Xẻ núi, bạt đồi xây homestay tại Sóc Sơn, Hà Nội: Chỉ lãnh đạo xã giấu vi phạm?

Sự kiện: Thời sự

Liên quan đến hàng chục homestay xẻ núi, bạt đồi vây quanh khu vực hồ Đồng Đò, hồ Ban Tiện (huyện Sóc Sơn) xây dựng trái phép không bị phát hiện xử lý kịp thời, lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn cho rằng do một số lãnh đạo xã "giấu vi phạm".

Ngày 8/8, lãnh đạo huyện Sóc Sơn lý giải nguyên nhân sự cố sạt lở vừa qua khiến hàng chục ô tô bị đất đá tràn lấp, mắc kẹt tại đội 5, xóm Ban Tiện, thôn Phú Ninh, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội là do trong những ngày qua, lượng mưa trung bình trên địa bàn là 62mm (thấp nhất 36mm, cao nhất 150mm), dẫn tới một số xã có rừng xảy ra hiện tượng xói, lở đất, gây úng ngập cục bộ trên địa bàn.

Homestay vẫn đang tiếp tục được xây dựng ồ ạt quanh hồ Đồng Đò

Homestay vẫn đang tiếp tục được xây dựng ồ ạt quanh hồ Đồng Đò

Ghi nhận của PV Tiền Phong tại khu vực hồ Ban Tiện cho thấy, quanh khu vực hồ Ban Tiện xuất hiện nhiều nhà nghỉ dạng homestay mọc lên san sát nhau. Trục đường quanh hồ hiện nay bị “bao vây” bởi các công trình homestay lớn nhỏ. Trao đổi với PV Tiền Phong, Chủ tịch UBND xã Minh Phú Nguyễn Huy Du cho biết, ông mới được điều chuyển về làm lãnh đạo xã nhưng qua rà soát có nhiều trường hợp homestay vi phạm trật tự xây dựng, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đối với một số công trình báo nêu, ông Du xác nhận có trường hợp homestay xây dựng trên đất lâm nghiệp.

“Hiện nay, xã đang thành lập đoàn kiểm tra toàn bộ các khu nghỉ dưỡng trên địa bàn, từ đó nắm rõ hiện trạng sử dụng đất, báo cáo UBND huyện có hình thức xử lý phù hợp. Đối với các sai phạm đất rừng mà Thanh tra thành phố Hà Nội đã chỉ ra trước đó, xã đang tích cực thực hiện, hiện chỉ còn vài trường hợp", ông Du chia sẻ.

Không chỉ tại hồ Ban Tiện, hồ Đồng Đò (cách đó khoảng 3km) cũng là địa điểm nổi tiếng về homestay. Dọc trục đường chính, có đến 20 homestay đã và đang xây dựng quanh hồ, trong đó có những cái tên như: Chill Villa, Island House, Ann’s House... Đáng chú ý, phía đối diện bên kia hồ cũng có hàng trăm lều lán được xây dựng phục vụ nhu cầu cắm trại, nghỉ dưỡng. Nhiều khu vực bị khoét sâu vào bên trong để tạo mặt bằng dựng lều cắm trại.

Lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo 11 xã, thị trấn có rừng rà soát điểm có nguy cơ sạt lở đất đá trên diện tích rừng do địa phương quản lý để xây dựng phương án phòng chống, di dời người và tài sản, khắc phục khi có sự cố đột xuất bất ngờ. Cắm biển cảnh báo, thông báo để nhân dân chủ động phòng ngừa, di dời khi có mưa lớn xảy ra trên địa bàn. Đồng thời tăng cường xử lý vi phạm trật tự xây dựng trong phạm vi quy hoạch rừng phòng hộ.

Thống kê của huyện Sóc Sơn, trong 6 tháng đầu năm nay cơ quan chức năng đã phát hiện 187 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng phải lập hồ sơ xử lý. Ngoài ra, chính quyền đã xử lý 149 công trình vi phạm từ năm 2022 trở về trước theo các quyết định và kết luận thanh tra của thành phố năm 2019.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, từ năm 2019 Thanh tra thành phố Hà Nội ban hành hai kết luận thanh tra về đất rừng Sóc Sơn. Sau kết luận, huyện Sóc Sơn đã tập trung nguồn nhân lực, vật lực rất lớn để cưỡng chế, phá dỡ xử lý các công trình vi phạm. Cùng đó là xử lý, kỷ luật cán bộ liên quan buông lỏng quản lý để xảy ra sai phạm.

Cụ thể, với 76 công trình vi phạm nằm ở ven các hồ dưới chân núi thuộc hai xã Minh Trí và Minh Phú được nêu trong kết luận thanh tra, huyện Sóc Sơn đã xử lý 40 trường hợp. 36 trường hợp còn lại được Thanh tra Chính phủ đề nghị tạm dừng cưỡng chế, giữ nguyên hiện trạng, chờ điều chỉnh quy hoạch rừng. Khi điều chỉnh quy hoạch xong, công trình nào phù hợp thì giữ lại còn không sẽ bị cưỡng chế.

Đặc biệt tại địa bàn hồ Đồng Đò (xã Minh Trí), nơi có cảnh quan đẹp ở huyện Sóc Sơn cũng có nhiều vụ xây dựng xâm phạm vào đất rừng mới diễn ra, được chính quyền phát hiện xử lý. “Năm 2022 và 2023, xã Minh Trí phải xử lý gần 30 trường hợp. Vừa rồi huyện cũng phải ra quân phá dỡ 268 lều nhỏ trong rừng ở khu vực hồ Đồng Đò”- ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết.

Trả lời câu hỏi vì sao kết luận thanh tra chưa xử lý dứt điểm thì địa bàn các hồ Đồng Đò, hồ Ban Tiện liên tục xuất hiện vi phạm mới, ông Ngọc cho rằng: Khu vực đất ở nông thôn thì hoạt động xây dựng không phải xin phép, nên việc phát hiện xử lý rất khó. Cũng chính vì vậy mới có chuyện lãnh đạo xã “giấu vi phạm”. Chỉ từ đầu năm, huyện đã xử lý kỷ luật 3 chủ tịch xã liên quan. “Chúng tôi vẫn cố gắng tuyên truyền cho bà con, khẳng định vi phạm sẽ không được tồn tại để tránh vi phạm, vừa lãng phí tiền của bà con cũng như tiền của nhà nước”, lãnh đạo huyện chia sẻ.

Cận cảnh khu hồ Đồng Đò ở Sóc Sơn sau 4 năm có kết luận thanh tra

Sau gần 4 năm kết luận thanh tra được ban hành, đất rừng Sóc Sơn (TP Hà Nội) vẫn tiếp tục bị "xẻ thịt", chỉ riêng khu vực hồ Đồng Đò đã có hơn 200 công trình vi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TRẦN HOÀNG ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN