Xe vi phạm chất đống, thanh lý khó khăn

Sự kiện: Tin nóng

Tình trạng xe vi phạm chất đống ở bãi tạm giữ tồn tại nhiều năm qua, nguyên nhân chính do thủ tục xử lý, thanh lý phương tiện vi phạm rườm rà...

Bãi trông giữ quá tải

Những ngày cuối tháng 9/2022, khảo sát của PV Báo Giao thông cho thấy nhiều bãi trông giữ phương tiện vi phạm giao thông của TP Hà Nội xuất hiện tình trạng quá tải.

Tại bãi xe của Công ty Hà Cầu - Thăng Long thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật Việt Nam, địa chỉ tại phường Hà Cầu, quận Hà Đông (đơn vị ký hợp đồng trông giữ xe vi phạm, xe tai nạn với công an một số quận, Đội CSGT và một số Tổ công tác đặc biệt 141 Công an TP Hà Nội), hàng nghìn chiếc xe máy đủ loại từ mới đến cũ nát được tập kết, chất đống. Rất nhiều khu vực cỏ mọc um tùm bủa vây.

Hàng nghìn chiếc xe máy vi phạm chất đống và bị cây cỏ bao phủ tại bãi trông giữ xe Hà Cầu - Thăng Long

Hàng nghìn chiếc xe máy vi phạm chất đống và bị cây cỏ bao phủ tại bãi trông giữ xe Hà Cầu - Thăng Long

Ông Nguyễn Văn Thốn, Giám đốc Công ty Hà Cầu - Thăng Long cho biết rất nhiều xe đã ở đây hơn 3 năm, thậm chí không thiếu những chiếc xe hơn chục năm mà chủ sở hữu chưa đến nhận.

“Mỗi năm lại có cả nghìn chiếc xe không có chủ đến làm thủ tục lấy về, chủ yếu là xe có giá thành dưới 10 triệu đồng đổ lại. Chúng tôi đã mở rộng, dựng lán mới để có chỗ chứa những chiếc xe máy này, nhưng sắp không còn chỗ nữa”, ông Thốn nói.

Tương tự, bãi để xe vi phạm tại Mỹ Đình của Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cũng chật kín xe vi phạm, những chiếc xe máy bị bụi phủ một lớp dày.

“Có nhiều lý do để người vi phạm không đến lấy xe, trong đó phải kể đến như mức phạt cao tương đương với giá trị xe hoặc người điều khiển không đủ các loại giấy tờ theo quy định, xe đã bị thay đổi kết cấu, chế độ các bộ phận”, nhân viên trông giữ xe ở đây cho hay.

Ba năm chưa đấu giá thanh lý được xe nào

Theo quy định pháp luật hiện hành, thời hạn tạm giữ phương tiện là 7 ngày. Từ ngày 1/5/2020, Nghị định 31/2020/NĐ-CP có hiệu lực quy định, nếu người vi phạm không đến giải quyết, đơn vị tạm giữ phương tiện sẽ tiến hành các thủ tục xác minh để tìm chủ sở hữu.

Cụ thể, trong ba ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ xe vi phạm hành chính, nếu người vi phạm không đến nhận, cảnh sát phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở trong 30 ngày. Sau đó, cảnh sát sẽ tịch thu xe vi phạm bán đấu giá.

Đối với các phương tiện cũ nát, hư hỏng, không còn giá trị thì nên tịch thu tiêu hủy, vì nếu thực hiện thanh lý phải mất khá lâu với nhiều thủ tục, trong khi các phương tiện tiếp tục được sử dụng để lưu thông sẽ không đảm bảo an toàn kỹ thuật, tiềm ẩn nguy cơ TNGT.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM

Một cán bộ Đội CSGT số 6 (Công an TP Hà Nội) cho biết, hiện quy định thời hạn người vi phạm phải đến chấp hành xử phạt lấy xe bị tạm giữ về đã được rút ngắn còn 30 ngày (trước đây là 1 năm).

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đối với trường hợp cần phải điều tra, xác minh (xe gian, xe nghi tang vật) sẽ mất nhiều thời gian, có thể lên tới 90 ngày.

Khi chiếc xe được xác định vô chủ, quy trình tịch thu, đấu giá, tiêu hủy hiện khá phức tạp, nên tính từ thời điểm xe bị tạm giữ đến khi xử lý được, ít nhất mất hơn một năm.

“Phải lập hội đồng định giá gồm đại diện công an, tài chính, tư pháp, để ra quyết định tịch thu xe. Tiếp theo là khâu định giá, xem chiếc xe sau khi lưu kho từng đấy ngày, thì giá trị sử dụng được bao nhiêu, rồi mang giá trị này so với giá xe mới, để đưa ra một con số hợp lý nhất, sau đó mới đưa ra đấu giá”, vị cán bộ này cho hay.

Giám đốc Công ty Hà Cầu - Thăng Long Nguyễn Văn Thốn thông tin thêm, hơn ba năm trở lại đây bãi trông giữ xe vi phạm của ông chưa thể đấu giá thanh lý chiếc xe nào vì nhiều lý do như dịch Covid-19; thủ tục từ tạm giữ đến thanh lý một chiếc xe không hề đơn giản.

“Để đấu giá một lô xe máy vi phạm bị tịch thu mất rất nhiều thời gian. Nhiều khi đầu năm xác định giá của xe nhưng đến cuối năm vẫn chưa đấu giá được, đến sang năm muốn thực hiện đấu giá thì lại phải thẩm định giá lại. Mất quá nhiều thủ tục”, ông Thốn nói.

Tìm giải pháp

Để giải quyết tình trạng hiện nay, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM góp ý, Bộ Công an nên phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng rút ngắn thủ tục và thời gian thanh lý phương tiện từ một năm hiện nay xuống còn 3 - 4 tháng đối với phương tiện không xác định được chủ sở hữu.

ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, để giải bài toán quá tải bãi trông giữ xe vi phạm, cần phải có thống kê, khảo sát, đánh giá về thực trạng, sức chứa của bãi trông giữ trên địa bàn; ước tính số xe vi phạm để có kế hoạch về nhân lực quản lý, hạ tầng trông giữ.

“Việc có phương tiện bị tạm giữ kéo dài cả năm mới có thể thanh lý đã bộc lộ bất cập, cần xem xét trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Đấu giá tài sản. Cùng với đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng công an và các cơ quan liên quan đến thủ tục đấu giá tài sản”, ông Hòa nói.

Công an khóa xe vi phạm thay vì đưa về bãi tạm giữ

Công an TP Nha Trang, Khánh Hòa thực hiện khóa bánh xe đối với những ô tô vi phạm quy định đỗ xe trên nhiều tuyến đường của TP.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phùng Đô ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN