"Xé nước" hồ Hà Nội bằng thuyền mô hình
Thuyền mô hình rất kén người chơi nhưng ai đã mê rồi thì khó lòng dứt ra được.
3 giờ chiều, trời nắng như đổ lửa nhưng ven khu vực hồ Hoàng Cầu (phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa), những người mê thú chơi thuyền mô hình vẫn phơi mình dưới nắng để điều khiển thuyền rẽ sóng và nghe những tiếng nổ đanh giòn.
Hiện CLB thuyền mô hình Hà Nội có 10 thành viên. Người trẻ nhất mấp mé 30 tuổi, người già nhất đã lên tới gần 70 tuổi. Đam mê các loại mô hình và các trò chơi tốc độ, từng tìm hiểu nhiều thú chơi nhưng cuối cùng anh Nguyễn Mạnh Hùng (Thành viên CLB thuyền mô hình Hà Nội) đã chọn những chiếc thuyền điều khiển từ xa "làm bạn" như một cách để giảm bớt căng thẳng và áp lực trong công việc.
Bơm nhiên liệu chuẩn bị trước khi thuyền "chạm" nước
Các thợ máy nghiệp dư sửa chữa thuyền mô hình
Theo anh Hùng, một chiếc thuyền mô hình có 3 bộ phận quan trọng là vỏ thuyền, động cơ và bộ điều khiển. Thời gian đầu, không có tài liệu hướng dẫn cụ thể, chỉ dựa vào kinh nghiệm cùng với một chút "sáng tạo", anh Hùng đã tự chế cho mình một chiếc thuyền mô hình có động cơ từ máy cắt cỏ. "Tuy nhiên, khi chuyển từ động cơ máy cắt cỏ thành động cơ thuyền mô hình để chạy dưới nước thì động cơ phải chịu tải nhiều hơn và phải có hệ thống làm mát bằng nước. Để làm việc này phải mất hơn nửa ngày", anh Hùng cho biết.
Bộ điều khiển là một trong những bộ phận quan trọng nhất của thuyền mô hình
Cũng theo anh Hùng, có hai kiểu chơi thuyền mô hình. Một là mua nguyên chiếc về dùng luôn, loại bình thường thì giá khoảng 10 triệu đồng/chiếc, còn loại xịn thì giá cả vô cùng. Kiểu chơi thứ hai là tự mua tất cả các thiết bị rồi về tự lắp ráp. Kiểu chơi này đòi hỏi người chơi phải am hiểu máy móc vì việc lắp ráp rất tỉ mỉ và công phu. Cả CLB chơi thuyền mô hình điều khiển tự động ở Hà Nội hiện nay chủ yếu là chơi theo kiểu thứ hai.
"Chơi theo kiểu này người chơi sẽ chủ động hơn trong việc "độ" ra được một chiếc thuyền theo ý thích của mình. Mỗi chiếc thuyền khi mua về và tự ngồi lắp ráp ít nhất phải mất ba ngày liền mới đưa ra chơi được. Cả buổi chơi cũng chỉ tốn trên dưới một lít xăng" - anh Hùng chia sẻ thêm.
Vận tốc trung bình của một chiếc thuyền mô hình từ 80 - 100 km/h
Về quãng thời gian đầu khi mới tiếp xúc thuyền mô hình, anh Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch CLB Thuyền mô hình Hà Nội tâm sự: "Thời gian đầu mới chơi, để khắc phục việc không thể sản xuất được vỏ thuyền bằng nhựa như những chiếc tàu xịn, tôi đã nảy ra ý dùng composite đổ khuôn để tạo hình. Sau hàng chục lần thử nghiệm, công nghệ đổ khuôn vỏ thuyền bằng composite và vải thủy tinh của tôi được dân chơi mô hình ưa chuộng. Để tăng công suất tôi lắp vào thuyền động cơ của … máy cắt cỏ 25 cm3. Máy này bán đầy ở chợ Giời, còn bánh lái và chân vịt thì được làm từ sắt gò… Hàng Mã".
Đây cũng được coi là một thú chơi mang cả tính chất thể thao và công nghệ nên CLB Thuyền mô hình Hà Nội thường tổ chức các cuộc đua mini để trao đổi kinh nghiệm và xem thử tay nghề của từng người. Thường, chỉ cần nhìn vào đường lái, những pha lướt sóng, cua, lượn hoặc những cú va chạm mà không bị đâm… là người ta biết được tay nghề của người chơi có tiến bộ hay không.
Để có được những điều này, người chơi không chỉ hiểu biết về công nghệ, kỹ thuật, mà còn phải có một quá trình tập luyện cộng với một chút năng khiếu. Thú chơi này cũng không thể tránh được những cú "tai nạn" trên đường đua. Một khi thuyền đã bị tai nạn thì phải mất rất nhiều công để sửa chữa. Tai nạn ở đây không phải chỉ có thuyền khác đâm vào mà có cả thuyền mình đâm vào thuyền bạn, hoặc tự mình đâm vào bờ hồ.
Nhiều người cho rằng, thú chơi thuyền mô hình rất kén người chơi. Nếu không đam mê, không kiên nhẫn và ham học hỏi thì không thể nào theo được.