Xe Tết "nín thở" chờ khách
Những năm trước, thời điểm này là lúc các hãng xe thương hiệu bắt đầu tung kế hoạch bán vé xe Tết nhằm cạnh tranh nhưng năm nay, mọi thứ vẫn "bất động"
Đến trưa 12-12, dò tìm trên website của các hãng xe thương hiệu như Phương Trang, Thành Bưởi, Chín Nghĩa, Hoàng Long, Thuận Thảo..., chúng tôi không thấy thông tin nào về kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán 2022.
Nhà xe nghe ngóng, khách đắn đo
Đại diện Công ty CP Xe khách Phương Trang (Futa Bus Lines) cho hay công ty này vẫn còn đang trong giai đoạn chuẩn bị kế hoạch phục vụ Tết. Nói về lý do chưa mở bán vé như những năm trước, đại diện công ty cho hay đang theo dõi tình hình dịch bệnh, nhu cầu đi lại của người dân... "So với những năm trước, việc phục vụ đi lại của người dân mùa Tết năm nay sẽ rất khác, mọi thứ vẫn trông theo dịch bệnh" - đại diện Phương Trang cho biết.
Hành khách thưa thớt tại Bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh, TP HCM) ngày 11-12
Tại Bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh, TP HCM) ngày 11-12, dù cuối tuần nhưng lượng khách đến đây khá ít, chủ yếu mua vé đi trong ngày. Tại các quầy vé, nhân viên cũng lơ là việc chào mời khách. Một nhân viên quầy vé hãng xe Thành Ban (chạy tuyến TP HCM - Phú Yên) cho biết mọi năm, thời điểm này hãng đã bán vé Tết rầm rộ còn năm nay, dù đã nhận đặt chỗ nhưng chưa ai mua vé cả. Khách gọi điện chỉ hỏi thăm giá vé chứ không mua.
Theo ông Bùi Văn Nhiên, Giám đốc HTX Vận tải và Du lịch Hữu Lộc (chạy các tuyến miền Tây), sau hơn 1 tháng mở lại hoạt động vận tải liên tỉnh, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do lượng khách quá ít. Trung bình, mỗi xe xuất bến chỉ có 4-5 khách, có khi chỉ 2 khách, nhà xe càng chạy càng lỗ.
"Nhìn cảnh nhà xe trông chờ khách mỗi ngày như vậy nên chúng tôi chưa nghĩ đến việc lên kế hoạch phục vụ dịp Tết năm nay, bởi không đo đếm được lượng khách để có kế hoạch một cách cụ thể. Mọi thứ phải nương theo nhu cầu đi lại nhưng đến nay vẫn mù mờ" - ông Lộc băn khoăn.
Đi tìm câu hỏi tại sao các hãng chậm tung kế hoạch phục vụ Tết, chúng tôi gặp nhiều hành khách tại các bến xe thì nhận được câu trả lời: Vẫn đang cân nhắc!
Tranh thủ công ty cho nghỉ vài ngày, chị Trần Thị Thu (quê Bình Định) đến Bến xe Miền Đông cũ mua vé về quê thăm cha mẹ. Chị cho biết có thể Tết này sẽ không về quê vì ngại tình hình dịch bệnh, đi lại phức tạp. "Tết năm nay nghỉ 9 ngày, nếu về quê phải cách ly 7 ngày thì không còn thời gian đi thăm họ hàng nữa, chi bằng khỏi về" - chị giải thích. Tuy nói vậy nhưng chị Thu vẫn hy vọng từ nay đến Tết, tình hình dịch ổn để mấy đứa nhỏ có dịp về quê đón Tết với ông bà ngoại.
Trong khi đó, anh Nguyễn Thanh Phong (quê An Giang) cho biết dịch bệnh ở miền Tây đang phức tạp, bà con ở quê gọi điện thường xuyên thông báo nên anh cũng ngại, chưa dám lên kế hoạch về Tết. "Phải chờ xem tình hình thế nào rồi mình mới quyết định về quê ăn Tết hay không" - anh Phong nói. Anh cho hay mọi năm, thời điểm này là vợ anh đã tất tả khắp nơi để mua sắm quà Tết cho bà con dưới quê.
Đại diện các bến xe nói gì?
Theo ông Đỗ Phú Đạt, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, đơn vị này vẫn đang lên kế hoạch phục vụ đi lại của người dân dịp Tết Nguyên đán 2022.
"Nhiều khả năng nhu cầu đi lại của người dân năm nay sẽ giảm do một lượng lớn đã về quê sau giãn cách. Chưa kể, việc phòng chống dịch Covid-19 ở các tỉnh, thành khác nhau về yêu cầu cách ly, khai báo tại địa phương... nên hành khách còn e ngại, đắn đo về quê ăn Tết. Ngoài ra, đến nay chỉ 16 tỉnh, thành mở lại hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh tuyến cố định với Bến xe Miền Đông nên lượng khách đi lại chưa đều" - ông Đạt phân tích.
Ông Đạt cho hay theo thống kê, từ ngày 1 đến 10-12, Bến xe Miền Đông cũ có 1.508 xe xuất bến với 8.967 khách, trung bình mỗi xe 5-6 khách, giảm rất nhiều so với trước. Hai ngày gần đây, lượng khách tăng nhẹ từ 800-900 người/ngày lên 1.132 người/ngày. Riêng Bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức), lượng khách còn thấp hơn, mỗi ngày có 28 xe xuất bến với khoảng 99 người.
Ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Bến xe Miền Tây, cũng cho hay hiện nay, đơn vị chưa xây dựng kế hoạch phục vụ Tết là vì còn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh và nhu cầu đi lại của người dân. Chưa kể, kế hoạch này còn phụ thuộc vào sự chuẩn bị của các doanh nghiệp vận tải.
"Đến giờ, chưa có doanh nghiệp vận tải nào xây dựng phương án phục vụ Tết để chúng tôi căn cứ vào đó xây dựng kế hoạch trình Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM" - ông Phương nói.
Ngoài nguyên nhân trên, theo ông Trần Văn Phương, còn một nguyên nhân khá quan trọng là đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh tại các tỉnh, thành miền Tây đang diễn biến phức tạp, một số nơi chưa thống nhất cho vận tải hành khách liên tỉnh hoạt động lại. Ngoài ra, số lượng xe được hoạt động chưa nhiều, chỉ 50% số chuyến, mỗi xe chở không quá 50% sức chứa khiến nhiều doanh nghiệp cân nhắc hoạt động. Ngoài các doanh nghiệp lớn thì nhiều HTX nhỏ rơi vào tình cảnh khó khăn vì không gồng gánh được các chi phí, thuế, mặt bằng...
"Dù các doanh nghiệp có mang xe ra bến thì điều cốt lõi vẫn là nhu cầu đi lại của người dân. Hiện nay, người dân ở tỉnh không có nhu cầu trở lại TP HCM và ngược lại nên kế hoạch phục vụ Tết năm nay của đơn vị có thể sẽ rất khác mọi năm" - ông Trần Văn Phương nhấn mạnh.
Lượng khách giảm 98% so với trước Thống kê của Sở GTVT TP HCM cho thấy từ ngày 13-10 đến 6-12, tổng lượt khách liên tỉnh thông qua các bến xe là khoảng 77.000 lượt với 24.700 lượt xe phục vụ (bình quân mỗi xe 3 người). So với thời gian này trong năm 2020, lượt khách giảm 98%; so với ngày thường trước khi xảy ra dịch bệnh, lượt khách giảm 99%. Để hoạt động vận tải hành khách được thông suốt, liên tục, Sở GTVT TP HCM kiến nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM xem xét yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh TP Thủ Đức và các quận, huyện tạo điều kiện cho đội ngũ tài xế, nhân viên ngành GTVT được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi bổ sung. |
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, tuyệt đối không để tình trạng hành khách không có phương tiện về quê trong dịp Tết.
Nguồn: [Link nguồn]