trên giải hạn nên rất nhiều người đã tìm đến nhà “cô” để xin vận may.

Cứ xem bói là gặp hạn

Từ sáng sớm, chị Trần Thị A. (ngụ xã Đại Quang) đã xếp hàng chờ đến lượt mình. Ngồi chễm chệ trước bàn thờ, mắt lim dim, “cô” Sáu Tưởng cầm 3 cây nhang đưa qua đưa lại, rồi bất thình lình phun ngụm nước vào người chị A. Sau đó, “cô” phán: “Năm nay, gia đình con gặp nhiều tai ương lắm, chồng đi lăng nhăng bên ngoài và coi chừng sẽ có người chết”.

Nghe xong, chị A. mặt mày tái mét, toát cả mồ hôi rồi vội vàng vái lạy nhờ “cô” giải hạn. “Bao nhiêu tiền con cũng lo, chỉ mong cô làm ơn giải hạn cho con” - chị A. cầu khẩn. Cho rằng chưa đến ngày tốt nên “cô” Sáu Tưởng hẹn chị A. 2 ngày sau quay lại. Trước khi ra về, chị A. không quên bỏ 100.000 đồng vào chiếc đĩa trước mặt “cô” để bày tỏ lòng thành.

Xem bói đầu năm: Giật mình thon thót - 1

Chực chờ xem bói tại nhà “thầy” Xương (Thừa Thiên - Huế). Ảnh: QUANG TÁM

Trong khi đó, từ mờ sáng, hơn 20 người đã chầu chực tại các quán bún, cà phê gần nhà “thầy” Xương ở thôn Mỹ Lại, phường Hương Sơ, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Bà H. (64 tuổi) tựa người vào chiếc ghế, lấy mũ che mặt và tranh thủ chợp mắt đợi đến giờ gặp “thầy”. Giọng đầy mệt mỏi, bà cho biết: “Mấy hôm trước, tôi đến đây từ 9 giờ nhưng chờ suốt ngày mà không tới lượt. Hôm nay, con cái rảnh rỗi nên tôi bảo chở lên sớm”.

Đến 7 giờ, “thầy” Xương mặc áo màu đỏ bước vào bàn xem bói. Mẹ con bà H. cũng nhanh chân vào ngồi đối diện “thầy”. Chừng 20 phút sau, họ bước ra với khuôn mặt tái mét, lo lắng nói: “Thầy bảo năm nay, gia đình tôi gặp đại tang; con cái làm ăn không ra gì, bị người ta lừa; đi lại phải hết sức cẩn trọng chứ không mất mạng như chơi. Muốn giảm hạn thì vào ngày rằm hằng tháng phải dâng sao giải hạn, mời thầy về cúng”.

Phán đâu sai đó

Đợi từ 8 giờ đến 11 giờ, chị L. mới được “thầy” Trọng (ngụ phường Bình Định, TP Quy Nhơn - Bình Định) xem bói. Khi chị L. ngồi đối diện, “thầy” xòe bộ bài, bảo rút tay phải một lá, tay trái một lá.

Ngả bài, thầy vỗ đùi văng tục: “Chết mẹ rồi! Chồng cô có vợ bé thì phải”. Lời phán của ông ta khiến chị Lan trợn tròn mắt, phản ứng: “Cháu chưa có chồng mà thầy”. Nghe vậy, “thầy” nhanh miệng chữa cháy: “Vậy là thằng bồ của cô có người con gái khác. Bài hiện rõ lên đây nè. Bên cạnh nó có đến 2 phụ nữ”. Thấy chị Lan im lặng không phản ứng, “thầy” nói luôn một lèo: “Nhưng không sao, đen tình thì đỏ bạc mà. Năm nay, công việc làm ăn của cô khá thuận lợi đấy!”. Sau khi thầy nói xong, chị Lan trả lễ cho “thầy” 100.000 đồng.

Xem bói đầu năm: Giật mình thon thót - 2

Một “cô” ở Đà Nẵng đang xem bói cho khách. Ảnh: HOÀNG DŨNG

Tại nhà “thầy” Quang (ở xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh - Quảng Ngãi), do người đi xem bói quá đông, chúng tôi phải đợi hơn 2 giờ mới đến lượt. Sau khi đưa cho bạn tôi 9 lá bài và yêu cầu rút một lá, thầy Quang cầm bài phán chắc nịch: “Cậu năm nay vận số không được tốt lắm, mắc sao nặng, nếu không giải trừ sẽ gặp vận rủi”.

Nói xong, “thầy” Quang cầm tay lên xem rồi hỏi: “Có phải vợ bỏ nhà đi rồi không?”. Câu hỏi này khiến chúng tôi giật mình vì bạn tôi chưa có gia đình. Thầy Quang vội nói lại: “Vậy là coi chừng con bồ của “đệ”. Lá bài hiện rõ lên đây nè, có người đang theo nó dữ lắm”. Để giải hạn, “thầy” Quang cho rằng có thể lên chùa cúng nhưng để cho chắc thì bạn tôi phải quay lại thầy cúng sao, lễ vật không quá 1 triệu đồng. Toàn bộ quá trình xem bài, bói tay chỉ diễn ra trong vòng 2 phút nhưng bạn tôi vẫn đưa 50.000 đồng gọi là “cúng thần” cho “thủ quỹ” của thầy.

Tò mò về tài nghệ “cô” Sáu Tưởng”, phóng viên bịa ra câu chuyện tình duyên trắc trở, nhờ “cô” xem giúp. Chẳng cần nhìn, “cô” Sáu Tưởng phán ngay: “Đường tình duyên của con lận đận lắm. Qua 45 tuổi mới mong lấy được vợ”. Nghe câu phán này, người bạn đi cùng tôi phì cười bởi tôi đã có vợ con.

Có hàng ngàn lý do khiến người ta đổ xô đi xem bói. Thậm chí, nhiều cô gái trẻ vì cả tin vào những lời “thần thánh” đã bỏ công bỏ việc để chầu chực xem bói, thậm chí sẵn sàng tình nguyện phục vụ “thầy” như vợ chồng. Chẳng biết “có thờ có thiêng” đến đâu nhưng không ít người vì quá tin lời “thầy” đã khiến gia đình bất hòa, tiền mất tật mang. Chị Phạm Thị T. (ngụ đường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn) kể: “Tết năm ngoái, tôi lặn lội đi mấy chục cây số ra huyện Phù Cát - Quy Nhơn thì “thầy” phán nhà tôi năm vừa rồi chắc chắn có tang. Nghe vậy, cả năm rồi, gia đình tôi lúc nào cũng lục đục, cha mẹ già thì lo lắng suốt ngày. Kết cục, cuối năm có thấy sự vụ gì đâu. Kể từ đó, tôi cạch bói toán hẳn”.

Bỏ đạp xích lô đi làm thầy bói

Chỉ một ngôi làng nhỏ ở thôn Lưu Khánh của xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế có đến hàng chục người làm nghề bói toán. Hầu hết những người làm nghề bói toán như “cô” Dâu, “thầy” Vầy, “thầy” Hợp, “thầy” Sáng, “thầy” Út, “cô” Hương... ở làng Lưu Khánh, trước đây đều làm nghề chằm nón, thợ mộc, đạp xích lô, công nhân... Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, những người này cho rằng họ được ơn trên “độ” để giúp đỡ người trần.

Kể từ khi chuyển nghề, gia đình các “thầy”, “cô” đều có cuộc sống sung túc. Theo ghi nhận của chúng tôi, một người xem bói trung bình đặt quẻ cho “cô” Dâu 50.000 đồng nhưng có người khi nghe “cô” phán năm nay gia đình có nhiều vận may, con cái thành đạt thì không ngại cúng 100.000 - 200.000 đồng. Điều bất ngờ là hàng trăm người đến xem bói đều là những người ở địa phương khác, còn dân địa phương hầu như chưa một lần đến gặp các “cô”, “thầy”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dũng Tú - Tám Trực (Người lao động)
Tết Nguyên đán 2016 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN