"Xé lũ" cứu ba sản phụ, một cháu bé đau ruột thừa trong lũ lịch sử miền Trung

Sau 6 tiếng vật lộn với lũ lớn, mưa to, các chiến sĩ công an huyện Quảng Trạch thành công đưa ba sản phụ cùng một cháu bé đau ruột thừa đến bệnh viện an toàn.

Trở dạ, cạn nước ối trong cơn "đại hồng thủy"

Chiều 19/10, sản phụ Hồ Thị Liên (28 tuổi, trú tại Cảnh Hoá, Quảng Trạch, Quảng Bình) đau bụng dữ dội. Chị Liên quá ngày dự sinh hơn tuần nay, cạn nước ối, tính mạng nguy cấp.

Thời gian này, tại Quảng Bình mưa to, nước sông Gianh dâng cao gây ngập lụt diện rộng trên địa bàn Huyện Quảng Trạch, mực nước trên mặt đường khoảng 60 – 80 cm, giao thông tại thị xã Ba Đồn, quốc lộ 1, quốc lộ 12 đoạn qua địa bàn bị cô lập.

Hình ảnh ngập tại thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) ngày 19/10.

Hình ảnh ngập tại thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) ngày 19/10.

17 giờ cùng ngày, Đại tá Phan Thanh Sơn – Trưởng công an huyện Quảng Trạch nhận được tin báo, ngoài chị Liên đang nằm tại trạm y tế xã Liên Trường còn 2 sản phụ có dấu hiệu chuyển dạ và 1 bé gái bị đau bụng. Theo trung tâm y tế xã, cháu bé bị đau ruột thừa.

2 sản phụ còn lại bao gồm chị Cao Thị Huệ (26 tuổi) và chị Nguyễn Thanh Trà (26 tuổi) cùng trú tại Quảng Phương (Quảng Trạch, Quảng Bình) và bé gái Nguyễn Ngọc Phương Trang (8 tuổi) trú tại phường Quảng Phong, thị xã Ba Đồn).

Tất cả sản phụ này đều được chỉ định đẻ mổ, nên thiết bị y tế tại trạm xá không thể đáp ứng, phải chuyển nhanh, chuyển gấp lên bệnh viên tuyến trên.

Xe chết máy tại dòng lũ lớn

Trước tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", Công an huyện Quảng Trạch đã lên phương án khẩn cấp, "xé" dòng nước lũ đưa người dân an toàn đến bệnh viện.

"Chúng tôi đón sản phụ Liên tại trạm y tế Liên Trường, xuôi theo quốc lệ 12 đón các sản phụ khác rồi đến bệnh viện. Nước lũ lớn, không thể dùng tàu, thuyền, cano hoặc ô tô nhỏ, phương án được chúng tôi đưa ra là dùng xe chở quân, bánh to, lội liều đưa người dân đi. Đây chỉ là phương án, còn thực hiện đến đâu còn tùy tình hình thực tế", Đại tá Phan Thanh Sơn nhớ lại.

Đại tá Phan Thanh Sơn (người thứ hai bên trái sang) trực tiếp chỉ huy, cùng cán bộ chiến sĩ vượt lũ đưa người sản phụ đến bệnh viện.

Đại tá Phan Thanh Sơn (người thứ hai bên trái sang) trực tiếp chỉ huy, cùng cán bộ chiến sĩ vượt lũ đưa người sản phụ đến bệnh viện.

Đại tá Phạm Hữu Phong được giao cầm vô lăng lái xe vượt lũ, người được đánh giá có khả năng lái xe to, xe quân tốt nhất huyện Quảng Trạch.

Do thời tiết mưa to, nước xiết và địa hình khó khăn nên xe chuyên dụng mất một khoảng thời gian mới đón được sản phụ Liên.

Đường trơn trượt, nhiều chỗ bị ngập sâu cả mét, xe chuyên dụng di chuyển chậm tới điểm hẹn ở ngã tư Quảng Thanh (Quảng Trạch) để đón 2 sản phụ Trà và Huệ cùng bé gái Trang.

Việc đưa sản phụ Trà, Huệ, bé Trang ra điểm hẹn, lực lượng chức năng cũng phải vật lộn với lũ lớn. Cán bộ địa phương cùng một số người dân đưa ba người lên ghe nhỏ, đẩy gần 1km từ trạm y tế lên nơi xe quân dụng chờ sẵn

Đón xong 3 sản phụ và bé gái, xe thẳng tiến điểm đến là BV đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình, cách vị trí hiện tại 7km.

Khu vực thị xã Ba Đồn nơi xe chở quân bị chết máy. Ảnh phóng viên Dân Việt ghi lại sáng 20/10.

Khu vực thị xã Ba Đồn nơi xe chở quân bị chết máy. Ảnh phóng viên Dân Việt ghi lại sáng 20/10.

"Khi xe vừa xuất phát được hơn 1km thì gặp dòng nước chảy mạnh và sâu, đèn chiếu sáng chìm trong lũ không thể hoạt động, anh em phải lội nước dùng đèn pin để dò đường. Đi thêm 1 đoạn thì xe dừng đột ngột, chết máy giữa dòng lũ lớn", Trung tá Nguyễn Thái Sơn kể.

"Lúc đó, đồng chỉ Trưởng công an huyện hô to anh em đẩy xe lên chỗ cao, không lũ lên là cuốn hết. Anh em tập trung cùng người nhà bệnh nhân lao vào dòng lũ đẩy xe. Nước lũ nó xô anh em đi, chân không trụ vững là trôi ngay, anh em động viên nhau may mắn đẩy xe qua được chỗ nước xiết",Thái Sơn kể.

Chạy lũ, đưa người bệnh vào viện an toàn

Một lúc sau, ca nô lực lượng Bộ đội Biên phòng đến hỗ trợ, chở sản phụ đi trước, còn một số chiến sĩ ở lại sửa xe.

6 tiếng lực lượng chức năng vật lộn trong cơn lũ.

6 tiếng lực lượng chức năng vật lộn trong cơn lũ.

Tuy nhiên ca nô chỉ đi một đoạn, lên chỗ điểm cao, nước thấp không thể di chuyển, cùng lúc đó lực lượng chức năng sửa xe xong, vượt lên đưa các sản phụ hướng thị xã Ba Đồn.

Lúc này thị xã Ba Đồn chìm trong biển nước, hàng dài xe chật kín đường đi.

Đại Tá Phan Thanh Sơn chỉ hủy lực lượng công an huyện gồm 10 chiến sĩ, chạy bộ khoảng 3km xin đường để xe chở sản phụ đi qua.

"Chạy bộ 3km, lội nước, tắm mưa mà không thấy mệt. Lúc ấy chỉ nghĩ là cứu được sản phụ, đưa họ vào bệnh viên an toàn thôi", một chiến sĩ trong đoàn chạy bộ kể lại với phóng viên.

Nhờ có sự hỗ trợ, lực lượng chức năng đưa ba sản phụ, cùng cháu bé an toàn vào viện.

Lực lượng chức năng đưa sản phụ và cháu bé vào viện an toàn.

Lực lượng chức năng đưa sản phụ và cháu bé vào viện an toàn.

Sáng 21/10, trao đổi với phóng viên Dân Việt, chị Hồ Thị Liên (một trong ba sản phụ) cho biết chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại cảnh chạy lụt.

"Ngồi trên xe, nghe tiếng nước vồ vào thành xe rầm rầm, phía ngoài các đồng chí hô nhau đẩy xe không sẽ trôi. Lúc ấy lòng như lửa đốt, mình đã nghĩ tới cảnh bị nước lũ cuốn mất. May mắn với sự vào cuộc của lực lượng chức năng, nay mẹ tròn con vuông", chị Liên nói.

Gia đình đặt tên gọi cho cháu ở nhà là Lụt để sau này cháu biết bản thân mình đã may mắn như thế nào.

Thông tin phóng viên nhận được, hiện ba sản phụ đã "vượt cạn" thành công, sức khỏe tốt. Cháu bé 8 tuổi cũng được chữa trị kịp thời.

Ông chủ ở Yên Bái tự nguyện đưa tàu 3,5 tấn vào cứu trợ người dân vùng lũ

Một chủ tàu ở Yên Bái đã tự nguyện vận chuyển chiếc tàu thủy vào cứu giúp bà con Miền Trung đang bị cô lập.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Võ Hồng Nhân - Trần Anh ([Tên nguồn])
Lũ lụt ở miền Trung Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN