"Xe vua" phá quốc lộ: Trách nhiệm bị đá như bóng
Sau khi Báo Giao thông đăng bài cảnh báo về sự nguy hiểm của nạn “xe vua” hoành hành trên QL9 đoạn từ cửa khẩu Lao Bảo - TP Đông Hà (Quảng Trị) thì đêm 22/3, một vụ lật xe chở gỗ xảy ra tại địa phận xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa. Xe biến dạng, hàng trăm tấn gỗ đổ xuống đường làm hai người đi đường bị thương.
“Bỗng dưng mất lái”!
Vụ lật “xe vua” xảy ra khoảng 23h đêm 22/3, xe container mang BKS 16N - 9305 kéo theo rơ-moóc 15R - 003.59, lưu thông trên QL9, chở gỗ từ Lao Bảo về TP Đông Hà (Quảng Trị). Nguyên nhân ban đầu được lái xe khai là “bỗng dưng mất lái” đâm vào sườn đồi rồi lật ngửa.
Hiện trường vụ tai nạn xe chở gỗ BKS 16N - 9305 lật trên QL9
Xin lưu ý, vụ tai nạn trên xảy ra sau khi Báo Giao thông đăng bài “Xe vua” chở gỗ tàn phá quốc lộ” (số 47 ra ngày 21/3/2014), trong đó đã cảnh báo tình trạng xe chở gỗ quá tải tàn phá QL9, đường 15B, đường Hồ Chí Minh theo các hướng cửa khẩu Lao Bảo và La Lay về TP Đông Hà (Quảng Trị). Trong quá trình điều tra, nhóm PV Báo Giao thông nhiều lần hoảng hồn trước cảnh “xe vua” chạy ẩu trên đường, buộc xe khác phải “né” xa. Tình hình mất ATGT do xe chở gỗ siêu nặng cũng được nhóm PV đề cập trong buổi làm việc với Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Quảng Trị ngày 20/3, nhưng tình hình chưa được xử lý rốt ráo, và tai nạn do xe chở gỗ siêu nặng đã xảy ra ngay sau đó.
Vì sao “xe vua” khiến CSGT bó tay?
Làm việc với PV Báo Giao thông, Phó trưởng phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Quảng Trị, Thượng tá Nguyễn Năng Điền khẳng định, CSGT rất khó xử lý xe quá tải. Thượng tá Điền cho biết: “Đầu năm nay, CSGT đã phối hợp với Thanh tra giao thông (TTGT) lên khu thương mại cửa khẩu Lao Bảo tổ chức hạ tải. Bất cứ xe gỗ nào đi qua chúng tôi cũng yêu cầu hạ tải 50%. Sau này, bãi hạ tải không còn nên CSGT không kiểm tra được!?”.
Đoàn xe tải chở cả trăm tấn gỗ lao vun vút trong đêm
Ông Điền cũng viện dẫn một lý do khác: “Chúng tôi đã từng dừng 30 xe yêu cầu hạ tải, UBND thị trấn Lao Bảo có kiến nghị dừng như vậy sẽ hỏng đường, thậm chí CSGT đã thử áp tải xe vi phạm về TP Đông Hà cân và xử lý phạt, nhưng như vậy thì đường vẫn hỏng”.
Cũng theo lãnh đạo CSGT Quảng Trị, việc thiếu bãi hạ tải và trạm cân khiến CSGT khó xử lý xe quá tải. Khi PV dẫn ý kiến một số chuyên gia cho rằng chỉ cần kiểm đếm hàng hóa hoặc căn cứ vào đơn hàng thì phát hiện ngay xe quá tải, thượng tá Điền bác bỏ: “Kiểm tra trọng tải thì phải đưa vào cân, không có quy định nào ước chừng tỉ trọng khối lượng gỗ ra trọng lượng hàng hóa”.
Trách nhiệm bị đá như bóng
Ông Hoàng Quang Vinh - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Trị dẫn chứng hàng chục văn bản chỉ đạo xử lý xe chở gỗ quá tải và nói với PV: “Chúng tôi cũng rất bức xúc. Tại các cuộc họp UBND tỉnh, Sở cũng đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị, thậm chí tổ chức nhiều buổi làm việc riêng với CSGT và Công an các địa phương nơi có xe gỗ đi qua để kêu gọi các lực lượng cùng xử lý”.
"Quan điểm của tỉnh là cương quyết xử lý bằng biện pháp hạ tải, chứ không có vùng cấm trong chuyện này. Cũng phải nói thêm rằng ngay bản thân tôi khi nhận được thông tin có xe gỗ quá tải, mặc dù trong ngày 30 Tết mới đây, tôi đã trực tiếp lái xe lên chỉ đạo lực lượng xử lý, tập trung hạ tải. Còn chuyện người dân nói “xe vua” tôi cho rằng không có cơ sở và cá nhân tôi cũng chưa chịu sức ép nào về vấn đề này”. Ông Mai Thức Phó - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị |
Cụ thể, ngày 17/10/2012, UBND tỉnh Quảng Trị có văn bản kết luận về việc xử lý xe quá tải. Tiếp đó, ngày 19/2/2013, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Cường ký văn bản chỉ đạo các biện pháp tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp vận chuyển gỗ trên địa bàn. Theo đó, ngoài việc đưa bãi hạ tải vào hoạt động, lãnh đạo tỉnh giao nhiệm vụ. Cụ thể, Công an tỉnh tăng cường kiểm tra, xử lý xe quá tải, đặc biệt là xe chở gỗ, cung cấp cho đài PTTH tỉnh để đưa lên thông tin đại chúng. Công an tỉnh phối hợp Sở GTVT tổ chức kiểm tra yêu cầu các chủ phương tiện chấp hành hạ tải đúng quy định. Còn Cục Hải quan phải cung cấp thông tin xe chở quá tải cho CSGT để kiểm tra, xử lý…
Nhưng thực tế sau nhiều cuộc họp, nhiều kết luận và văn bản chỉ đạo suốt từ cuối năm 2012 đến nay vẫn không chặn được nạn “xe vua” chở gỗ tàn phá quốc lộ và gây mất ATGT tại QL9, đường Hồ Chí Minh và 15D. Chánh Thanh tra Sở GTVT Quảng Trị Dương Đức Phụng lý giải: “TTGT không được quyền dừng xe trên đường, trong khi QL9 là đường độc đạo từ hai cửa khẩu La Lay và Lao Bảo về TP Đông Hà, có bao nhiêu lực lượng thường trực ngày đêm, thậm chí có cả một trạm CSGT chuyên trách đóng tại đó mà họ không làm thì chúng tôi cũng chịu”.
Theo ông Hoàng Quang Vinh, để xử lý tận gốc vấn đề xe chở gỗ quá tải, ngoài lực lượng TTGT và CSGT thì Hải quan cũng phải vào cuộc. “Tất cả xe gỗ từ Lào vào Việt Nam đều phải kê khai khối lượng hàng hóa với Hải quan. Do vậy, chỉ cần làm một thao tác rất đơn giản là so sánh khối lượng hàng hóa trong tờ khai Hải quan với trọng tải thiết kế theo Sổ đăng kiểm là biết phương tiện có quá tải không, nếu quá tải thì từ chối nhập cảnh vào Việt Nam”, ông Hoàng Quang Vinh nói.
Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Giao thông, một lãnh đạo Hải quan Quảng Trị lý luận: “Nhiệm vụ của Hải quan là kiểm tra và làm thủ tục liên quan đến hàng hóa xuất, nhập cảnh. Còn chuyện xe quá tải, Hải quan không cần thông báo thì CSGT cũng thừa biết!”.