Xe tăng, pháo tự hành của quân đội Việt Nam
Hà Nội - Nhiều loại xe tăng, bọc thép, xe chở quân hiện đại và pháo phòng không của quân đội nhân dân Việt Nam được trưng bày tại triển lãm Quốc phòng 2024.
Tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024), nhiều xe tăng, pháo tự hành, xe thiết giáp, tổ hợp tên lửa, radar của Việt Nam được đặt đối diện với khán đài - nơi lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tướng lĩnh quân đội sẽ dự lễ khai mạc.
Bên cạnh đó, khí tài của gần 200 đơn vị, doanh nghiệp từ 27 quốc gia như Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Serbia, CH Czech, Thụy Điển, Phần Lan, Belarus, Bulgaria, Italy, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Iran, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Israel, Malaysia, Indonesia, Singapore, Campuchia, UAE cũng được đưa đến trưng bày.
Xe chiến đấu bộ binh XCB-01 do Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam nghiên cứu, phát triển và chế tạo. Xe dài 6,95 m, rộng 3,25 m, cao 2,14 m và có trọng lượng khoảng 15 tấn, sử dụng cơ cấu bánh xích có tính việt dã cao với kíp điều khiển gồm 3 thành viên.
Tên lửa chống tăng B72 được tích hợp và gắn cố định trên pháo chính của XCB-01. Với cơ số 4 đạn tên lửa mang theo, XCB-01 có khả năng tấn công phương tiện hạng nặng của đối phương ở ngoài khoảng cách pháo chính 73 mm vươn tới. Hệ thống điều khiển hỏa lực trên xe đáp ứng khả năng tác chiến trong mọi điều kiện thời gian, thời tiết và đạt tiêu chuẩn hiện đại.
Xe chiến đấu bộ binh BMP-1 do Liên Xô thiết kế, có chức năng tương tự như xe bọc thép chở quân, song được vũ trang tốt hơn và có lớp giáp chắc chắn hơn. Xe có trọng lượng 12,6 tấn, chiều dài 6,4-6,7 m, rộng 2,9 m, cao 2 m. Xe có thể chở 3-8 người.
Giai đoạn 1966-1983, khoảng 20.000 chiếc BMP-1 được xuất khẩu sang Trung Quốc, Mông Cổ, các nước Trung Đông, châu Âu và châu Phi. Tuy có tuổi đời hơn 40 năm, nhưng khí tài này vẫn đặc biệt hiệu quả trong chiến đấu chống khủng bố. Khoang bọc thép của BMP-1 được cho là có tuổi thọ phục vụ lên đến 50 năm nếu không bị hư hại về mặt vật lý. Xe có thể được nâng cấp thiết bị điện tử, động cơ và hệ thống truyền động mới phù hợp với tác chiến hiện đại.
Xe tăng T-62 được Liên Xô phát triển từ đầu thập niên 1960, là một phiên bản cải tiến so với mẫu tăng T-54 rất thành công. T-62 có kíp lái 4 người; trọng lượng 37,5 tấn; dài 9,335 m; rộng 3,3m và cao 3,395 m. Xe được trang bị động cơ 580 mã lực với tốc độ tối đa 50 km/h.
Xe tăng này có khả năng vượt vật cản ấn tượng như leo dốc đứng; dốc nghiêng; vượt hào rộng; lội ngầm sâu. Phiên bản T-62 trang bị cho Quân đội nhân dân Việt Nam được lắp pháo 115 mm, với cơ số đạn là 40 viên. Ngoài ra, xe tăng còn được trang bị súng máy cỡ nòng 7.62 mm với khả năng trữ 2.500 viên đạn.
T-62 sử dụng hệ thống ổn định loại điện thủy lực, thiết bị ngắm, quan sát và định hướng; hệ thống chữa cháy tự động; hệ thống xả khói mù. Pháo trên T-62 có thể sử dụng nhiều loại đạn có sức sát thương lớn như đạn vượt tốc, đạn xuyên, đạn nổ phá. Dù đã tồn tại hơn 60 năm, khí tài này vẫn thường xuyên được sử dụng trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Lựu pháo tự hành bánh xích bọc thép Su-152, cỡ nòng 152 mm của Liên Xô từng được sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Su-152 có thể sử dụng đa dạng nhiều loại đạn pháo như đạn vạch đường, đạn nổ phân mảnh, đạn chống tăng, đạn chiếu sáng.
Su-152 có góc nâng hạ từ -4 độ tới +60 độ; quay 360 độ. Với các viên đạn pháo nặng 45-50 kg, Su-152 có thể tạo ra chấn động, sức sát thương rất lớn và có khả năng vô hiệu hóa hoàn toàn xe bọc thép trong loạt đạn đầu tiên.
Su-152 cơ động tương đối tốt khi sử dụng khung thân xe bánh xích của hệ thống tên lửa đối không SA-4, động cơ diesel 520 mã lực cho phép đạt tốc độ 60km/h. Pháo Su-152 có thể vượt lũy cao 1,1 m, hào rộng 2,5 m và có tầm hoạt động lên đến 300 km.
Xe tăng T-90S có trọng lượng 46,5 tấn, cao 2,86 m, vận tốc 60 km/h. Đây là phiên bản xuất khẩu của xe tăng T-90 do Nga sản xuất, ra mắt lần đầu vào năm 1992. Tăng T-90S được quân đội nhiều nước ưa chuộng nhờ giá rẻ nhưng mạnh mẽ, trang bị các phương tiện chiến đấu hiện đại. Xe có tầm hoạt động 550 km, tổ lái 3 người, trang bị một động cơ diesel 840-1.200 mã lực, tổ lái còn được trang bị máy điều hòa không khí.
T-90S được trang bị hệ thống điều khiển bắn, nhắm bắn bằng laser, hệ thống nạp đạn pháo tự động (7-8 viên/phút). Xe có thể vượt hào rộng 2,85 m, chướng ngại vật cao 1 m, lặn dưới nước từ 1,2 m đến 5 m.
Xe tăng T-90S được trang bị hệ thống giáp phức hợp, bao gồm giáp chính, giáp phản ứng nổ và hệ thống phòng vệ chủ động. T-90S được coi là một trong những dòng xe tăng có khả năng bảo vệ tốt nhất trên thế giới hiện nay. Xe tăng T-90 vẫn có thể đứng vững trước nhiều loại vũ khí chống tăng hiện nay.
Xe tăng T-90SK trong biên chế của Binh chủng Tăng thiết giáp, Quân đội nhân dân Việt Nam, do tập đoàn Uralvagonzavod của Nga chế tạo. Xe tăng được điều khiển bởi kíp 3 thành viên; dài 6,86 m, rộng 3,78 m và cao 2,23 m. T-90Sk có tốc độ tối đa 60 km/h và bình nhiên liệu có thể dự trữ cho hành trình đến 550 km.
T-90SK được trang bị máy tính đường đạn; cảm biến quang - ảnh nhiệt, khí tài quan sát, hệ thống tự động bám mục tiêu giúp tấn công chính xác trong mọi điều kiện thời gian, thời tiết.
Xe tăng được trang bị pháo chính 125 mm với hệ thống ổn định tầm hướng và nạp đạn tự động giúp bắn 7-8 phát/phút. Ngoài ra, các xạ thủ có thể kết hợp súng máy 7,62 mm; súng máy phòng không 12,7 mm để đa dạng cách tấn công.
Xe chiến đấu bộ binh BMP-3ME do tập đoàn của Nga sản xuất được trang bị pháo chính 2A70 cỡ 100 mm, pháo đồng trục 2A72 cỡ 30 mm, súng máy song song 7,62 mm, cùng hai cụm súng máy đặt hai bên thân xe. Đặc biệt, BMP-3ME có khả năng bắn tên lửa 3UBK10 qua nòng pháo chính để tấn công mục tiêu ở khoảng cách 5 km.
Xe có trọng lượng 18,7 tấn, thân xe được làm từ hợp kim nhôm bọc thép chịu được đạn xuyên giáp 30 mm phía trước và đạn xuyên 14,5 mm hai bên thân xe. Xe cũng được gia cố bằng lồng thép để bảo vệ phương tiện khỏi các loại đạn chống tăng vác vai, tên lửa chống tăng.
Để hỗ trợ cho các xạ thủ, BMP-3ME được trang bị module quang - ảnh nhiệt đáp ứng khả năng tác chiến bất kể ngày đêm, và mọi điều kiện thời tiết. Góc nâng, hạ nòng lớn lên tới 60 độ, trong khi pháo của xe tăng chỉ có góc nâng tối đa là 13 độ, qua đó giúp xe có lợi thế lớn trong tác chiến đô thị hoặc môi trường đồi núi chật hẹp.
Xe chỉ huy thông tin BTR-60 PU được cải tiến trên cơ sở thân xe BTR-60PB. Xe được vận hành bởi kíp 3 người và chở được 12 lính bộ binh. Trọng lượng 10 tấn, dài 7,22 m, cao 2,06 m, rộng 2,82 m. Xe có động cơ 180 mã lực, tầm hoạt động 500 km với tốc độ 60-80 km/h tùy điều kiện.
Phiên bản cải tiến được trưng bày tại triển lãm có thiết bị radio đi kèm và xe chuyển tiếp chỉ huy hàng không. Cửa kính Plexiglas lớn thay cho khẩu súng máy đồng trục trên tháp pháo và một máy phát điện di động lớn phía sau xe.
Lựu pháo 152-D20 cỡ nòng 152 mm, tầm bắn xa nhất 17,4 km, tốc độ 655m/s. Là loại pháo chiến dịch có uy lực mạnh nhất trong các loại pháo rãnh xoắn, thuộc biên chế trang bị của quân đội Việt Nam. Khí tài này đã tham gia nhiều trận đánh và cùng lực lượng pháo binh lập nhiều thành tích trong chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ biên giới.
Pháo phòng không 61-K biến thể hai nòng 37 mm là một trong những loại vũ khí huyền thoại trong các cuộc kháng chiến của bộ đội Việt Nam. Pháo có tầm bắn hiệu quả khoảng 4 km với mục tiêu mặt đất, 3 km với mục tiêu đường không, tầm bắn tối đa 9,5 km trên mặt đất và 6,7 km trên không.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, pháo phòng không 61-K 37mm đã bắn rơi 50 máy bay cánh bằng, 2 trực thăng, gây hư hại cho khoảng 100 chiếc khác góp phần quan trọng làm phá sản chiến lược không vận tiếp tế cho cụm cứ điểm của Pháp và Mỹ. Vũ khí này cũng được quân đội ta sử dụng hiệu quả ở cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 diễn ra ngày 19-22/12 tại sân bay Gia Lâm, TP Hà Nội. Người dân tham quan triển lãm miễn phí từ 9h ngày 21/12 đến hết 22/12.
Khách trải nghiệm sớm tại triển lãm Quốc phòng quốc tế 2024. Video: Lộc Chung
Những ngày này, các phi công của Quân chủng Phòng không - Không quân đang tích cực tập luyện cho màn bay chào mừng Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt...
Nguồn: [Link nguồn]
-18/12/2024 07:00 AM (GMT+7)