Xe vượt tải trọng 300% sao chịu nổi

Sáng 3/10, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc kiểm điểm 9 tháng về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, yêu cầu các địa phương quyết liệt trong xử lý xe quá tải.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, 9 tháng đầu năm, tai nạn giao thông (TNGT) trên cả nước đã giảm đáng kể trên cả 3 tiêu chí trong điều kiện nhiều tuyến đường đang thi công, phương tiện giao thông tăng nhanh. Đây là cố gắng lớn của các ngành, các cấp và đồng thuận của nhân dân.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nghiêm khắc chỉ ra những yếu kém, hạn chế cần sớm được khắc phục như TNGT vẫn xảy ra nhiều, nhất là ở nông thôn và miền núi; vẫn còn xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng làm chết nhiều người. Tình trạng xe vi phạm chở quá tải vẫn còn diễn ra ở một số địa phương; dư luận về tiêu cực trong các lực lượng chuyên trách như CSGT, thanh tra giao thông, đăng kiểm vẫn còn trong nhân dân, làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của từng ngành.

Xe vượt tải trọng 300% sao chịu nổi - 1

Đoàn liên ngành kiểm tra xử lý xe quá khổ quá tải - Ảnh: Thanh Hải

“Xe vượt tải trọng 300% thì ai chịu nổi. Do vậy, công tác kiểm soát tải trọng phải làm mạnh hơn, phải truy ngược lại tại sao xe quá tải đi qua địa phương không phát hiện được, có bao che tiêu cực không?”, Phó Thủ tướng nói. 

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, để kiểm soát tải trọng Bộ đã yêu cầu các trung tâm đăng kiểm không đăng kiểm xe cơi nới. Xe đã bị cắt thùng rồi mà tiếp tục hàn nối thùng thì vĩnh viễn không cấp đăng kiểm. Bộ cũng yêu cầu các cảng biển ký cam kết không xếp hàng quá tải. Tại các trạm thu phí BOT sẽ đặt các trạm cân di động, kiểm soát sơ bộ nếu phát hiện xe quá tải thì dẫn vào trạm cân tĩnh để xử lý hạ tải. Ngoài ra, xem xét lắp camera toàn tuyến QL 1 để xử phạt nguội trong năm 2015- 2016.

“Cần thực hiện triệt để mọi giải pháp, phấn đấu kéo giảm số người chết do tai nạn giao thông năm 2014 xuống mức thấp nhất”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh

Trung tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) cho biết, lực lượng công an sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện tiêu cực tại trạm cân, giao Thanh tra Bộ và công an địa phương kiểm tra; vụ nào phức tạp thì giao CSHS, cảnh sát kinh tế điều tra xử lý.

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, tính từ ngày 16/12/2013 đến 15/9/2014, trên cả nước đã xảy ra 18.697 vụ tai nạn, làm chết 6.758 người, làm bị thương 17.835 người. So với cùng kỳ năm 2013 giảm 3.164 vụ (14,47%), giảm 282 người chết (4,01%), giảm 3.945 người bị thương (18,11%).

Trong 9 tháng có 45 tỉnh, thành phố có số người chết vì tai nạn giao thông giảm, trong đó 11 địa phương giảm trên 20%. Tuy nhiên, vẫn còn 14 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông tăng, trong đó 5 tỉnh tăng trên 25% là Cà Mau, Kiên Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Vĩnh Phúc.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao các bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình tham mưu với cấp trên ban hành các văn bản quản lý nhà nước cũng như tạo điều kiện cho hoạt động tuần tra, kiểm soát và kiềm chế tai nạn giao thông có hiệu quả. Tiếp tục siết chặt các điều kiện trong kinh doanh vận tải; khẩn trương, đẩy mạnh an toàn giao thông đường sắt, đường ngang dân sinh, đường thủy nội địa.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn giao thông trên các phương tiện truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc tuân thủ luật pháp về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Nhân (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN