Xe ôm làm ‘chân rết’ phối hợp xử lý quảng cáo vặt
Ngày 30-12, Sở VH&TT TP.HCM (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”) đã tổ chức hội nghị đánh giá việc xây dựng tuyến đường văn minh - mỹ quan đô thị; xây dựng tuyến đường điểm, tuyến kênh xanh-sạch-đẹp năm 2016.
Báo cáo tại hội nghị, Sở VH&TT cho biết tình trạng quảng cáo, rao vặt xuất hiện với tần suất dày đặc tại các quận 3, 8, 11, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Thạnh với những bảng quảng cáo rao vặt của nhiều công ty dịch vụ về nhà đất treo chồng nhiều lớp lên nhau. Việc quan tâm đến mỹ quan đô thị cũng như xử lý, xóa bỏ rao vặt quảng cáo tại địa phương, cụ thể là cấp phường chưa cao.
Bà Võ Thị Bích Vân, Phó Chủ tịch UBND phường 12 (quận 10), cho biết trên địa bàn phường, dọc tuyến đường Ba Tháng Hai, những trụ điện, vách tường, thân cây đều dán chi chít các mẩu quảng cáo rao vặt: Từ môi giới, số điện thoại với vô số loại hình dịch vụ như khoan cắt bê tông, đất nền, rút hầm cầu… đã làm mất mỹ quan đô thị, gây hình ảnh phản cảm trong người dân và du khách. “Hầu như không có trụ điện nào sạch sẽ mà không bị dán những tờ quảng cáo, rao vặt. Còn bức tường cũng bị bôi xịt sơn trông rất nhếch nhác” - bà Vân nói.
Vì vậy, để giải quyết tình trạng trên, tám phường trên tuyến đường này cùng xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công từng phường chịu trách nhiệm quản lý; tổ chức ra quân đồng loạt hai lần/tuần để cắt, xóa quảng cáo không phép… Đặc biệt, xây dựng hệ thống “chân rết” xe ôm, các hộ kinh doanh kịp thời báo tin về tình hình dán quảng cáo, rao vặt trên địa bàn; thuê đội ngũ chuyên xóa quảng cáo hai lần/ngày…
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở VH&TT TP, cũng thừa nhận tình trạng dán quảng cáo, rao vặt bán đất, cầm cà-vẹt trở nên rầm rộ nhưng việc xử phạt gặp khó khăn do đa phần người được thuê dán là sinh viên, xe ôm. Ông Minh đề nghị chính quyền địa phương phải tăng cường chỉ đạo xử lý.