Xe tăng Trung Quốc rầm rập tiến về biên giới Triều Tiên
Theo tờ Want China Times, quân đội Trung Quốc vừa triển khai xe tăng và binh sĩ tới khu vực biên giới giữa nước này và Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang nguy hiểm.
Tờ Orental Daily hôm 23.8 đưa tin, nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã đăng tải nhiều bức ảnh chụp các đoàn xe tăng và xe chiến đấu bọc thép di chuyển trên đường phố thành phố Diên Cát thuộc tỉnh Cát Lâm hướng về khu vực biên giới với Triều Tiên. Thành phố này được xem là địa điểm trọng yếu trong vận tải và thương mại giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng khi chỉ nằm cách đường biên giới khoảng 30km.
Xe tăng và xe chiến đấu rầm rập di chuyển trên đường phố Diên Cát thuộc tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc, nơi cách biên giới với Triều Tiên chỉ 30km.
Tờ Want China Times nhận định, việc Trung Quốc triển khai quân tới vùng biên giới giáp ranh với Triều Tiên phản ánh thái độ nghiêm túc của Bắc Kinh trước những bế tắc và căng thẳng hiện nay giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.
Nhiều chuyên gia phân tích quốc cho rằng, nếu xảy ra một cuộc "chiến tranh toàn diện" giữa hai miền Triều Tiên, Trung Quốc ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng, trên nhiều phương diện. Trước hết, Trung Quốc có chung đường biên giới và giữ vai trò huyết mạch về kinh tế với Triều Tiên nên nếu cuộc chiến xảy ra, chắc chắn kinh tế Trung Quốc sẽ bị tác động, nhất là ở các tỉnh có chung đường biên giới với quốc gia bí ẩn nhất thế giới này.
Xét về góc độ ảnh hưởng chính trị, nếu chiến tranh liên Triều xảy ra, Trung Quốc còn phải sẽ phải dè chừng Mỹ bởi Washington đang hậu thuẫn cho Hàn Quốc, sẽ có cớ chính đáng để nhảy vào cuộc chơi ở khu vực Đông Á.Trước đó ngày 21.8, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết," Trung Quốc hiện đang theo dõi chặt chẽ mọi tình hình trên bán đảo Triều Tiên và quan ngại sâu sắc về những hoạt động diễn ra gần đây".
Việc điều quân tới biên giới thể hiện thái độ nghiêm túc của Trung Quốc với căng thẳng liên Triều.
Thể hiện thái độ của Trung Quốc, bà Hoa tuyên bố: "Trung Quốc kiên quyết bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực cũng như phản đối bất kỳ hành động nào gây leo thang căng thẳng. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan giữ bình tĩnh và kiềm chế nhằm đối phó với tình hình hiện nay thông qua các cuộc tiếp xúc và biện pháp ngoại giao". Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cho biết thêm, phía Trung Quốc là" sẵn sàng làm việc với các bên liên quan để cùng nhau bảo đảm hòa bình và ổn định cho bán đảo Triều Tiên".
Trong khi đó, đáp lại những lời kêu gọi kiềm chế từ phía Trung Quốc, hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên lại phản pháo khi cho rằng: "Chúng tôi đã tự kiềm chế minh trong nhiều năm qua còn trong lúc này, việc kiềm chế không giúp ích cải thiện được tình hình".
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang sau vụ đấu pháo hôm 20.8 và Bình Nhưỡng tuyên bố cho Seoul 48 giờ để dỡ bỏ các loa phóng thanh phát thông điệp tuyên truyền qua biên giới, nếu không sẽ có các hành động quân sự mạnh tay.
Hiện thời hạn này đã qua nhưng chưa có sự cố nào xảy ra và hai bên đang có các cuộc đàm phán nhằm tháo gỡ bế tắc. Cuộc đàm phán tại làng đình chiến Panmunjom bắt đầu từ chiều tối ngày 22.8 và đã kéo dài hơn 10 giờ, với sự tham gia của Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Hong Yong-pyo và người đồng nhiệm Triều Tiên Kim Yang-gon. Tuy nhiên đến nay hai bên vẫn có nhiều bất đồng và chưa thể đi đến kết luận cuối cùng.